Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Bali (Indonesia) về phụ nữ lần thứ 3 vừa bế mạc hôm qua (8.9). Nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế và đầu tư phát triển nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Các nữ doanh nghiệp khu vực APEC đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế khu vực. Ảnh: State.gov |
Với chủ đề “Phụ nữ như những người cầm lái kinh tế” diễn ra trong 3 ngày (từ 6 - 8.9) diễn đàn thu hút sự tham gia của 800 đại biểu đến từ các khu vực công và tư, từ tổ chức phi chính phủ thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC. Thực tế cho thấy, số phụ nữ làm công tác lãnh đạo và quản lý trong APEC nói riêng và trên thế giới nói chung đang gia tăng. Phụ nữ cũng đang từng bước khẳng định vai trò ngày càng lớn hơn của mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em Indonesia - bà Linda Amalia Sari Gumelar đã nhấn mạnh đến thành tựu và tiến bộ đạt được trong việc trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em trong APEC. Tuy nhiên, bà Linda Amalia Sari Gumelar nêu rõ, hiện vẫn còn nhiều rào cản cho nữ giới cần phải vượt qua và đây chính là những nội dung quan tâm của diễn đàn. Ví dụ như phân biệt đối xử lao động, hệ thống quy định và những vấn đề hạn chế phụ nữ, doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ giới điều hành cần được tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn và tài sản.
Tổ chức Liên hiệp quốc từng khẳng định đến thế mạnh của phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, vốn chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới. Họ là những nhà lãnh đạo, người sản xuất, doanh nhân và người làm việc trong các ngành dịch vụ và những đóng góp của họ đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng, tạo ra hơn 1 tỷ công ăn việc làm. Tuy nhiên, đến nay, quyền và những đóng góp của họ hầu như bị coi nhẹ. Hay như, tại khu vực APEC, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp rất lớn vào tạo việc làm và giúp ổn định kinh tế - xã hội với hơn 60% số doanh nghiệp này ở khu vực APEC do phụ nữ quản lý. Có mặt tại diễn đàn, một đại diện phụ trách các vấn đề phụ nữ toàn cầu đến từ Mỹ cho biết, với thành quả đó, việc đồng bộ hóa các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp này là rất cần thiết.
Nhằm đáp ứng xu thế phát triển kinh tế của giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian đến, các đại biểu tham dự diễn đàn đã tập trung trao đổi và thảo luận về các vấn đề cải cách cơ cấu, phụ nữ và công nghệ thông tin - truyền thông, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phụ nữ được thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, tài sản và nguồn vốn nhân lực. Các chuyên gia phân tích cho rằng, đầu tư vào phụ nữ không những là điều đúng đắn, mà còn là điều khôn ngoan và mang tính chiến lược mà các chính phủ cần quan tâm. Việc cải thiện tình trạng tham gia của phụ nữ vào kinh tế không những sẽ tăng tốc phát triển, giảm đói nghèo mà còn góp phần xây dựng, đầu tư vào các gia đình tương lai, cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, mà xã hội tiến bộ luôn cần. Qua đó, tạo đà kết nối và phát triển giữa các tổ chức, khu vực và quốc tế.
Diễn đàn lần này cũng tổ chức trao giải thưởng cho những phụ nữ trẻ có đóng góp nổi bật trong đổi mới và sáng tạo. Trong đó, Indonesia có 2 đại diện là Bertha Suranto với ứng dụng công nghệ sáng tạo biện pháp canh tác hiện đại cho nền nông nghiệp Indonesia, giúp tăng sản lượng thu hoạch gấp 4 - 8 lần mà không cần dùng thuốc trừ sâu; và bà Laurencia Ika, người đứng đầu tổ chức giáo dục Cita Hati Bunda vì sự nghiệp giáo dục của trẻ em Indonesia… Diễn đàn lần này còn chuẩn bị nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh APEC (dự kiến được tổ chức tại Bali của Indonesia vào tháng 10 tới) với việc thảo luận về vấn đề tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế và đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
QUỐC HƯNG (Theo Jakarta Post)