Điện Bàn phát triển kinh tế trang trại

GIA KHANG 06/02/2020 09:26

Phát triển mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất được xác định là hướng đi chủ đạo của ngành nông nghiệp Điện Bàn hiện nay và những năm tới.

 

Hướng đi chủ đạo

Sau hơn 10 năm thuê đất chăn nuôi bò tập trung tại bãi bồi thôn Kỳ Long, xã Điện Thọ, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình ông Võ Đăng Đức khá tốt. Với khoảng 10 con bò thịt thả thường xuyên, bình quân mỗi năm ông Đức thu lãi hơn 100 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình và lo con cái học hành. Tại thôn Kỳ Long, nhiều năm nay ngoài ông Đức còn có gần 50 hộ dân tổ chức chăn nuôi bò tập trung trên các bãi bồi ven sông, nhà ít thì vài con, nhiều lên 30 - 40 con, hầu hết mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại Điện Bàn, mô hình trang trại, chăn nuôi tập trung xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là tại vùng Gò Nổi. Ở xã Điện Quang, chỉ riêng 2 thôn Bến Đền và Phú Tây đã có hơn 300 hộ tổ chức chăn nuôi bò tập trung với hơn 1.000 con (trong tổng số gần 4.300 con bò của xã). Bên cạnh chăn nuôi bò, thời gian gần đây xã cũng tiến hành quy hoạch các vùng nguyên liệu lớn như đậu phụng tại thôn Phú Đông (10ha), dâu tại thôn Bến Đền (5ha)... từng hước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa.

Mô hình chăn nuôi, sản xuất tập trung ở Điện Bàn được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: G.K
Mô hình chăn nuôi, sản xuất tập trung ở Điện Bàn được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: G.K

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn khẳng định, mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình của Điện Bàn hiện nay và những năm tới. Do đó, trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã, mô hình này được xác định là một trong những nội dung chính để nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến xây dựng ngành nông nghiệp hữu cơ, an toàn bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế Điện Bàn, toàn thị xã hiện có 62 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT, hầu hết là trang trại chăn nuôi (heo, bò, gà, cút, cá...). Trong đó, một số trang trại hoạt động khép kín kết hợp nuôi cá, gà, vịt hoặc kết hợp nuôi bò, heo, gà… đồng thời liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp thức ăn đến bao tiêu sản phẩm. Tương tự, các vùng sản xuất chuyên canh cũng xuất hiện nhiều mô hình ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao như: vùng chuyên canh rau Bình Ninh (Điện Nam Bắc); vùng chuyên canh rau bãi bồi Khúc Lũy (Điện Minh); vùng chuyên canh rau Tây An (Điện Phong) hay một số vùng sản xuất lúa giống tại vùng Tây...

Triển vọng ngành nông nghiệp

Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn đã thông qua Đề án “Phát triển kinh tế trang trại và vùng sản xuất trên địa bàn thị xã Điện Bàn giai đoạn 2020 - 2025”, trong đó xác định, nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao là một trong các mục tiêu mà ngành nông nghiệp Điện Bàn hướng đến.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, trong những năm tới thị xã sẽ tập trung khai thác và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông nghiệp thế mạnh như gạo hữu cơ Phong Thử, lúa giống vùng Tây Điện Bàn, rau an toàn bãi bồi Khúc Lũy (Điện Minh), dầu phụng Đất Quảng (Điện Quang), bò lai chất lượng cao vùng Gò Nổi, nước mắm Hà Quảng (Điện Dương)…; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Đức Chơi cho biết, từ mục tiêu của đề án, đến năm 2025 Điện Bàn sẽ phát triển 6 trang trại, bao gồm trang trại nông nghiệp sinh thái, trồng trọt và trang tại tổng hợp. Ngoài ra, sẽ triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng hoàn thiện phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, địa phương hướng đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể mỗi xã một sản phẩm tại 30 vùng sản xuất rau củ quả của 12 xã, phường, tổng diện tích hơn 268ha.

“Đến năm 2025 thị xã sẽ triển khai hỗ trợ đầu tư đường bê tông giao thông và điện tới 28 cụm chăn nuôi bò tập trung tại 7 xã Điện Quang, Điện Thọ, Điện Phong, Điện Trung, Điện Phước, Điện Hồng và Điện Tiến, với tổng diện tích 106ha. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 53 tỷ đồng” - ông Chơi thông tin.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chơi, đề án triển khai sẽ mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp cũng như hiệu quả sử dụng đất, qua đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân, giảm chi phí đầu tư sản xuất trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, đảm bảo được đầu ra ổn định cho sản phẩm thông qua hợp tác với doanh nghiệp, mang lại lợi ích giúp nông dân yên tâm sản xuất, không quay lưng lại với ruộng vườn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn phát triển kinh tế trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO