“Nhanh như điện tử” hẳn phải hơn về tốc độ giải quyết sự vụ công như kiểu cũ. Vậy thì chuyện xây dựng chính phủ/chính quyền điện tử như Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 14.10.2015) và Chỉ thị 05/CT- UBND vào ngày 4.2.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức thực hiện, có nhanh như mong đợi?
Trước hết cần nhắc lại vài điều về khái niệm. Liên hiệp quốc định nghĩa, chính phủ điện tử (e-government) là việc “sử dụng internet và mạng toàn cầu (world-wide-web) để cung cấp thông tin và các dịch vụ của chính phủ tới công dân”. Một số tổ chức quốc tế khác đưa ra thêm những quan niệm, rằng với chính phủ điện tử, mọi hoạt động của nhà nước được “điện tử hóa”, “mạng hóa”. Tuy nhiên, chính phủ điện tử không đơn thuần là máy tính, internet mà là sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là quan hệ giữa chính quyền và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động của chính quyền từ trung ương đến địa phương. Theo cách hiểu ở xứ Việt ta được thể hiện trên nhiều văn bản, thì chính phủ điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để các cơ quan của chính quyền từ trung ương đến địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.
Dù dùng khái niệm nào thì chung quy chuyện xây dựng chính phủ điện tử cũng hướng đến việc sử dụng các phương tiện có thể làm gia tăng tính minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với chính phủ; nhằm xây dựng một chính phủ của dân, do dân, vì dân, vì sự phồn thịnh của đất nước trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng một chính phủ kiểu mới như vậy, thời gian qua Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình đề án ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, điều hành. Với lượng người sử dụng internet đã hơn 41 triệu, số tài khoản trên mạng xã hội có hơn 31 triệu, và trung bình người Việt sử dụng máy tính mỗi ngày dùng 3 tiếng để truy cập mạng, Việt Nam có thuận lợi để xây dựng, phát triển chính phủ điện tử.
Đã có nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện xử lý các mối quan hệ, giao dịch, điều hành chủ yếu qua mạng. Như Đà Nẵng đã ứng dụng điện tử để xử lý hàng ngàn dịch vụ công trực tuyến, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp với công chức, đồng thời giảm nhũng nhiễu tiêu cực. Đặc biệt, với việc đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư, người dân khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính sẽ không phải trình hoặc nộp bản sao các giấy tờ có thông tin về nhân thân mà hiện nay nhiều thủ tục hành chính vẫn yêu cầu kèm theo...
Ở Quảng Nam, từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các sở ban ngành, bước đầu cũng đã thiết lập các trang điện tử để công bố các văn bản điều hành, cập nhật dữ liệu địa phương, hướng dẫn các thủ tục hành chính... Nhờ đó, việc hướng tới xây dựng một chính quyền điện tử có chuyển biến. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu thì còn phải rà soát, và cảm giác về việc ứng dụng, vận hành các phương tiện điện tử còn rất chậm.
Chậm thấy rõ là còn dùng đường thư gửi rất nhiều công văn giấy tờ. Ở cùng nội hạt tỉnh lỵ Tam Kỳ mà các cơ quan công quyền vẫn còn gửi văn bản cho nhau qua đường thư rất nhiều, vừa chạy lòng vòng mất thời giờ vừa tốn tiền phí. Về các văn bản quản lý điều hành thì cập nhật rất trễ (nhất là các huyện); thông tin cũng rất chậm (nhất là việc xử lý các điểm nóng). Vì thế, trên nhiều kênh, thông tin còn rất sơ sài. Đơn cử, thử mở mục “thông tin đối ngoại” trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, đến nay còn treo trên đầu trang tin về xây dựng Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Đắc Tà Oọc hồi... 23.9.2014. Hay như cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp (IPA Quảng Nam) thì đến nay còn treo trên đầu thông báo lịch tiếp doanh nghiệp định kỳ vào... tháng 12.2015. Nói thêm, trang này được kỳ vọng rất nhiều vào việc xúc tiến đầu tư, góp phần gỡ vướng về thủ tục đầu tư và trả lời kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, nhưng theo dõi thì thấy rất ít câu hỏi - đáp giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền được đăng tải (mới nhất là một câu hỏi về thủ tục miễn giảm thuê đất gửi ngày 5.1 và được phúc đáp ngày 7.1.2016). Lướt qua mục hỏi đáp thì ước bình quân mỗi tháng chỉ có một câu được đăng (?!).
Chuyện xây dựng chính quyền điện tử không thể cứ đủng đỉnh, nhất là khi tỉnh xác định năm 2016 là năm cải cách hành chính.
Điện tử, không thể chậm như kiểu... rùa bò!
ĐĂNG QUANG