Thời gian qua, các cấp, các ngành của thị xã Điện Bàn triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân cũng như doanh nghiệp duy trì, phát triển 2 làng nghề truyền thống có thế mạnh của địa phương là dệt chiếu và đúc đồng với mục tiêu tạo dựng sản phẩm OCOP có chất lượng, mang tính bền vững.
Thời gian qua, làng nghề đúc đồng Phước Kiều tập trung quảng bá thương hiệu để tạo đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: V. SỰ |
Chiếu chẻ Triêm Tây
Làng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) nằm giữa bốn bề sông nước. Đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và tham gia nghề dệt chiếu chẻ. Trước đây, diện tích đất trồng cói được mở rộng, nghề làm chiếu chẻ khá phát triển, các bà các chị trong làng mỗi ngày cặm cụi bên khung cửi cũng kiếm được 60 - 80 nghìn đồng, đủ trang trải tiền chợ búa. Thế nhưng, trải qua bao thăng trầm, đa số hộ dân dệt chiếu dần bỏ nghề, chỉ còn lại số ít cố gắng bám trụ với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, làng nghề chiếu chẻ Triêm Tây đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống và nằm trong đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Cả làng hiện có khoảng 19 hộ dân với 50 lao động làm nghề dệt chiếu, chủ yếu là người già và phụ nữ, với mức thu nhập bình quân hàng tháng 2,5 triệu đồng/người. Phương thức sản xuất chủ yếu vẫn là thủ công và quy mô còn khá nhỏ lẻ, theo kiểu lấy công làm lời. Sản phẩm làm ra phần lớn là chiếu trắng, chỉ có một hộ dệt các sản phẩm chiếu hoa văn nhiều màu sắc. Điều đáng nói nữa, trải qua các trận lũ lớn, nhiều mảnh ruộng của làng Triêm Tây bị cát đá bồi lấp nghiêm trọng khiến cây cói không thể mọc được. Muốn dệt chiếu, người dân nơi đây phải qua các xã lân cận như Duy Vinh, Duy Phước (Duy Xuyên) mua nguyên liệu. “Hiện nay, nghề dệt chiếu ở làng Triêm Tây đang đối diện với không ít khó khăn, nhất là chưa tạo dựng sự liên kết trong sản xuất, thị trường tiêu thụ không ổn định và bó hẹp. Cạnh đó, do không sống được với nghề nên phần lớn thanh niên rời làng đi làm ăn, gần thì qua Hội An giúp việc trong các nhà hàng, khách sạn… xa hơn thì ra Đà Nẵng, vô phía nam lập nghiệp” - ông Chơi nói.
Nhận thấy tiềm năng du lịch rất lớn, cách đây khoảng 4 năm, làng Triêm Tây được các cấp, các ngành và doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển du lịch sinh thái dựa vào tài nguyên thiên nhiên và nền tảng văn hóa. Xuất phát từ đó, người dân nơi đây có thêm niềm tin và động lực tiếp tục bám víu với nghề dệt chiếu truyền thống ấy những mong nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống và xây dựng thành công sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chơi cho rằng, để biến cơ hội thành động lực phát triển, trong thời gian tới chính quyền thị xã Điện Bàn và các đơn vị liên quan sẽ phải tập trung xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu nhằm chủ động phục vụ sản xuất. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi để giúp người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã cũng như doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại, phát triển thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, phối hợp với các ngành chuyên môn mở những khóa đào tạo thiết kế mẫu mã sản phẩm, tăng cường khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Đúc đồng Phước Kiều
Từ lâu, làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, Điện Bàn) nổi tiếng gần xa với các sản phẩm truyền thống chủ yếu dùng trong thờ phụng, tế lễ, hội hè. Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, người dân làng nghề này còn sản xuất một số mặt hàng phục vụ phát triển du lịch. Theo ông Nguyễn Đức Chơi, hiện nay làng nghề đúc đồng Phước Kiều thu hút hơn 100 lao động với mức thu nhập bình quân hàng tháng 6 triệu đồng/người. Nguyên liệu mua tại TP.Đà Nẵng, đảm bảo sản xuất ổn định hiện tại và cung ứng trong tương lai. “Thời gian qua, địa phương đã thu hút được 5 doanh nghiệp và 11 hộ dân tham gia sản xuất - kinh doanh mặt hàng lưu niệm phục vụ du lịch. Quá trình hoạt động khá ổn định và khả năng phát triển tốt, nhu cầu của thị trường có xu hướng tăng cao. Bước đầu làng nghề đã tạo dựng được một số liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các hộ sản xuất chủ yếu bằng thủ công và làm vệ tinh cho các doanh nghiệp ở địa phương” - ông Chơi nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chơi, sản phẩm đúc đồng Phước Kiều đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có hệ thống xử lý chất thải. Năng lực tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn hạn chế, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đặc trưng. Mặt khác, do sản phẩm sản xuất bằng thủ công nên chi phí lớn, dẫn đến hiệu quả chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Trong khi đó, tình trạng bán sản phẩm từ nơi khác nhưng lại lấy thương hiệu của làng nghề, làm cho khách hàng rất khó nhận biết, chưa kể đến việc thiếu đội ngũ lao động kế cận. “Để xây dựng sản phẩm đúc đồng Phước Kiều trở thành sản phẩm OCOP có chất lượng và mang tính bền vững cao, thị xã Điện Bàn đề xuất các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân có điều kiện mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất đạt sản lượng cao và đem lại hiệu quả. Mặt khác, nâng cao năng lực tiếp thị, quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng phục vụ du lịch cho các cơ sở sản xuất, không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm phục vụ thị trường…” - ông Chơi kiến nghị.
HOÀI NHI