(QNO) - Sáng nay 5.12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức.
Ngoài điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), diễn đàn kết nối đến nhiều điểm cầu trong nước, quốc tế với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội Việt Nam và hơn 20 chuyên gia kinh tế. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.
Phiên toàn thể buổi sáng dành cho cuộc tọa đàm cấp cao về “Một số gợi ý đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2020 và 2021, các chính sách đã thực hiện để ứng phó đại dịch Covid-19, tham vấn ý kiến chuyên gia để phục hồi và phát triển kinh tế. Các hàm ý về chính sách tài khóa, tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ chương trình tổng thể phục hồi kinh tế. Huy động, sử dụng, tận dụng tối đa những dư địa của nền kinh tế, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện.
Các chuyên gia kinh tế đề xuất những giải pháp tập trung vào các chính sách tác động ngay hoặc một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, từ đầu tư, xuất khẩu đến tiêu dùng nội địa... phải gắn kết hữu cơ, song hành giải quyết, xử lý tốt các vấn đề xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là diễn đàn mở rộng về quy mô, không chỉ các vấn đề kinh tế mà còn đề cập đến các vấn đề xã hội, môi trường. Tất cả hướng đến có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, khẳng định Quốc hội tiếp tục chủ động, đồng hành Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển để “không lỡ nhịp” trước xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.