Điều cần chứng minh trước

C.B.L 12/03/2019 02:23

Tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 6.3 vừa qua, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (UB ATGTQG) - đề nghị “xem xét lại các quy định pháp luật hiện nay, tạo hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ”. Bởi “quy định hiện nay của chúng ta về việc yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông phải chứng minh vi phạm” là “đi ngược lại với các nước”. Ông Hùng cho rằng người bị xử phạt trước hết phải tuân thủ quyết định của cảnh sát, rồi nếu không đồng ý quyết định ấy, có thể kiện ra tòa.

Đề xuất của ông Phó Chủ tịch UB ATGTQG, xét trên góc độ pháp lý, là hoàn toàn có cơ sở. Đó là tiền đề để hình thành một tập quán văn minh trong việc giải quyết các mâu thuẫn giữa công dân và lực lượng chấp pháp nói chung. Một bước tiến trong việc xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật cho công dân, và cả các nhân viên công vụ.

Nhưng, nói như một mệnh đề chúng ta thường nghe: việc áp dụng một quy phạm/một chính sách vào cuộc sống nên như thế nào, có “phù hợp với thực tiễn xã hội” hay không? Cái “thực tiễn” cần có như một “yếu tố chín muồi” trong trường hợp này, là ý thức tuân thủ luật của công dân (người bị xử phạt) và tư thế của cảnh sát giao thông (người chấp pháp).

Về phía cảnh sát/nhân viên công lực khi thực thi công vụ, họ phải được trang bị một nhận thức thường trực rằng, mình đang hành động trong vai trò đại diện của luật pháp. Quyền lực anh có được là do luật pháp trao cho, và mỗi hành vi của anh đều thể hiện sự nghiêm trang và chuẩn mực để “đối tác” phải tôn trọng.

Trong phát biểu của ông Phó Chủ tịch UB ATGTQG dẫn trên, có nhắc đến “áp lực” do người vi phạm giao thông tạo ra với lực lượng chức năng, khi tranh cãi và “dí camera vào mặt cảnh sát” để quay phim, tạo dư luận trên mạng xã hội. Áp lực ấy, thiết nghĩ sẽ là con số không tròn trĩnh nếu “lực lượng chức năng” vững tin vào hành vi và quyết định của mình, khi anh được hậu thuẫn bởi sự nghiêm minh của pháp luật.

Những hành xử mang tính chất phản kháng/bất tuân của người vi phạm/công dân như đã thấy, có thể giải thích được từ rất nhiều vụ việc có tính chất hệ thống liên quan đến lực lượng cảnh sát giao thông nhiều năm qua. Cả trên báo chí chính thống và mạng xã hội. Đáng tiếc là vẫn ít thấy một động thái nào của các cơ quan liên quan nhằm giải quyết rốt ráo những hiềm nghi trong dư luận, và những vụ việc ấy dần trở thành “bộ mặt” của một hoạt động chấp pháp lẽ ra phải được tôn trọng một cách nghiêm mật.

Vì vậy, để cho đề xuất “xử phạt không cần chứng minh” thực sự nhận được sự đồng tình của xã hội, thiết nghĩ điều cần thiết đầu tiên là phải làm sạch những cơn cớ gây dư luận, xốc lại tư cách chấp pháp của các lực lượng chức năng. Để từ đó, mỗi công dân khi đối diện với người thực thi công vụ, hiểu rằng mình đang đối diện với pháp luật chứ không phải cá nhân ông nhân viên công lực. Và trách nhiệm của anh là phải tuân thủ các quyết định được đưa ra “nhân danh luật pháp”, rồi hạ hồi phân giải theo tiến trình do luật định.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều cần chứng minh trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO