Nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển công nghiệp địa phương, huyện Thăng Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó việc xây dựng và phát triển lưới điện có vai trò quan trọng, góp phần thu hút đầu tư và phục vụ sản xuất công nghiệp ổn định.
Kéo điện phục vụ mở rộng quốc lộ 1 qua huyện Thăng Bình. |
Trước đây kinh tế của huyện Thăng Bình vẫn là thuần nông, công nghiệp còn nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Vì thế sản lượng điện tiêu thụ toàn huyện không quá 1 triệu kWh, trong đó lượng điện dùng cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp chưa đến 300 nghìn kWh. Qua nhiều năm thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các công trình lưới điện lần lượt được đầu tư rộng khắp, đến nay 100% hộ dân toàn huyện có điện với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân 16%/năm. Hiện tại, Điện lực Thăng Bình được giao quản lý vận hành 25km đường dây 35kV, 270km đường dây 22kV, hơn 430km đường dây 0,4kV và 250 trạm biến áp phụ tải, nhận điện từ trạm biến áp 110kV Thăng Bình để cấp điện cho 47.755 hộ dân cùng hàng chục doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại với chất lượng điện ngày càng cao. Qua đó, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) cho biết, những năm qua, Điện lực Thăng Bình luôn bám sát chủ trương của công ty, bảo đảm lợi ích của khách hàng qua thực hiện 3 mục tiêu tổng quát xuyên suốt như: cấp điện thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, an toàn điện trong dân; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. “Thực hiện các mục tiêu này, Điện lực Thăng Bình cũng đồng thời quán triệt định hướng của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên nền tảng lực đẩy của năng lượng điện” - ông Vinh giải thích.
Từ năm 2008 - 2011, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Điện lực Thăng Bình tiếp nhận hơn 400km đường dây hạ thế, 171 trạm biến áp và thực hiện bán điện trực tiếp cho hơn 36.000 khách hàng ở nông thôn, nâng tổng số khách hàng mua điện lên 41.500 khách hàng. Tuy nhiên, với lưới điện địa phương đầu tư chắp vá trước đây, lại không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên có hơn 50% khối lượng xuống cấp, mất an toàn, tổn thất điện năng cao. Sau khi tiếp nhận, Điện lực Thăng Bình tập trung thực hiện kế hoạch của PC Quảng Nam, đầu tư mỗi năm 2 - 3 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa cơ bản những nơi lưới điện mất an toàn. Mặt khác, có 10 xã của huyện được Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đưa vào đầu tư cải tạo bằng nguồn vốn vay ADB khoảng 50 tỷ đồng, cải tạo và xây dựng mới 4km đường dây trung áp, 107,6km đường dây hạ áp, cấy thêm 3 trạm biến áp phân phối, di dời và lắp mới 10.650 công tơ. Đến nay, cơ bản lưới điện của huyện đã được cải tạo, cấp điện ổn định, góp phần vào sự nghiệp phát triển công nghiệp địa phương.
Những năm gần đây, Điện lực Thăng Bình tập trung đầu tư, cung cấp điện ổn định, có chất lượng cho các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp, các làng nghề, trang trại và cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản. Theo ông Thái Văn Đới - Giám đốc điều hành Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được), ngay từ giai đoạn đầu triển khai xây dựng nhà xưởng, công ty đã được Điện lực Thăng Bình cấp điện ổn định, an toàn với độ tin cậy cao, góp phần để công ty thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động địa phương.
Nguồn điện trên địa bàn không ngừng được cải thiện, chất lượng điện ngày càng tăng, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay không còn diễn ra tình trạng thiếu điện, đã tạo nhiều thuận lợi phát triển công nghiệp huyện. Trong năm 2014, EVNCPC tiếp tục đầu tư 60 tỷ đồng triển khai dự án ADB mở rộng tại 21 xã, thị trấn của huyện, dự kiến sẽ triển khai vào quý III/2014, góp phần đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đảm bảo tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, toàn huyện tiêu thụ hơn 79 triệu kWh, tăng 80 lần so với ngày mới thành lập Điện lực. Trong đó, điện dùng cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khoảng 29,5 triệu kWh, tăng 60 lần so với năm 1985, chiếm 37,3% sản lượng điện thương phẩm. Sáu tháng đầu năm 2014, lượng điện tiêu thụ toàn huyện 41,5 triệu kWh, trong đó sản xuất công nghiệp 15 triệu kWh, chiếm 36,2%.
TRẦN THẾ HÙNG