Đầu mùa khô, ngành kiểm lâm đã tiến hành diễn tập dập lửa tại khu vực rừng phòng hộ xung yếu nhằm trang bị kỹ năng, rút ra kinh nghiệm để đối phó với mọi tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Cánh rừng phòng hộ xung yếu Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) nằm phía sau điểm di tích Mỹ Sơn bỗng bốc cháy nghi ngút. Cả hàng trăm người của lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) thuộc chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu di tích và du lịch Mỹ Sơn đã có mặt kịp thời. Ngày lập tức, loa phát thanh thông báo dồn dập, các dụng cụ dập lửa từ thô sơ đến hiện đại đã được huy động đến hiện trường. Những vòi phun nước kéo lên tận đồi núi phun xối xả nhưng vẫn chưa thể dập tắt đám cháy lan nhanh. Việc khống chế ngọn lửa càng khẩn trương. Từng nhóm theo hiệu lệnh của người chỉ huy ngăn lửa phát tán đến khu vực mới. Sau hơn một giờ đồng hồ, ngọn lửa cháy rừng Mỹ Sơn mới hoàn toàn được khống chế, diện tích thiệt hại chỉ là vài trăm cây gỗ thông nằm phân bổ trong khu vực rừng nghèo đầy dây leo bụi rậm. Vài khoảnh rừng bị cháy sém… Đó là kịch bản đưa ra trong buổi diễn tập chống “giặc lửa” tại rừng phòng hộ xung yếu Mỹ Sơn vào cuối tháng 3 vừa qua, do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND huyện Duy Xuyên tổ chức.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng Mỹ Sơn tham gia dập lửa trong buổi diễn tập cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: H.P |
Những năm qua, khu vực rừng thông ca-ri-bê ở Mỹ Sơn (thuộc ranh giới của 3 xã Duy Phú, Duy Hòa và Duy Sơn, huyện Duy Xuyên), từ đập Vĩnh Trinh lên tới tháp Mỹ Sơn thường xảy ra các vụ cháy vào mùa khô. Nguyên nhân dễ xảy ra cháy rừng ở đây là vì rừng thông đã đến tuổi có nhiều cành khô, lá rụng xuống đất; vả lại nơi này có nhiều khách du lịch tham quan. Trong khi đó, rừng xung yếu có địa hình đồi dốc cao, chia cắt rất khó khăn trong việc khống chế lửa, nếu xảy ra cháy rừng. Ở khu vực lân cận như xã Duy Trung, còn nhớ năm 2012, ngọn lửa do người dân phát dọn thực bì sơ ý đã thiêu rụi hơn 42ha rừng. Ông Phan Đình Hảo – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Duy Xuyên cho biết, vì núi ở Mỹ Sơn có độ dốc cao (hơn 700m so với mực nước biển), từ đập Vĩnh Trinh lên Mỹ Sơn có đến 300ha rừng phòng hộ, chủ yếu thông nhựa nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. “Nếu ngọn lửa phát tán trong rừng thì toàn bộ lực lượng PCCCR cấp xã, kiểm lâm địa bàn, Ban quản lý Khu di tích và du lịch Mỹ Sơn sẽ vào cuộc đầu tiên. Toàn bộ đội ngũ cơ sở này đã được trang bị thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng” – ông Hảo nói.
Lực lượng kiểm lâm dùng hệ thống phun nước dập lửa. Ảnh: HỮU PHÚC |
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 100 vụ cháy rừng (chủ yếu rừng trồng), gây thiệt hại hơn 500ha rừng. Trong đó, năm 2013, nhờ chủ động đối phó, chỉ mới xảy ra 7 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 21ha. |
Nhằm kiện toàn lực lượng phản ứng nhanh tại chỗ, chính quyền 3 xã vùng giáp ranh gồm Duy Phú, Duy Hòa và Duy Sơn đã ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng. Theo đó, khi sự cố xảy ra bất kỳ trên lâm phận nào của rừng phòng hộ, các địa phương trên có trách nhiệm huy động dân phòng, công an, đoàn viên thanh niên ra hiện trường ứng cứu dập lửa. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên – ông Phan Xuân Cảnh, cuộc diễn tập rất bổ ích cho chính quyền địa phương, kiểm lâm có cơ sở thực tiễn để đưa ra các biện pháp dập lửa hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do cháy rừng. “Do vậy, bên cạnh lực lượng kiểm lâm, các địa phương vùng giáp ranh phải luôn sẵn sàng đối phó, đưa ra từng phương án thiết thực nhằm tránh tình trạng lúng túng, không chờ vào ý kiến chỉ đạo của cấp trên” – ông Cảnh lưu ý.
Sau khi Bộ NN&PTNT đưa Quảng Nam vào một trong tỉnh có nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô năm nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã chỉ đạo ngành kiểm lâm cũng như các địa phương tiếp tục rà soát những khu vực dễ xảy ra cháy rừng; thường xuyên cập nhật dữ liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 8) để có biện pháp PCCCR kịp thời. Các ngành, địa phương, chủ rừng, cộng đồng dân cư trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện các biện pháp PCCCR phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Xây dựng lực lượng chống cháy rừng tại chỗ một cách cơ động, khoa học…
HỮU PHÚC