Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III (TP.Đà Nẵng) đã cảnh báo, khuyến cáo sai phạm trong sử dụng điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 gây can nhiễu nghiêm trọng mạng 3G.
Những dòng điện thoại DECT 6.0 gây can nhiễu cho mạng 3G. |
Gia tăng vi phạm
Theo ông Nguyễn Phú Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện (TSVTĐ) khu vực III, thời gian qua, số trường hợp hộ gia đình sử dụng điện thoại không dây (điện thoại mẹ bồng con) có ký hiệu DECT 6.0 (nhãn hiệu Panasonic, Thompson, Vtech, Uniden, AT&T, Philips, Presidian, Linksys, American….) gây can nhiễu cho mạng 3G gia tăng tại các tỉnh miền Trung. Đây là các loại điện thoại có nguồn gốc từ Mỹ và Canada, xuất hiện ở Việt Nam thông qua hình thức quà tặng, hàng xách tay, có tần số hoạt động từ 1920MHz đến 1930MHz. Đây vốn là tần số không phù hợp với quy hoạch tần số tại Việt Nam và không dán tem hợp quy. Loại điện thoại này khi cắm vào nguồn điện để sử dụng sẽ gây nhiễu có hại cho các mạng viễn thông công cộng di động. DECT hiện được hơn 110 nước chấp nhận. Ở Việt Nam, Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) đã quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam trong các dải tần 821 ÷ 960 MHz và 1710 ÷ 2200 MHz, đã “mở cửa” cho DECT được khai thác trên đoạn băng tần 1895÷1900 MHz. Do đó, nếu việc nhập khẩu và sử dụng thiết bị DECT không tuân thủ các quy định hiện hành sẽ gây can nhiễu.
Theo Trung tâm TSVTĐ khu vực III (Đà Nẵng), từ tháng 6.2010 đến cuối năm 2017, trung tâm đã phối hợp với sở TT-TT các tỉnh/thành khu vực xử lý 1.869 nguồn nhiễu cho 567 lượt Node B có cảnh báo nhiễu. Riêng năm 2017 xuất hiện thêm các nguồn nhiễu mới gồm: Bộ khuếch đại CaTV bị lỗi, Baby Sitter, đầu thu truyền hình cáp bị lỗi. Năm 2017, trung tâm phát hiện, xử lý đối với 164 điện thoại DECT và 4 nguồn nhiễu khác/79 node B. Riêng tại Quảng Nam, giai đoạn 2010 - 2017 cũng đã phát hiện 87 nguồn nhiễu cho 36 lượt Node B và đã xử lý theo quy định. Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho hay, trước những sự việc gây can nhiễu cho mạng 3G mà Cục TSVTĐ và Trung tâm TSVTĐ khu vực III cảnh báo, Sở TT-TT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các huyện/thành phố/thị xã, phát tờ rơi tới các khu dân cư, đồng thời phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về 180 loại điện thoại không dây DECT 6.0 không phù hợp với quy hoạch tần số Việt Nam, gây can nhiễu mạng 3G. Sở TT-TT cũng khuyến cáo các đơn vị, hộ gia đình khi sử dụng điện thoại DECT 6.0 không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cần ngưng sử dụng. Theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, đối với cá nhân vi phạm, mức xử phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
Phối hợp xử lý
Đến nay, Cục TSVTĐ đã làm việc các cơ quan chức năng như Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường ngăn chặn việc nhập và mua bán các điện thoại không dây chuẩn DECT băng tần 1920 - 1930 MHz gây nhiễu, nhằm tránh tình trạng gây nhiễu trên diện rộng. Riêng Trung tâm TSVTĐ khu vực III đã phối hợp với các sở TT-TT trên địa bàn tham mưu UBND các tỉnh, thành ban hành các văn bản, chỉ thị tăng cường công tác quản lý, kiểm tra điện thoại không dây gây nhiễu; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các tờ rơi, đặc san, cổng thông tin điện tử tỉnh về việc sử dụng điện thoại không dây không đăng ký hợp quy, gây can nhiễu cho mạng viễn thông công cộng và mạng 3G. Đoàn kiểm tra do thanh tra các sở TT-TT, Trung tâm TSVTĐ và công an các cấp cũng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, niêm phong thiết bị giao cho các hộ gia đình quản lý.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc kiểm soát vi phạm vẫn còn nhiều tồn tại. Phần lớn thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là hàng xách tay, quà tặng, không được kiểm tra, kiểm soát thủ tục hợp quy. Thông tin tuyên truyền chưa đến tận người sử dụng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; đối tượng sử dụng đa dạng, phân tán; người dân còn đối phó, không hợp tác với đoàn kiểm tra. Một tồn tại lớn là việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa đồng bộ. Việc ngăn chặn nguồn nhiễu từ bên ngoài gửi về chưa triệt để; số lượng vụ việc phát hiện còn thấp. Mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền đối với hành vi gây nhiễu quá cao, không khả thi, trên thực tế chưa xử lý vụ nào bằng phạt tiền… Ông Nguyễn Phú Hà - Phó Giám đốc Trung tâm TSVTĐ khu vực III cho rằng, để công tác xử lý can nhiễu cho mạng di động 3G có hiệu quả, các nhà mạng cần nghiên cứu tổ chức nhắn tin tuyên truyền quy định của nhà nước về sử dụng điện thoại không dây tiêu chuẩn DECT băng tần 1920-1930 MHz qua các đầu số di động của nhà mạng. Các sở TT-TT tăng cường quản lý các quy chuẩn kỹ thuật thiết bị viễn thông nói chung và điện thoại không dây nói riêng. Có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với tất cả hộ gia đình sử dụng thiết bị gây nhiễu, lập biên bản vi phạm hành chính xử phạt, tạm giữ và tịch thu thiết bị…
HOÀNG LIÊN