Chiều rồi, khói từ những lò gạch, gốm theo gió như dùng dằng muốn đi muốn ở, phụ thêm mấy cái tàu lớn ghé vào lấy hàng rồi ì ạch phả khói. Mọi thứ như quánh lại, cuộn lấy những lò gạch mà rêu phong đã ngự trị trên đó bởi nhiều năm lửa không đỏ.
1. Những chiếc lò gạch, gốm to lớn, trùi trũi đen có, vàng pha đồng có; vòm, đầu cong rồi đột ngột khởi lên trời. Bên bờ sông Cổ Chiên qua Măng Thít, Long Hồ, TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), thuở thịnh vượng có đến gần 3.000 cái lò như thế. Lửa đỏ rực năm này tháng nọ, xe sắp hàng chở gạch gốm đi đêm ngày không dứt, nên từ đó mới được phong là “vương quốc gốm đỏ”. Đất sét ở đây đặc biệt bởi có màu trắng pha vàng, nung lên vân đẹp, không nơi nào có; đất mịn, công chuốc, làm láng ít. Người làm gạch ở đây có truyền thống đã hai trăm năm, nguyên liệu dồi dào, nên danh tiếng bay xa. Nhưng có sáng thì có chiều, có ngày thì có đêm, thời hoàng kim giờ còn trong xa xưa, như gốm đó, lúc thịnh vượng là 300 lò, nay cả tỉnh chỉ còn 11 cái. Bỗng, có ông chơi… trội, làm nhà chỉ bằng gốm, mới lạ. Đồng nghiệp ở Cần Thơ nói với tôi: “Mày cứ về đó, hỏi ông Tư Buôi có cái nhà đỏ rực, bự chảng ở Vĩnh Long, ai cũng biết”.
Ông Tư Buôi (Nguyễn Văn Buôi, phường 5, TP.Vĩnh Long), xởi lởi như bất kỳ ông nông dân miền Tây nào mà ta đã gặp. Nhìn cái nhà, phải nể. “Làm nghề từ thuở ông bà” - ông nói – “nhưng đến đoạn 2010 thì mai một, lụi dần, có ráng cũng không được, do thị trường chững lại. Cái lạ cho dân mình là hàng mình có thua ai mà cứ thích đồ tráng men Trung Quốc”. “Gốm đỏ cũng thua hả chú?”. “Thua” - ông lắc đầu – “gốm ở đây nung ra có màu hồng phấn mà khi xuất qua Châu Âu thì họ chuộng bởi nó giống gốm cổ Ý. Nhưng thua, nên tôi chuyển sang làm vật liệu xây dựng từ gốm. Cái nhà này, tôi muốn làm y như nhà ông bà xưa. Nó bền, tiện, dễ thi công, không ô nhiễm môi trường. Mình làm nhà bình thường thì phải xây, tô, sơn, dán, mất thời gian và tiền nhiều, chứ gốm cứ áp vô, là xong. Cột mình đúc, cũng áp gốm vô, tính ra tiền 300 ngàn đồng/mét, chứ đổ trụ là 3 triệu/mét. Nó có rêu phong bên ngoài chứ trong vẫn y thế, 100 - 200 năm không hư hại”. Trong nhà, ông chứng tỏ mình là một tay chơi, với đồ sưu tầm mà ông nói lên tới 1,5 tỷ đồng, từ nón, mũ, mâm, bát, đồng hồ đến xe đạp cũ, bình phong, bộ ngựa, án thờ…
Cả Vĩnh Long này, lấy gốm đỏ để xây dựng, chỉ mới có mình ông. Trang trí mỹ thuật từ vẽ mẫu sinh hoạt làng quê, thước tấc, kỹ thuật nung, mình ông lo hết, từ cột lớn đến con đội, tường. “Ngó nó to dữ dội vậy chứ không mấy tiền đâu chú” - ông nói. Rồi như họa thêm cho phút ngẩn ngơ của khách, ông xuống giọng: “Làm cái nhà là thổi hồn mình vô đó, không có tình yêu với đất không làm được đâu. Mình làm có tiền đã đành, nhưng nghĩ nghề truyền thống, biết ơn ông bà và hy vọng cho tương lai”.
2. Ai sinh từ đất, chết về với đất, nhìn hòn đất mất giá mà chẳng buồn chẳng lo. Kẻ thất vọng, người phập phồng hy vọng. Ông Tư Buôi hy vọng bởi ông cho rằng, ai có tiền, ít hay nhiều đều muốn có nhà đẹp, từ vách lá đến biệt thự; hãy làm cho đẹp, thì đồ giản đơn cũng đẹp, tại mình coi thường hoặc không chịu nghĩ. Ông kể người ở Sài Gòn nghe tiếng, xuống xem quá trời, rồi đặt ông làm. “Tương lai nó sẽ phát triển” - ông khẳng định lần nữa - “làng quê bây giờ vật liệu làm nhà dễ, mình làm để kích thích bà con, tạo sản phẩm mới, ở đâu cũng vậy chú à, hãy chịu khó và táo bạo”.
Tôi sờ tay vào mảng tường mát lạnh giữa mùa khô Nam Bộ, nhớ về những làng gốm có danh và kém danh đã đi qua, nhớ những ngôi nhà độc, lạ từ gạch gốm, Quảng Nam cũng có, lên ti vi, youtube, thiên hạ xúm vào khen. Nhưng khen rồi thì sao, ao ước làm, có làm được không? Biết bao ngôi nhà nằm giữa làng gạch gốm, ăn, sống nhờ nó, nhưng vẫn bê tông xi măng sắt thép chứ ai làm nhà từ gốm đâu. “Khi tôi làm, nhiều người nói mình nhiều tiền, chơi vậy, thực ra không đúng đâu, họ không hiểu được lòng mình muốn gì”. Lời ông lặp lại, như nỗi tha thiết, bởi khi tôi hỏi, nếu ai muốn học hỏi kinh nghiệm, ông dạy không, tức thì ông nói rằng sẵn sàng nói hết để anh em cô bác làm được như mình; ai cũng làm, ai cũng xây thì sẽ tạo ra làn sóng, lúc đó làng nghề mới đi lên được.
Những làng nghề truyền thống như gốm đang chết lâm sàng, chỉ loanh quanh làm chậu, đôn, bình, chứ đưa gốm vào xây dựng thay cho bê tông, ít thấy. Đặc thù khí hậu cũng là cản trở, như vùng Quảng Nam mưa nắng dữ dội rồi bão tố, tường vách không vững, bão nó vô cái ầm, ăn cho hết. “Không ai dám bày trò chơi bằng sinh mạng của mình…” - lời một người làm gạch ở Điện Bàn nói với tôi. Đúng thôi, một đống tiền bỏ ra, đâu có liều được. Nhưng các đại gia làm biệt thư, resort thì sao chứ? Họ mang phong cách châu Âu châu Mỹ vào, đẹp, nhưng nó không gần gũi với mình. Không thể chê bai, trách móc, bởi gu thẩm mỹ mỗi người mỗi khác. Nhưng nhà dân thì sao, những người có óc sáng tạo, chịu chơi, mê đất, thèm đánh thức ký ức của chính mình, sao không làm một cuộc lội ngược dòng, ngoảnh mặt với xi măng bê tông? Gốm gạch ở mình đâu có thiếu. Ngày xưa ông bà làm chi có xi măng. Tôi đã ngồi nghe nhiều người ở thành phố ao ước như thế, đọc trong mắt họ nỗi khát khao có đất đủ rộng làm cái nhà ba gian, có vườn, màu gạch đỏ từ sân vô nhà, tường vách, trang trí nội thất bằng gốm, cho đã con mắt, cũng là cách dạy con cái bằng thị giác.
3. Một ngày lội ở Long Hồ, Măng Thít, Vĩnh Long, nghe các chủ lò gạch gốm than ngắn thở dài làm ăn khó khăn do thị trường khủng hoảng, nặng thêm nỗi đất nỗi người. Nghề truyền thống không bỏ được, nhưng bu bám thì chủ khốn đốn. Thời của công nghiệp xây dựng hạn chế ô nhiễm môi trường, những lò gạch thủ công cũng dần mất đi, nhưng thay vào đó là lò nung điện. Dân làm gạch gốm sống hay chết, phụ thuộc vào xu hướng xây dựng. Mà lạ đời, từ ông Tư Buôi đến những chủ lò danh tiếng tôi gặp, đều nói châu Âu họ thích lắm đồ mình làm.
Nghe vậy, nhớ ở Cẩm Thanh (Hội An), nhà, chòi lá dừa thì xuất khẩu, còn ở mình thì chỉ cắm đầu làm chứ ít ai ưng; tre, mây, lá cũng xuất khẩu. Ở mình, làm cái nhà thiệt to lấp lánh gương sắt bảy sắc cầu vồng, ai cũng trầm trồ ao ước. Nhưng làm cái nhà tre vách đất như họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ từng làm ở Mỹ Sơn thì chỉ có một, dù rất mát, ấm, có năm bão lớn, mấy nhà xung quanh chạy đến núp nhờ. Hãy sống với những vật liệu ra đời từ thiên nhiên, tự nhiên, đó cũng là cách yêu, bảo vệ môi trường. Người Việt mình giờ ai cũng biết điều đó, nhưng biến nó thành hiện thực, khó thay.
Thẩm mỹ không tự nhiên mà có, mà nó phải được rèn dạy. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu, và vị cao minh nào chỉ giúp tôi, hãy cho tôi biết đâu, vùng nào, thể hiện rõ bản sắc xây dựng mà nhìn vào là biết ngay đó là nhà của người Việt Nam, như là phản chiếu một góc văn hóa Việt? Khi tôi chào ông Tư Buôi để đi, thì nhìn ở hàng hiên thấy có bà già phúc hậu đang ngồi bên bàn nước, ngó ra. Đó là mẹ ông, năm nay 85 tuổi. Nán lại thêm một vài phút nữa, cũng chỉ nghe được câu trả lời: “Bác làm gạch từ thuở lấy chồng, giờ thấy mọi người thoái lui hết, càng nhớ ông bà dạy, là hãy biết thương đất…”.