Năm học mới 2016 - 2017, Điện Bàn phải đối mặt với tình trạng thiếu phòng học do áp lực tăng dân số cơ học nên số lượng học sinh tăng cao.
Ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết, năm học mới này, Điện Bàn có 2 khó khăn lớn đang rất cần sự quan tâm của Sở GD-ĐT cũng như các cấp chính quyền địa phương. “Hiện tại, tại các xã, phường vùng đông của thị xã, tình trạng thiếu phòng học đã diễn ra hơn 5 năm nay. Chúng tôi phải sắp xếp, tận dụng các phòng, từ phòng sinh hoạt các bộ môn, phòng chức năng… để làm phòng học cho các em nhưng vẫn không đủ. Khó khăn thứ nhất là chuyện thiếu phòng ốc. Khó khăn thứ 2 cũng nan giải là việc thiếu trầm trọng giáo viên. Hiện tại địa phương thiếu đến gần 150 giáo viên cho các bậc học” - ông Ngọc nói.
Quá tải trường lớp tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: S.A |
Tình trạng thiếu phòng học tại thị xã Điện Bàn đã diễn ra hơn 5 năm nay, từ sau khi Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc phát triển mạnh. Ông Ngọc chia sẻ thêm, nếu các năm học trước ở bậc học mầm non luôn trong tình trạng thiếu chỗ thì năm học này, các trường tiểu học và THCS lại đang phải gồng gánh tình trạng tương tự. Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc hiện tại có đến 3 trường THCS, 7 trường tiểu học nhưng vẫn không thể đủ cho số lượng học sinh mỗi ngày mỗi tăng. Chỉ còn cách sắp xếp, tận dụng các phòng, từ phòng đội, phòng chức năng… để dạy học.
Thậm chí, phòng giáo viên cũng đành chia làm đôi, một nửa dạy học, nửa còn lại là phòng sinh hoạt, hội họp của giáo viên. Để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày thì các khối 4, 5 phải học thêm vào thứ Bảy. Đơn cử, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường Điện Nam Bắc), năm nào số lượng học sinh cũng tăng khoảng từ 100 em trở lên, trong đó quá nửa là con em công nhân ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Trong khi năm học 2015 - 2016, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có 28 lớp, với tổng số 847 học sinh nhưng chỉ có 18 phòng học. Cũng như vậy, tại Trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân (cũng nằm tại phường Điện Nam Bắc), năm học 2015 - 2016, trường có 19 lớp học nhưng cơ sở vật chất của trường chỉ đáp ứng được 15 phòng. Do vậy, chỉ còn cách “nhét” thêm học sinh vào mỗi lớp, khiến sĩ số học sinh mỗi lớp 37 - 40 em, trong khi quy định của Bộ chỉ có 35 em/lớp.
Được biết, trong giai đoạn từ năm 2010-2015, thị xã Điện Bàn đã xây dựng 100 phòng học, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học tại các trường. Trong đề án trung hạn giai đoạn 2015-2020, Điện Bàn đề ra kế hoạch trong vòng 5 năm tới sẽ thành lập thêm một số trường, xây dựng thêm 200 phòng học ở các cấp tiểu học và THCS. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Ngọc nói, việc thiếu phòng cho các cấp tiểu học và THCS nhiều năm nay đã được đơn vị này kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ, nhưng vẫn chưa có hồi đáp. Riêng ở bậc mầm non, việc thiếu thốn cơ sở vật chất dễ xử lý hơn, vì có thể xã hội hóa được. Với bậc giáo dục phổ thông thì chỉ chờ sở và chính quyền huyện đầu tư. Việc thiếu giáo viên cũng khiến ngành giáo dục của thị xã Điện Bàn đang rất khó khăn để xoay cho đủ trong năm học này. “Người ta đến làm việc, mưu sinh trên đất Điện Bàn thì chúng tôi phải tạo điều kiện cho con em họ học tập. Việc số học sinh tăng cơ học là do dân số tăng cơ học, công nhân, người lao động tìm đến Điện Bàn mỗi ngày mỗi đông, chúng tôi có muốn giảm tải sĩ số học sinh cũng không được với điều kiện phòng ốc như thế này” - ông Ngọc nói.
SONG ANH