Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 45 vừa khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) - trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và suy giảm niềm tin đang tác động đến sự hồi phục mong manh của kinh tế toàn cầu.
Lần đầu tiên trong vài năm trở lại đây, Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu “chuyển mình” hồi phục với những tín hiệu rất lạc quan, dù sự hồi phục đó được đánh giá còn mong manh và chưa thực sự bền vững. Năm 2015, Liên hiệp quốc dự báo kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 3,1%, trước khi tăng nhẹ 3,3% vào năm 2016. Tốc độ tăng trưởng đó cũng vơi nhẹ nỗi lo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009.
Mộ góc quan cảnh Diễn đàn kinh tế thế giới 2015. (Nguồn ảnh: europeanceo) |
Trong 4 ngày diễn ra từ ngày 21 - 24.1, diễn đàn với chủ đề “Bối cảnh toàn cầu mới” có 280 phiên họp nhằm thảo luận các chủ đề khác nhau, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu là các chủ doanh nghiệp, 300 nhà lãnh đạo chính trị đến từ 140 quốc gia. Nội dung xoay quanh những thách thức chung của kinh tế toàn cầu hiện nay như: ô nhiễm môi trường và khan hiếm tài nguyên, kỹ năng làm việc và nguồn nhân lực, bình đẳng giới, đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, an ninh lương thực và nông nghiệp, thương mại và đầu tư quốc tế, tương lai của Internet, tội phạm toàn cầu và chống tham nhũng, hòa nhập xã hội, tương lai của hệ thống tài chính.
Bầu không khí bao phủ diễn đàn năm nay không chỉ liên quan trực tiếp các câu chuyện kinh tế thế giới mà những bất ổn địa chính trị, suy giảm lòng tin chiếm một phần rất quan trọng trong tất cả phiên họp. Trong đó, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gây ra những bất ổn nghiêm trọng cho an ninh toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế thế giới. Rồi xung đột leo thang ở miền Đông Ukraine cũng là mối đe dọa cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trước thách thức lớn đó, sự hợp tác giữa các chính phủ, các doanh nghiệp, xã hội để khôi phục kinh tế toàn cầu đòi hỏi nhất thiết phải có niềm tin lẫn nhau.
Một thách thức khác sẽ được bàn thảo tại diễn đàn là sự bất bình đẳng kinh tế bùng nổ khắp thế giới; đây là một trong những thách thức kinh tế, xã hội và chính trị lớn trong thời đại hiện nay. Chênh lệch về thu nhập giữa những người giàu nhất và phần còn lại đang ngày càng nới rộng một cách nhanh chóng mà tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực phát triển, chống đói nghèo và nhân đạo (Oxfam) gọi là “tăng tới mức nghiêm trọng nhất trong hơn 30 năm qua”. Báo cáo của Oxfam đưa ra 2 ngày trước khi phiên khai mạc của Diễn đàn kinh tế thế giới 2015 cho rằng, khối tài sản tích lũy của 1% những người giàu nhất thế giới sẽ vượt qua toàn bộ tài sản của 99% số dân còn lại vào năm 2016. Do đó, Oxfam kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền lợi ổn định cho người dân, góp phần xây dựng một thế giới phát triển công bằng và thịnh vượng hơn.
NAM VIỆT