Môi trường

Điện Bàn tìm cách xử lý chất thải rắn sinh hoạt

VĨNH LỘC (locvanhoa@gmail.com) 19/02/2025 08:45

Theo số liệu thống kê, hiện bình quân mỗi ngày/đêm lượng rác thải ra trên địa bàn thị xã Điện Bàn khoảng 110 tấn, rất nhiều trong đó là chất thải rắn sinh hoạt. Dự báo số lượng này tiếp tục gia tăng thời gian tới khi các hoạt động kinh tế, xã hội và dân số tiếp tục phát triển.

r.jpg
Dự báo rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã Điện Bàn sẽ ngày càng gia tăng. Ảnh: VĨNH LỘC

Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chỉ đơn thuần theo hình thức thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt Bắc Quảng Nam (Đại Lộc) để phân loại, xử lý nhưng tần suất thu gom hàng tuần cũng chưa nhiều khiến việc giải quyết vấn đề rác thải tại Điện Bàn ngày càng áp lực.

Nan giải rác thải

Tính đến tháng 9/2024, Điện Bàn có 52.637 hộ dân (hơn 232 nghìn người), chủ yếu sinh sống khu vực đô thị (chiếm 63,66%), nông thôn chiếm 36,34%. Các nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (giấy, nhựa, vải, cao su, kim loại, khẩu trang…) chủ yếu từ hộ gia đình; các cơ quan, đơn vị nhà nước; hoạt động dịch vụ công cộng; khu thương mại dịch vụ; cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở khám chữa bệnh và phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, hiện 20/20 xã phường của Điện Bàn đều đã triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Riêng năm 2023, tổng khối lượng rác thu gom trên địa bàn thị xã hơn 33 triệu tấn, tương đương 90,47 tấn/ngày (gần 0,9 ký/người dân).

Hoạt động thu gom chủ yếu theo 2 hình thức, gồm trực tiếp do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thực hiện (chiếm 78,68%) và thu gom gián tiếp thông qua tổ thu gom tại các địa phương với các hộ dân trong kiệt hẻm nhỏ (18,39%). Tính đến tháng 9/2024, số hộ tham gia rác thải có đóng phí đạt 97,07% và tần suất thu gom từ 1-3 lần/tuần tùy tuyến đường.

Cụ thể, quốc lộ 1 thu gom 2 lần/tuần (riêng tuyến đường đi qua phường Vĩnh Điện và Điện An 3 lần/tuần). Đường ĐT thu gom 2 lần/tuần; riêng ĐT607 đi qua 3 phường Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông và ĐT608 đi qua phường Điện Minh, Điện Nam Đông thu gom 1 lần/tuần) và đường ĐH thu gom 1 lần/tuần; đường ĐX thu gom 1 lần/tuần.

Dù vậy, thực tế việc thu gom rác thải không phải lúc nào cũng đúng thời gian và tần suất theo quy định. Bà Lê Thị Phượng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Vĩnh Điện cho rằng, bên cạnh nâng cao nhận thức của người dân, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cần tăng thêm tần suất thu gom rác thải sinh hoạt hàng tuần.

“Đơn cử, việc thu gom rác thải từ kiệt hẻm ra bãi tập kết chờ vận chuyển gây mất mỹ quan và ô nhiễm, nhất là trong mùa mưa bão, lễ tết. Chưa kể, người dân phân loại rác thải nhưng quá trình thu gom đơn vị vận chuyển lại gộp chung vào một xe khiến họ suy nghĩ việc phân loại tại nguồn không cần thiết” - bà Phượng nói.

Phụ thuộc kinh phí thu gom

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được các cấp ngành, đoàn thể thị xã Điện Bàn triển khai mạnh mẽ. Nhiều phong trào, mô hình thiết thực như “Phụ nữ xách giỏ đi chợ”, “Nói không với túi ny lon”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”… Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa như kỳ vọng.

r1.jpg
Việc gia tăng tần suất thu gom, vận chuyển rác thải phụ thuộc vào kinh phí hợp đồng. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn, ngoài nguồn thu phí từ hộ dân và ngân sách thị xã hỗ trợ cho các hộ thu gom, vận chuyển rác thải gián tiếp, hàng năm, thị xã phải chi trả khoản kinh phí rất lớn cho đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo khối lượng thực tế.

Vì vậy, việc tổ chức thực hiện phân loại chất thải tại nguồn trên địa bàn thị xã sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, giảm chi phí xử lý, đồng thời tận dụng được các loại chất thải rắn khác thông qua các hoạt động tái sử dụng, tái chế.

Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - chi nhánh Điện Bàn, ông Đỗ Như Thiện thông tin: Việc bố trí tần suất thu gom rác thải sinh hoạt phụ thuộc vào hợp đồng đã ký từ trước giữa đơn vị với các địa phương. Do đó, địa phương nào có yêu cầu tăng tần suất thu gom, chuyên chở rác theo phân loại thì đơn vị sẵn sàng làm việc lại với lãnh đạo UBND để bàn tính bởi liên quan đến chi phí.

“Hiện nay việc thu gom, vận chuyển rác thải bằng xe ép rác chuyên dụng, trong khi công ty là một đơn vị kinh doanh dịch vụ nên bây giờ nếu muốn tăng tần suất thu gom hoặc thu gom riêng từng loại chất thải thì chúng tôi phải ký hợp đồng lại” - ông Thiện nói.

Được biết trên địa bàn thị xã hiện có 13 xe cuốn ép chuyên dùng thu gom, vận chuyển rác lên nhà máy xử lý rác thải Bắc Quảng Nam và 5 xe chuyên dùng (500kg) để trung chuyển rác trên địa bàn. Trung bình một ngày trên địa bàn thị xã có 18 chuyến xe thu gom, vận chuyển rác thải. Riêng với một số rác thải như kính, nệm, ghế sofa… do nhà máy xử lý rác thải tại Đại Lộc không nhận nên công ty cũng không thể thu gom.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn tìm cách xử lý chất thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO