Tài chính - Thị trường

Điện Bàn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

VĨNH LỘC 09/08/2024 11:00

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được triển khai rộng rãi ở thị xã Điện Bàn. Địa phương đang hướng đến phổ cập hình thức thanh toán này, tạo thuận lợi, an toàn cho người dân.

de4499405e01fa5fa310.jpg
Thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Điện. Ảnh: V.L

Nhiều tiện ích

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế xã hội nhằm tạo sự minh bạch, hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm chi phí xã hội…

Thời gian qua, rất nhiều văn bản, chính sách đã được chính quyền thị xã Điện Bàn ban hành nhằm khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp, người dân gắn với quá trình chuyển đổi số, thương mại số, kinh tế số.

Nhiều hoạt động thanh toán trong mua bán, chi trả các dịch vụ thông thường đã và đang dần chuyển sang hình thức chuyển khoản nhanh chóng, tiện lợi.

Bà Hồ Thị Hường - tiểu thương buôn bán trái cây tại chợ Vĩnh Điện cho biết, thời gian gần đây số khách mua hàng không dùng tiền mặt tăng lên đáng kể.

Nếu trước đây chủ yếu ở nhóm người trẻ tuổi thì nay một số khách hàng trung niên, nhất là cán bộ viên chức, dân văn phòng cũng đã chuyển sang hình thức thanh toán này. Bình quân, khoảng 60% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua trái cây tại sạp bà Hường.

Chợ Vĩnh Điện được xem là một trong số điểm buôn bán sầm uất nhất Điện Bàn. Vì vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng diễn ra khá phổ biến. Sạp trái cây bà Hồ Thị Hường chỉ là một trong số quầy hàng tại chợ Vĩnh Điện thực hiện song hành thanh toán mua hàng bằng tiền mặt và chuyển khoản.

Hồi tháng 10/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Điện cũng đã ra mắt Tổ phụ nữ thanh toán không dùng tiền mặt với 20 thành viên, hầu hết là hộ kinh doanh, buôn bán có tài khoản ngân hàng và biết sử dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, mỗi thành viên tổ được cấp một bảng mica quét mã QR với thông tin tài khoản ngân hàng. Đồng thời được hướng dẫn cài đặt các ứng dụng thông tin để thanh toán nhằm phục vụ hoạt động giao dịch mua bán, kinh doanh.

Đến nay, hầu hết chi hội phụ nữ trên địa bàn 20 xã, phường của thị xã Điện Bàn đã thành lập Tổ phụ nữ không dùng tiền mặt trong hoạt động giao dịch.

Từ sau đại dịch COVID-19, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phố biến trong hoạt động thương mại, lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả những người buôn bán nhỏ.

Thông qua cách thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ thông tin như ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, QR Code, Viettel Money… đã giúp người mua hàng chuyển tiền dễ dàng, an toàn chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh.

Phổ cập ứng dụng

Trong kế hoạch của UBND tỉnh về “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, mục tiêu nêu rõ: Đến năm 2030, phấn đấu có 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%. Đến năm 2045 có 90% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 85%.

Cụ thể hóa mục tiêu kế hoạch của tỉnh, những năm qua, thị xã Điện Bàn đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về thanh toán không dùng tiền mặt.

Nổi bật, có thể kể đến Kế hoạch số 70 (ngày 29/3/2023) và Kế hoạch số 204 (ngày 31/8/2023) nhằm hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các chợ, cơ sở kinh doanh, cơ sở giáo dục, y tế cũng như trong chi trả chính sách an sinh xã hội.

Thị xã hướng tới triển khai rộng rãi áp dụng công nghệ số, sử dụng hóa đơn điện tử trong các hoạt động giao dịch, hình thành thói quen sử dụng công nghệ, dịch vụ số cho tổ chức, cá nhân liên quan mang đến sự thuận lợi, an toàn cao nhất.

Bà Lê Thị Anh - chủ Cơ sở sản xuất bánh Lê Anh cho biết, hiện tại phần lớn giao dịch với đối tác, khách hàng của cơ sở chủ yếu bằng hình thức chuyển khoản. Điều này cũng bởi hoạt động kinh doanh chủ yếu được thực hiện trên các nền tảng mạng, kể cả mua nguyên liệu đầu vào.

Khảo sát sơ bộ hệ thống siêu thị, cơ sở ăn uống, cộng đồng khởi nghiệp, các chủ thể OCOP… trên địa bàn thị xã cho thấy, hầu hết đều có thanh toán không dùng tiền mặt.

Đáng chú ý, không ít cơ sở doanh nghiệp có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 70-80% cơ cấu thanh toán thương mại của đơn vị, con số này dự báo còn tăng khi hoạt động thương mại điện tử đang ngày càng phát triển.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trong thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng chủ yếu thuộc về người cao tuổi, người dân khu vực nông thôn.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi đối với người cao tuổi thì do không quen với công nghệ nên khả năng thích ứng, sử dụng các thiết bị di động thông minh gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi.

Còn các vùng nông thôn, không phải nơi nào cũng có wifi để khách hàng sử dụng điện thoại thông minh thực hiện giao dịch, nếu đăng ký mạng 4G thì trả phí cao, trong khi việc sử dụng giao dịch không phải thường xuyên. Đó là chưa kể, việc sử dụng tiền mặt vẫn là thói quen lâu đời của người dân.

Những trở ngại trên khiến hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại một số địa phương phía tây thị xã chưa đạt như kỳ vọng. Bà Hằng mong muốn, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp ngành, đơn vị liên quan cần hoàn thiện hơn nữa hạ tầng công nghệ, để cùng Điện Bàn thúc đẩy mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO