Trong 2 ngày 11 và 12.5, Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên về Đông Nam Á (WEF-ASEAN) diễn ra tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Sự kiện lần này diễn ra quy mô lớn với sự tham gia của hơn 700 đại biểu là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức cấp quốc gia trong khu vực. Đại diện các nước sẽ cùng đánh giá tiến trình phát triển và hội nhập của ASEAN, thảo luận các vấn đề về phát triển trong thời gian tới của hiệp hội. Các nội dung chính gồm định vị ASEAN trong bối cảnh mới về địa - chính trị và kinh tế toàn cầu, triển vọng Cộng đồng kinh tế ASEAN, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Diễn đàn cũng tập trung thảo luận về việc khai thác tiềm năng từ cơ cấu dân số trẻ, với hơn một nửa trong tổng số 630 triệu người dưới 30 tuổi. Tăng trưởng internet của ASEAN nhanh nhất thế giới, số người tiếp cận với internet tại khu vực tăng thêm 124 nghìn người mỗi ngày. Với lợi thế này, WEF-ASEAN năm nay có chủ đề “Thanh niên, công nghệ và tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số”.
Hiện nay, ASEAN được đánh giá là khu vực kinh tế năng động với tỷ lệ tăng trưởng khá ổn định, khoảng 5% mỗi năm và tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hội nhập diễn ra nhanh chóng. Thế nhưng, các yếu tố này phát triển quá nhanh kéo theo nhiều hệ lụy nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Justin Wood - Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF cho biết, 2017 là năm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập hiệp hội. Do vậy, diễn đàn lần này là cơ hội để khu vực nhìn lại những thành tựu nổi bật trong 5 thập kỷ qua, đồng thời phát triển các ý tưởng và sáng kiến hướng đến tương lai thịnh vượng chung.
Vào đầu năm 2016, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới. Chỉ một năm sau, vào đầu năm 2017, thứ hạng này được nâng lên một bậc, xếp thứ 6 thế giới với GDP tổng cộng khoảng 2.600 tỷ USD. Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm diễn đàn, Bộ trưởng Giao thông và hạ tầng công cộng Campuchia Sun Chanthol nói, việc tổ chức WEF-ASEAN là vinh dự cũng như cơ hội để phát triển nhiều mặt. Campuchia có cơ cấu dân số trẻ với hơn một nửa dân số dưới độ tuổi 24, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hơn 7% mỗi năm trong suốt hai thập kỷ qua. Đó là đối tượng nắm bắt rất tốt cuộc cách mạng công nghệ.
Theo TTXVN, nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch WEF - Klaus Schwab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự WEF-ASEAN năm 2017. Qua đó, nhằm quảng bá hình ảnh một nền kinh tế năng động, quyết tâm cải cách và hội nhập quốc tế, chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển; góp phần khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và khu vực; thúc đẩy quan hệ hợp tác đang phát triển giữa Việt Nam và WEF. Theo chương trình làm việc, dự kiến, Thủ tướng sẽ tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể “ASEAN 50 năm tuổi trẻ”, phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo (IGWEL) với chủ đề “ASEAN tuổi 50”, phiên làm việc với Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN, phiên thảo luận đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông minh, tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp WEF về kinh tế Việt Nam. Dịp này, Việt Nam sẽ nhận bàn giao vai trò nước chủ nhà của WEF-ASEAN 2018.
NAM VIỆT