Điện Bàn xoay xở với dự án "treo"

TRỊNH DŨNG 08/03/2023 07:49

Thị xã Điện Bàn được xem là vùng đất có nhiều dự án “treo”. Kế hoạch sắp xếp cư dân ven biển được cho là giải pháp hữu hiệu hiện nay để gỡ rối cho các dự án đầu tư.

Nhiều dự án du lịch ven biển Điện Bàn tiến độ đầu tư ì ạch. (Ảnh chụp tại dự án Mai house ở Viêm Đông). Ảnh: T.D
Nhiều dự án du lịch ven biển Điện Bàn tiến độ đầu tư ì ạch. (Ảnh chụp tại dự án Mai house ở Viêm Đông). Ảnh: T.D

Quá nhiều dự án “treo”

Rác, xà bần, vật liệu đang ngổn ngang cùng những đàn bò thung dung gặm cỏ trên các phần đất chưa xây dựng tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Nhiều dự án đầu tư du lịch ven biển nằm khuất sau các dãy nhà dân khu vực 20m cây xanh không thể nào giải tỏa nổi.

Một số ít dự án sau 20 năm vẫn chỉ “mọc” trên mặt cát những căn nhà mẫu thô sơ, hoang phế. Tiến độ đầu tư ì ạch với quá nhiều lý do đã biến thị xã tiếp giáp Đà Nẵng trở thành vùng đất có rất nhiều dự án “treo”.

Vùng Đông thị xã Điện Bàn như một đại công trường đầu tư xây dựng, chưa biết bao giờ kết thúc. UBND thị xã công bố Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc có đến 81 dự án nhà ở (5 dự án đã bàn giao, 6 dự án hoàn thành cơ bản, chuẩn bị bàn giao, 12 dự án đã bị UBND tỉnh thu hồi, chuyển giao về UBND thị xã Điện Bàn và 58 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, chuẩn bị thi công).

Ngoài khu đô thị mới này, có thêm 20 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (5 dự án cơ bản hoàn thành, 15 dự án thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý, triển khai thi công).

Tất cả dự án (trong và ngoài khu đô thị mới) đều gặp rắc rối trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà soát quy hoạch để đảm bảo khớp nối hạ tầng kỹ thuật theo điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000.

Một số hộ dân không thống nhất đơn giá bồi thường, hỗ trợ, chế độ tái định cư, không nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng. Không có quỹ đất di dời mồ mả (khoảng 600 ngôi mộ tại các khu tái định cư Rosedo, Phúc Viên...) hoặc nhiều dự án bị chồng lấn ranh giới giữa các dự án khu dân cư và khu đầu tư...

Khó khăn gặp phải nhiều nhất là việc xét nguồn gốc đất, kiểm đếm, đo đạc tại các dự án bởi hồ sơ đất phức tạp, tranh chấp giữa các hộ dân... khiến giải phóng mặt bằng bị ách tắc. Chưa kể đến việc chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng còn quá nhiều vướng mắc trong việc áp dụng thực hiện đơn giá bồi thường cây cối, hoa màu, con vật nuôi vì không được quy định cụ thể.

Theo thống kê, từ phía tây Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đến Biển Đông có 26 dự án (17 dự án khu nghỉ dưỡng du lịch, thương mại – dịch vụ và 9 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, tái định cư). Tuy nhiên, hiện chỉ có 5 dự án đã hoàn thành, 20 dự án đang thực hiện thủ tục hồ sơ pháp lý, triển khai thi công và 1 dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư. Lý do “treo” dự án hay chậm trễ cũng không khác gì các dự án ở trong, ngoài khu Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc.

Gỡ rối cho dự án

Theo chính quyền thị xã Điện Bàn, tình trạng “treo” hay chậm tiến độ của các dự án đầu tư có nhiều lý do. Cụ thể, Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc giải thể đã chuyển giao về thị xã quản lý (kể cả giải phóng mặt bằng).

Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc dang dở. Ảnh: T.D
Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc dang dở. Ảnh: T.D

Các cuộc rà soát (năm 2017) đã phát hiện khi giao đầu tư các dự án trong đô thị này đã không tuân thủ đầy đủ quy hoạch, nên chính quyền địa phương đề nghị cho phép dừng để rà soát quy hoạch, khớp nối các giai đoạn.

Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch (tháng 4/2019), các chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh quy hoạch 1/500 phù hợp với quy hoạch mới. Chuyện rà soát hay điều chỉnh này đã khiến dự án bị đứng đến 4 hay 5 năm, lại thêm 2 năm dịch liên tiếp, các chủ đầu tư không thể triển khai dự án theo đúng tiến độ. Mặt khác, nhiều chính sách thay đổi hay bổ sung, nhất là tháng 2/2022 mới có quyết định phê duyệt giá lúa. Từ đó mới quay ngược lại việc định giá cây trồng, mất thời gian khá lâu để áp dụng vào thực tế.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, việc chậm trễ của các dự án đầu tư có nguyên nhân từ chính sách, thủ tục pháp lý. Về phía doanh nghiệp, trong thời gian dừng để rà soát quy hoạch thì theo phương án thống kê, kiểm đếm, thỏa thuận với dân chưa gì đã vội san ủi, làm cống, tiến hành xây dựng, dù chưa được phép xây dựng (sợ dân lấn chiếm), không hoàn thiện hết thủ tục hay duyệt phương án giải phóng mặt bằng.

Khi chính quyền thị xã kiểm tra không đúng thực tế, không phê duyệt, báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh ra lệnh thanh tra, kết luận xong mới có thể triển khai... nên dẫn đến sự chậm trễ đầu tư.

“Các cuộc tranh chấp về pháp lý giữa các chủ đầu tư, người mua đất nền đã xảy ra, ảnh hưởng rất nhiều đến việc treo các dự án. Số dự án xây dựng nhà ở hoàn thành rất ít so với số lượng dự án đã cấp phép. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số dự án hết tiến độ đang xin gia hạn.

Nếu sau khi được gia hạn tiến độ thì việc triển khai các bước tiếp theo của các dự án sẽ đúng quy định, không còn vướng gì nữa. Quan trọng là các chủ đầu tư có còn quyết tâm thực hiện nữa hay không?” - ông Hà nói.

Còn các dự án đầu tư ven biển với mật độ dày đặc cư dân vệt 20m cây xanh, rất khó để giải phóng. Theo ông Hà, chính quyền thị xã đã lên kế hoạch gỡ rối cho các dự án bằng việc sắp xếp cư dân ven biển.

Chính quyền sẽ điều chỉnh các dự án. Loại trừ phần không thể giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để xây dựng kế hoạch, đầu tư, chỉnh trang bằng nguồn đầu tư công, tạo điều kiện cho người dân sớm xây dựng nhà ở, đầu tư kinh doanh ổn định. Các dự án không bảo đảm về thủ tục pháp lý hoặc kéo dài, không triển khai do năng lực hạn chế thì đề xuất thu hồi theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn xoay xở với dự án "treo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO