Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) vừa phát đi tín hiệu lạc quan khi cho biết số diện tích rừng trên thế giới bị phá đang giảm dần.
Mặc dù dân số thế giới ngày càng tăng, hiện ở mức hơn 7,3 tỷ người và diện tích rừng được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp hay các mục đích khác càng nhiều nhưng nhờ vào quản lý rừng hiệu quả hơn, diện tích rừng bị tàn phá trên thế giới giảm đến 50% trong vòng 25 năm qua. Tổng Giám đốc FAO - José Graziano da Silva tuyên bố, thế giới đang thay đổi dần thái độ và đang đi đúng hướng trong công tác bảo vệ rừng. Điều đó đóng góp rất đáng kể vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo vệ phát triển bền vững như mong muốn. Ngoài ra, lĩnh vực rừng đóng góp 6.000 triệu USD vào GDP toàn cầu mỗi năm, cung cấp 50 triệu việc làm.
Tại Hội nghị thế giới về rừng lần thứ 14 vừa diễn ra tại Durban, Nam Phi, báo cáo về đánh giá nguồn tài nguyên rừng toàn cầu của FAO cho thấy, từ năm 1990, mỗi năm thế giới mất 51.600 km2 rừng. Nhưng từ năm 2010 đến năm 2015, diện tích rừng (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng lại) giảm mỗi theo nhịp độ 0,08% mỗi năm so với thập kỷ 1990 - 2000 là 0,18%. Đây được xem là xu hướng đáng khích lệ trong việc giảm dần nạn phá rừng. Thống kê cũng cho thấy 80% diện tích rừng bị phá hiện nay là để phục vụ nhu cầu nông nghiệp. Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng không ngừng được mở rộng, hiện chiếm tới 7% diện tích rừng của thế giới; có 1,7% lực lượng lao động của thế giới đang làm việc trong ngành lâm nghiệp, đóng góp khoảng 8% thu nhập nội địa của cả hành tinh.
Mặc dù diện tích rừng bị phá giảm đi nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo. (Ảnh: ifriresearch) |
Dù vậy, FAO cảnh báo nạn phá rừng diễn ra nghiêm trọng tại khu vực châu Phi và Nam Mỹ. Diện tích rừng bị tàn phá từ 2,8 triệu héc ta vào năm 2010, là 2 triệu héc ta vào năm 2015. Mỗi năm thế giới cần đến 30 tỷ USD để bảo tồn các cánh rừng nhiệt đới của trái đất. Như tại khu rừng rậm nhiệt đới Amazon - lá phổi của trái đất và là ngôi nhà sinh thái của hàng nghìn loài động thực vật, với một phần nằm trên lãnh thổ Brazil, nạn phá rừng nay lại tăng vọt sau gần một thập kỷ ổn định. Do đó, từ tháng 7 vừa qua, Brazil thông báo việc sử dụng thiết bị máy bay không người lái để giám sát các hoạt động chặt phá rừng trái phép tại vùng rừng nhiệt đới Amazon. Hay nước này sẽ sử dụng hệ thống radar vệ tinh, với nguồn vốn đầu tư 25 triệu USD, cho phép có thể quan sát dưới mặt đất từ vệ tinh cho dù thời tiết xấu để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
Mặt khác, trên tạp chí Nature của Mỹ vừa đăng tải bài viết của các nhà khoa học thuộc Đại học Yale cho thấy, trái đất hiện còn khoảng 3.040 tỷ cây xanh, có 1.390 tỷ cây các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, 61 tỷ cây ôn đới, và 740 tỷ cây trong các khu rừng phía bắc. Như vậy, số lượng này so với thời cổ đại thì số cây chỉ còn một nửa. Nhóm nghiên cứu ước tính chúng ta đã chặt bỏ khoảng 15 tỷ cây mỗi năm, nhưng chỉ trồng lại được 5 tỷ cây. Do đó, việc bảo vệ vẫn là câu chuyện lâu dài và phức tạp, cần nhiều thêm nỗ lực của thế giới ngày nay, mặc dù có những tín hiệu lạc quan như FAO vừa nêu.
NAM VIỆT