(QNO) - Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF (hay diễn đàn Davos) 2017 vừa được khai mạc tại thị trấn Davos, thuộc bang Grisons miền đông Thụy Sĩ.
Diễn ra từ ngày 17 đến 20.1, diễn đàn Davos thu hút sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu, bao gồm lãnh đạo nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế lớn, các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả có uy tín. Trước thềm hội nghị, Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 và 2018 với lần lượt 3,4% và 3,8%, song vẫn đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều biến động. Thêm vào đó, một nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế cho biết số người thất nghiệp trên thế giới sẽ tăng thêm 3,4 triệu người trong năm 2017, đạt mức kỷ lục 200 triệu người, gần 780 triệu người có thu nhập dưới mức nghèo.
Thị trấn Davos - nơi diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới 2017. Ảnh: Getty Images |
Davos là diễn đàn uy tín để các đại biểu tham dự bàn về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu. Dự kiến sẽ có hơn 300 phiên thảo luận các vấn đề quan tâm chung từ lĩnh vực kinh tế, an ninh, chống biến đổi khí hậu, năng lượng, tài nguyên, y tế, lương thực, công nghệ đến các sáng kiến phát triển bền vững, và cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”, diễn đàn lần này nhằm đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới, toàn cầu hóa kinh tế thế giới mà nhiều người nghèo còn bị bỏ lại phía sau. Các nhà lãnh đạo được mong đợi tìm hướng đi trách nhiệm để tạo cơ hội, việc làm, giảm khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo đang bị khoét sâu hơn, hướng tới phát triển bền vững. Minh chứng là theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Oxfam International cho thấy, 8 người giàu nhất thế giới đang nắm một nửa tài sản thế giới và tương đương 3,6 tỷ người nghèo nhất.
“Thế giới chung quanh chúng ta đang thay đổi với tốc độ chưa từng có. Tại thời điểm này, những quan niệm về xã hội truyền thống, việc làm ý nghĩa và các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất ổn, bị đe dọa. Vai trò mới về sự lãnh đạo chủ động và trách nhiệm rất cần thiết để chèo lái thế giới nói chung vượt qua thách thức” - giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch WEF nói. Bên cạnh đó, ông Klaus Schwab nhấn mạnh từ vấn đề an ninh đến cuộc cách mạng công nghiệp thế giới lần thứ tư, hay công nghiệp thế hệ 4.0. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối internet (IoT) và các hệ thống kết nối internet (IoS), vốn làm cuộc sống và công việc của chúng ta thay đổi. Hơn nữa, diễn đàn năm nay diễn ra gần đến ngày tiến hành lễ nhậm chức Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Do đó, các cuộc thảo luận của diễn đàn năm nay dự kiến sẽ tập trung vào các chính sách của ông Trump có ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế.
Đặc biệt, diễn đàn Davos bao gồm chương trình Shaping Davos (Định hình Davos), kết nối lãnh đạo với đại diện thế hệ trẻ đến từ 20 thành phố trên thế giới nhằm nêu lên những mối quan tâm chung về tương lai thế giới. Trong đó bao gồm 30 phiên thảo luận tìm hướng đi tốt nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng về nhân đạo, doanh nghiệp xã hội với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường.
QUỐC HƯNG