Điện Bàn ưu tiên đầu tư phát triển đô thị

TRỊNH DŨNG 12/05/2023 07:59

Thị xã Điện Bàn đã quyết định ưu tiên nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho 5 xã mới lên phường trong Chương trình phát triển đô thị địa phương.

Phường Điện Minh đang nâng cấp giao thông nội thị. Ảnh: T.D
Phường Điện Minh đang nâng cấp giao thông nội thị. Ảnh: T.D

“Áo đô thị”... còn rộng

Con đường 33 nối từ quốc lộ 1 kéo một vệt thẳng lên Cụm công nghiệp Trảng Nhật đã mọc đầy công xưởng, cửa hàng. Các tuyến giao thông, hệ thống thoát nước, kênh mương nội đồng, hệ thống chiếu sáng... kết nối rộng khắp.

Các con đường nội thị của Điện Thắng Trung như ô bàn cờ, xuất hiện khá nhiều khu dân cư. Ông Trương Công Nhân - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Thắng Trung nói, kinh tế - xã hội địa phương phát triển khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng; nông nghiệp giảm dần diện tích.

Không chỉ Điện Thắng Trung - trung tâm phân khu đô thị Điện Thắng (cửa ngõ phía bắc thị xã Điện Bàn) ra dáng dấp đô thị. Phong trào hiến đất, mở đường (từ 3m lên 7,5m hoặc 9,5m) hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế... để “lên đời đô thị” đã diễn ra hầu hết 5 xã mới vừa lên phường ở Điện Bàn (Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh và Điện Phương).

Hơn 7km trục đường chính liên thôn (khối phố) ở Điện Minh đã được nâng cấp, mở rộng theo tiêu chuẩn đô thị. Chính quyền địa phương dự kiến sẽ có thêm 3km đường nội thị được nâng cấp năm 2023 và năm 2025 sẽ tăng lên 20km.

Điện Thắng Nam mở rộng, nâng cấp gần 6,6km; Điện Phương thêm 2km đường giao thông nội vùng... Các tuyến nội thị 5 phường đã tráng nhựa hay bê tông hóa, không còn những con đường đầy bùn đất trắc trở.

Không phải ngẫu nhiên “khoác áo đô thị”, 5 xã lên phường ở Điện Bàn đã trải qua một hành trình chuyển đổi không dễ dàng. Chính quyền các địa phương đã tính toán, sắp xếp đủ các tiêu chí hợp lý, tìm nguồn lực đầu tư cho việc hình thành đô thị.

Từ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cân đối thu chi ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo trung bình, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thị, các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng đô thị, đất công trình giáo dục, trạm y tế, nhà văn hóa, sân thể thao đến chợ (hoặc siêu thị), đất cây xanh sử dụng công cộng, diện tích giao thông tính trên dân số... Tuy nhiên, nhiều tiêu chí một đô thị đúng nghĩa vẫn thiếu hoặc mới chỉ tiệm cận. Các địa phương cần phải nâng cấp, sửa chữa các công trình hạ tầng.

Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Thắng Bắc nói nguồn kiến thiết thị chính phân bổ hàng năm không đủ. Việc đầu tư hạ tầng chờ sự phân bổ của tỉnh, thị xã.

Tìm nguồn lực kiến thiết đô thị

Sự “xuất hiện” của 5 phường mới cùng Vĩnh Điện, Điện An đã biến vệt giao thông tuyến quốc lộ 1 qua thị xã Điện Bàn trở thành đô thị với mật độ xây dựng, thương mại, dịch vụ dày đặc.

Với mật độ dân số ngày càng gia tăng, tập trung kinh tế phi nông nghiệp, chính quyền đô thị buộc phải cung cấp, quản lý các dịch vụ hạ tầng liên thông, đồng bộ. Nhưng tìm đâu ra nguồn lực để đầu tư? Các địa phương chưa thể định lượng được sẽ cần bao nhiêu, chủ yếu chờ ngân sách tỉnh và thị xã.

Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Thắng Bắc nói địa phương lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp tuyến đường liên khối, thay đổi bản tên đường, các nhà văn hóa thôn thành khối phố..., nhưng thiếu kinh phí.

Tuyến kết nối Viêm Tây 2 - Bồ Mưng 2 (tuyến 17) khoảng 11 tỷ đồng, thị xã hỗ trợ 3 tỷ (tiếp tục xin hỗ trợ thêm). Tất cả trông chờ nguồn khai thác quỹ đất để đầu tư hạ tầng, nhưng không dễ.

Không riêng gì 5 xã vừa lên phường, các tiêu chí đô thị hiện tại cũng cần nhiều nguồn lực “nâng cấp” để Điện Bàn đạt đô thị loại III vào năm 2030. Theo phân tích, thị xã chỉ có 31/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa; 17/63 tiêu chuẩn đạt điểm trung bình; 5/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối thiểu và 10/63 tiêu chuẩn chưa đạt điểm. Muốn đạt điểm để kết nối, trở thành đô thị loại III cần có thời gian để thực hiện.

Ông Trương Anh Quốc - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đang tập trung đầu tư các chỉ tiêu còn thiếu để trở thành đô thị loại III vào năm 2030 thì sẽ có các hạng mục đầu tư trong 5 phường mới theo Chương trình phát triển đô thị Điện Bàn đang điều chỉnh, dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn tất.

Kế hoạch của Điện Bàn là sẽ xây dựng danh mục dự án hạ tầng kỹ thuật khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ưu tiên nhằm kết nối các khu vực phát triển đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị.

Năm phường mới không ngoại lệ. Khi khung định hướng phát triển hoàn thiện, tùy thực tế, giai đoạn, thị xã sẽ xem xét thông qua danh mục chi tiết dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách thị xã để cân đối đầu tư.

Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - Trần Úc cho hay tiền đầu tư hạ tầng cho 5 phường mới sẽ lên đến vài ba nghìn tỷ đồng. Chủ yếu dựa vào ngân sách và quỹ đất. Tuy nhiên, giai đoạn này việc phát triển quỹ đất đang gặp khó khăn.

Thông qua chương trình phát triển đô thị, thị xã sẽ ưu tiên, dồn nhiều nguồn lực đầu tư công để nâng cấp các tiêu chí đô thị yếu, mở các đường trục chính, kết nối giao thông, đầu tư các thiết chế văn hóa để hoàn chỉnh hạ tầng cho các phường mới này. Nhưng đó là câu chuyện dài lâu, tùy nguồn lực của thị xã và ngân sách cấp trên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn ưu tiên đầu tư phát triển đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO