Điện Hồng nỗ lực về đích

NGUYỄN SỰ 22/05/2015 08:15

Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung kết hợp với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu là những khâu đột phá trên tiến trình xây dựng nông thôn mới mà xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn) thực hiện rất thành công trong 4 năm qua.

Nâng cao giá trị sản xuất

Vừa kéo chiếc xe bò chất đầy phân chuồng ra đồng, ông Nguyễn Hữu Song – người dân ở thôn Lạc Thành Tây cho biết, suốt 2 tuần qua, ngoài việc phát dọn cỏ bờ, ông còn tích cực cày phơi ải đất và tham gia nạo vét các tuyến kênh mương trọng yếu để xuống giống lúa hè thu 2015 theo đúng khung thời vụ quy định. Ông Song hồ hởi: “Mấy năm nay, nhờ các đơn vị liên quan đứng ra liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa giống hàng hóa nên người nông dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Vụ đông xuân vừa rồi, gia đình tôi làm gần 2 sào lúa giống Khang dân 18. Mặc dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng nhờ biết áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại và nguồn nước tưới dồi dào nên chừng đó diện tích cho tổng sản lượng hơn 500kg giống lúa khô. Với giá bán 7.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi ròng không dưới 2,5 triệu đồng, cao hơn 800 nghìn đồng so với làm thóc thịt”.

Ra quân làm giao thông nông thôn ở xã Điện Hồng.Ảnh: N.S
Ra quân làm giao thông nông thôn ở xã Điện Hồng.Ảnh: N.S

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, hiện mỗi vụ nông dân trên địa bàn canh tác 700ha lúa, tất cả đều chủ động nguồn nước tưới. Theo ông Ba, vụ đông xuân 2014 - 2015 năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 65 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với năm 2010 trở về trước. Đặc biệt, khoảng 4 năm gần đây, địa phương chú trọng đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp để tổ chức sản xuất mỗi năm 150 - 200ha lúa giống hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Qua đó, giúp nhà nông tăng 15 - 20% giá trị kinh tế so với làm lúa thương phẩm. Ông Ba nói: “Những năm qua, chính quyền và nhân dân Điện Hồng tích cực thực hiện công tác cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, hình thành 3 cánh đồng mẫu với diện tích hơn 100ha, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào phục vụ các khâu sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Theo thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này toàn xã có 31 máy cày loại lớn, 22 máy gặt đập liên hợp cùng nhiều máy móc, nông cụ khác, đảm bảo tỷ lệ cơ giới hóa đạt 100%”.

Những ngày qua, có mặt trên các bãi biền chuyên canh cây trồng cạn thuộc thôn Thanh An và Đa Hòa của xã Điện Hồng, đâu chúng tôi cũng thấy cán bộ cùng nhân dân địa phương hối hả kéo điện ra đồng nhằm thủy lợi hóa 40ha đất màu, phấn đấu đưa vào sử dụng ngay từ đầu vụ hè thu 2015. Được biết, tổng kinh phí thực hiện chương trình này khoảng 600 triệu đồng, do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Không riêng gì 2 thôn vừa nêu, từ nhiều nguồn vốn huy động, thời gian qua xã Điện Hồng đã đầu tư ít nhất 4,5 tỷ đồng để thủy lợi hóa toàn bộ 350ha đất màu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hình thành nhiều vùng chuyên canh, luân canh các loại cây trồng cạn chủ lực cho giá trị bình quân 95 - 120 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những mô hình trồng chuối lùn theo hướng tập trung mang lại mức thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha/năm…

Đầu tư hạ tầng

Ông Nguyễn Hữu Tuân - Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, đến giữa tháng 5.2015 địa phương đã thực hiện hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm: quy hoạch, điện, trường học, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự, hệ thống chính trị vững mạnh. Trong 4 năm qua, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia này là gần 106 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 25,9 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 54,9 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép, vốn tín dụng và vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm 2015, Điện Hồng cần hơn 20 tỷ đồng để thực hiện hoàn tất 3 tiêu chí còn lại là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa để cán đích đúng hẹn.
Được biết, tỷ lệ hộ nghèo ở Điện Hồng hiện còn 4,09%, giảm 5,25% so với cách đây 5 năm. Nếu năm 2010 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,3 triệu đồng/năm thì nay đã tăng lên 23 triệu đồng/năm.

Trưa đứng bóng nhưng tuyến đường giao thông nông thôn Lạc Thành - Văn Ly dài 3km, rộng 5,5m vẫn tấp nập xe cộ ra vào chở các loại nông sản đi bỏ cho những chợ đầu mối. Đây là con đường vừa được bê tông hóa với tổng kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng từ nguồn vốn của thị xã Điện Bàn hỗ trợ và ngân sách xã. Trong quá trình thi công, người dân nơi đây đã tự nguyện tháo dỡ hàng loạt tường rào, cổng ngõ và hiến 10.000m2 đất mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Ông Nguyễn Hữu Tuân – Chủ tịch UBND xã Điện Hồng chia sẻ: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên mỗi người dân luôn ý thức được trách nhiệm của mình và mong muốn có một chút đóng góp để xây dựng hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, học hành của con em cũng như mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiến hành trồng cây xanh hai bên tuyến đường này để tạo cảnh quan xanh sạch đẹp”.

Đến nay Điện Hồng đã bê tông hóa được 49,36km đường giao thông nông thôn, chiếm tỷ lệ 85,5%. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng hoàn thành Trung tâm Văn hóa - thể thao xã với tổng kinh phí 4,6 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công trình này bao gồm sân thể thao, khu hội trường đa năng có sức chứa 350 chỗ ngồi và các phòng chức năng khác như hành chính - tổng hợp, sách báo - thư viện, thông tin - truyền thanh cùng một số trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, 14 nhà sinh hoạt văn hóa thôn cũng đang được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, hội họp, thi đấu thể dục - thể thao của nhân dân.

Mấy chục năm qua, việc buôn bán của tiểu thương ở chợ Lạc Thành luôn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông không đảm bảo. Năm 2012, từ các nguồn vốn huy động, UBND xã Điện Hồng đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các hạng mục chính gồm lồng chợ, dãy ki-ốt, khu thu gom rác thải, khu vệ sinh công cộng, tường rào cổng ngõ, hệ thống thoát nước, hệ thống điện và hệ thống phòng cháy chữa cháy… để tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 100 hộ kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Nhân rộng mô hình thu gom rác thải
Thực hiện chủ trương của thị xã Điện Bàn về triển khai đề án thu gom và xử lý rác thải trong cộng đồng dân cư, đầu năm 2011 xã Điện Hồng chọn 3 thôn gồm Giáo Ái Nam, Giáo Ái Bắc, Hòa An làm điểm nhằm nhân rộng ra toàn xã.
Theo đó, chính quyền địa phương trích nguồn kinh phí mua hỗ trợ mỗi thôn một xe trung chuyển cùng các dụng cụ bảo hộ lao động và thành lập tổ thu gom rác thải. Chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, mô hình này đã phát huy hiệu quả, thu hút hơn 500 hộ dân đăng ký tham gia, góp phần làm cho môi trường ngày càng trong sạch. Từ thành công ấy, Điện Hồng nhanh chóng nhân rộng mô hình ra tất cả 14 thôn với ít nhất 2.500 hộ tham gia, chiếm tỷ lệ 80%. Được biết, mỗi tuần những thành viên trong tổ dịch vụ đi khắp đường làng, ngõ xóm cũng như các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn thu gom rồi tập kết về các hố chứa rác thải đã quy định để Công ty TNHH MTV Môi trường - đô thị Quảng Nam chở đi xử lý. Ngoài ra, các hội, đoàn thể ở xã cũng xây dựng hàng trăm hố bi bằng bê tông trên khắp cánh đồng để nông dân bỏ bao bì đựng phân hóa học, chai lọ chứa thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp...

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Hồng nỗ lực về đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO