Chơ Chun - xã biên giới cuối cùng của huyện Nam Giang đã có điện thắp sáng trong niềm vui của dân làng, sau hơn một năm ngành điện lực nỗ lực thi công.
Theo ông Pơloong Ađốc - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun, công trình lưới điện tại xã được thi công từ tháng 3.2015 với chiều dài 6,8km đường dây trung thế và 1,7km đường dây hạ thế, cùng 2 trạm biến áp lắp đặt tại thôn Blăng, với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng. Đây là địa phương cuối cùng của huyện Nam Giang được đóng điện theo dự án điện nông thôn mới.
Được biết đến với cái tên “xã 5 không”, nhiều năm qua người dân xã Chơ Chun luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các địa phương khác về điều kiện kinh tế - xã hội, đường sá đi lại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế, trụ sở làm việc… Xã Chơ Chun có 216 hộ dân, phần lớn là đồng bào Cơ Tu sinh sống từ lâu đời ở địa phương. Do địa bàn cách trở, hàng chục năm nay đồng bào nơi đây luôn sống trong tình trạng “tối mù”, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là về điện thắp sáng. “Công trình điện lưới được đầu tư trở thành bước ngoặt mới trong đời sống của đồng bào địa phương, từng bước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn biên giới. Dù vậy, hiện vẫn còn các thôn Côn Zốt và Asoò vẫn chưa có điện, hy vọng trong thời gian tới các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để người dân địa phương tiếp tục được hưởng lợi” - ông Ađốc chia sẻ.
Ngày điện lưới được kéo về, rất đông đồng bào ở Chơ Chun có mặt, cùng chứng kiến lễ bàn giao trong sự háo hức, mừng vui. Anh Pơloong Poóc, người dân thôn Blăng cho biết, khi nghe tin địa phương được cấp điện, ai cũng phấn khởi chờ đợi. Từ nhiều ngày qua, đã có một số hộ dân kéo nhau xuống tận khu vực xã Chà Vàl để mua tivi, quạt điện, bóng đèn thắp sáng để chuẩn bị cho sinh hoạt gia đình. “Sống ở đây mấy chục năm, lần đầu tiên có điện lưới quốc gia kéo về nên người dân rất vui. Bởi có điện, cuộc sống sinh hoạt của người dân sẽ được thuận lợi hơn, việc học tập của các em học sinh cũng đỡ nhiều vất vả hơn” - anh Poóc bộc bạch.
Đêm đầu tiên có điện, cả vùng rừng vùng núi trở nên khác lạ. Những ánh đèn điện sáng rực, hắt qua từng khung cửa, tấm phên nứa nhà sàn. Niềm vui bên trong gươl làng kéo dài đến tận khuya cùng điệu lý và ché rượu cần vít mềm môi.
ĐĂNG NGUYÊN