Điện Bàn phải đột phá trong phát triển

QUỐC TUẤN 20/04/2020 06:03

Cuối tuần qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Thị ủy Điện Bàn về công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp. Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn đã nhận được nhiều định hướng, góp ý để xây dựng kế hoạch phát triển đô thị bền vững, tạo đột phá trong nhiệm kỳ tới.

Hạ tầng giao thông vùng đông của Điện Bàn chưa theo kịp sự phát triển đô thị. Trong ảnh: Cầu Nghĩa Tự ở phường Điện Dương. Ảnh: Q.T
Hạ tầng giao thông vùng đông của Điện Bàn chưa theo kịp sự phát triển đô thị. Trong ảnh: Cầu Nghĩa Tự ở phường Điện Dương. Ảnh: Q.T

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Về công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, đến nay Điện Bàn đã hoàn thành dự thảo báo cáo chính trị (dự thảo lần 3), tổ chức lấy ý kiến của ban chấp hành, các đồng chí nguyên lãnh đạo và gửi đến các chi bộ, đảng bộ cơ sở góp ý. Điện Bàn cũng đã có kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo Quy định 126-QĐ/TW của Bộ Chính trị với 30/30 trường hợp đủ điều kiện tái cử ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ mới. Dự kiến Đại hội Đảng bộ thị xã Điện Bàn lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) diễn ra vào ngày 5 và 6.8.2020.

Trong 5 năm qua công nghiệp ở Điện Bàn tiếp tục tăng trưởng khá, giữ vai trò động lực giúp thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Điện Bàn là một trong hai địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất của tỉnh.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương, hệ thống cụm công nghiệp của thị xã vẫn còn gặp nhiều khúc mắc, chưa thực sự tạo đà để phát triển, đáng chú ý là đang sở hữu cụm công nghiệp làng nghề (Đông Khương) duy nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 2/13 chỉ tiêu Đảng bộ thị xã chưa đạt kế hoạch, gồm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và cơ cấu giá trị sản xuất.

Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Điện Bàn là một trong số ít các địa phương chủ lực của tỉnh cần phải có cơ cấu kinh tế phản ánh cơ cấu kinh tế của tỉnh, tuy nhiên tỷ trọng dịch vụ của thị xã trong cơ cấu kinh tế còn thấp nên phải thúc đẩy phát triển mạnh trong những năm tới (ngành công nghiệp của Điện Bàn hiện chiếm tới 65% cơ cấu kinh tế, trong khi thương mại - dịch vụ chỉ chiếm 28%).

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị, Đảng bộ Điện Bàn phải đúc rút lại các mô hình mới, cách làm hay và nhìn thẳng vào những điều tồn tại chưa làm được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 để rút kinh nghiệm. Trong đó cần tạo điều kiện hơn nữa để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tận dụng lợi thế vị trí của mình trong tương quan của tỉnh, vùng để khai thác hết tiềm năng.

Kết nối đô thị vì sự bền vững

Tỉnh đã và đang kỳ vọng vào Điện Bàn rất nhiều. Bây giờ ở Điện Bàn không phải bàn về giảm nghèo nữa, mà phải đặt vấn đề đến đô thị thông minh, khu dân cư kiểu mẫu. Đảng bộ thị xã phải khơi gợi được truyền thống đáng tự hào của vùng đất góp công lớn vào danh xưng “ngũ phụng tề phi” và phát huy trí tuệ, đoàn kết để chọn lựa lĩnh vực cụ thể phấn đấu tạo đột phá trong 5 năm tới”.

(Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường)

Lâu nay, Điện Bàn được ví như “đại công trường” trên địa bàn tỉnh với tổng số dự án đầu tư công và tư lên đến khoảng 100 dự án. Theo ông Đặng Phong, để tạo đà phát triển, địa phương phải nhanh chóng hoàn chỉnh đô thị vùng đông và ven biển, nhưng cần phải lưu ý tính toán các dự án có tính khả thi, bởi thời gian qua một số dự án cần nguồn lực đầu tư quá lớn thì rất khó để triển khai.

Còn ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường gợi mở, địa phương phải quan tâm hơn nữa vấn đề xử lý nước thải, nhất là nước thải tại các cụm công nghiệp hiện tồn tại nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh kế hoạch đầu tư nhà máy xử lý rác vùng đông, bởi một khi hạ tầng đô thị được chỉnh trang xong thì chắc chắn áp lực về rác thải sẽ tăng lên rất lớn.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng góp ý, môi trường thu hút đầu tư của Điện Bàn thời gian qua rất tốt, tuy nhiên địa phương phải chú ý thu hút dự án động lực để phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ thì mới nâng chất đô thị và cần khởi động ngay từ bây giờ, bởi để hoàn thiện cần một quá trình ít nhất từ 3 đến 5 năm.

Mục tiêu của Đảng bộ thị xã là xây dựng Điện Bàn trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030. Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, trong quá trình phát triển, địa phương cần chủ động dựa vào nội lực của mình, ngoài ra cần chú ý kết nối với hai đô thị lớn là Đà Nẵng, Hội An để khớp nối hạ tầng, tạo thành chuỗi đô thị liên hoàn. Điện Bàn cũng phải sắp xếp lại các khu đô thị của mình, bởi chia chẻ nhỏ, lộn xộn như hiện nay càng khiến kết cấu hạ tầng tồn tại nhiều nút thắt cản trở quá trình phát triển đô thị bền vững.

“Điện Bàn cần phải lồng ghép 3 giải pháp đột phá như mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới mới có thể phát triển bền vững. Đó là đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường và khởi nghiệp sáng tạo” - đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn phải đột phá trong phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO