Việc chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KH-KT) nâng cao hiệu quả, năng suất của ngành nông nghiệp là mục tiêu được huyện Điện Bàn chú trọng trong những năm gần đây.
Thâm canh lúa tổng hợp
Qua triển khai thí điểm ở 2 xã Điện Quang và Điện Phong vụ đông xuân 2013-2014, mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo quy mô cánh đồng mẫu với việc áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng” của huyện Điện Bàn đã cho thấy hiệu quả vượt bậc. Ở 2 địa phương thí điểm, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, độ đồng đều cao, năng suất đạt 75 tạ/ha, cao hơn 8 tạ/ha so với sạ thường. Không chỉ riêng 2 xã thí điểm, mô hình đã được triển khai rộng rãi trên những cánh đồng mẫu của huyện với diện tích lên đến 1.000ha trong tổng số 5.700ha toàn huyện. Trong khi nhiều địa phương gặp khó trong việc áp dụng công cụ sạ hàng vào đồng ruộng thì tại Điện Bàn đã phát triển được 500 công cụ, chỉ riêng vụ hè thu 2014, Trạm Khuyến nông huyện đã chuyển giao gần 200 công cụ sạ hàng cho các địa phương.
Mô hình nuôi cá trong lồng. Ảnh: B.L |
Ông Phạm Thành Chung - Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho hay: Nếu trước, việc gieo sạ bằng cách vãi giống theo cảm tính thì nay nhờ áp dụng công cụ sạ hàng, người dân đã có thể giảm đáng kể lượng giống trên cùng một đơn vị diện tích. Lượng phân bón, thuốc trừ sâu cũng giảm đáng kể, mật độ cây lúa lại đồng đều. Nếu trước, 1 sào có thể sạ 3,5 - 4kg lúa giống thì khi áp dụng công cụ, lượng giống còn giảm một nửa, tức 2,5 - 3kg. Ước tính, 1 sào lúa sẽ giảm chi phí đầu vào 100.000 đồng, với 2 vụ/năm/1.000ha lúa, thì chi phí sản xuất đầu vào sẽ giảm đi khoảng 4 tỷ đồng, tiết kiệm 120 tấn giống và 20.000 công dặm sạ. Từ hiệu quả này, ngành nông nghiệp đang hướng tới đẩy mạnh ứng dụng biện pháp canh tác mới, trong đó có công cụ sạ hàng trên 4.700ha còn lại. Hiện, mô hình đã được 3 xã trọng điểm lúa Điện Thọ, Điện Phước và Điện Hồng hưởng ứng tích cực. Tại các xã, nhiều tổ hợp tác sản xuất đảm nhận làm dịch vụ đã ra đời. Trong khi ở một số địa phương, bà con chỉ cần ngâm giống, ủ giống sẵn để tổ dịch vụ kéo sạ hàng thì ở Điện Thọ, Tổ hợp tác sản xuất của xã đã bao tiêu tất tần tật từ công đoạn ngâm, ủ giống cho tới kéo sạ hàng… Để hướng tới nền sản xuất lúa bền vững, Trạm Khuyến nông huyện Điện Bàn còn triển khai mô hình “Ứng dụng phân hữu cơ vi sinh đẩy mạnh thâm canh trên đồng ruộng” tại 5 xã Điện Phương, Điện Minh, Điện Trung, Điện Quang và Điện An, thu hút 260 hộ tham gia. Đến nay, bà con đã tự sản xuất ra 300 tấn phân hữu cơ vi sinh để bón lót cho cây lúa nhằm cải tạo độ phì nhiêu cho đất, hạn chế dịch bệnh do nấm gây ra.
Chăn nuôi bền vững
Ngoài mô hình bón phân hữu cơ vi sinh cho cây lúa, có thể kể đến mô hình xây dựng hầm biogas composite, đệm lót sinh thái trong chăn nuôi; hay mô hình sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường ao nuôi ghép cá nước ngọt… Trong đó, mô hình xây hầm biogas giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi được Trạm Khuyến nông huyện triển khai từ năm 2009 tới nay khá hiệu quả với tổng số hầm biogas được lắp đặt hơn 500 cái. Ngoài chuyển giao công nghệ, trạm còn tổ chức nhiều khóa tập huấn nâng cao nhận thức người dân về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Nhờ vậy, số lượng thiết bị lẫn hầm biogas được triển khai tại địa phương tăng lên theo từng năm. Không chỉ lắp đặt tại địa phương, trạm còn chuyển giao công nghệ trên cho nông dân tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh với tổng số thiết bị và hầm biogas được lắp đặt lên tới 1.000 cái. Mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi cũng được xem là giải pháp tích cực giảm thiểu môi trường chăn nuôi theo quy mô gia trại. Mô hình đã được triển khai tại 5 xã: Điện Tiến, Điện Thọ, Điện Quang, Điện Phong, Điện Thắng Trung và Điện Nam Trung cùng với 5 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và cung cấp 140kg chế phẩm vi sinh Balasa cho 200 hộ dân tại 5 xã. Tháng 7.2014, mô hình chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh trên nền đệm lót sinh thái cũng đã được triển khai tại 3 xã Điện An, Điện Thọ và Điện Phước. Cũng trong tháng 7.2014, mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường ao nuôi ghép cá nước ngọt” được triển khai cho 16 hộ nông dân xã Điện Hòa đã góp phần làm thay đổi thói quen và nhận thức của người nuôi cá nước ngọt trong quá trình quản lý ao nuôi.
Có thể nói, cần phải có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của các mô hình chuyển giao tiến bộ KH-KT, song bước đầu, các mô hình đã giúp bà con thay đổi thói quen canh tác cũ, kém hiệu quả sang ứng dụng phương thức mới với hiệu quả và năng suất cao hơn nhờ ứng dụng tiến bộ KH-KT.
BÍCH LIÊN