Điều chỉnh cách thức thu phí tham quan Cù Lao Chàm: Quy thành một vé thống nhất

VĨNH LỘC 01/03/2014 10:50

Dù đang trong quá trình thẩm định trước khi báo cáo lên tỉnh đề xuất phương án mới về cách thức thu phí và lệ phí tham quan Cù Lao Chàm (Hội An), thông tin trên cũng vẫn gây ra nhiều ý kiến khác nhau đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Đơn giản hóa thủ tục

Kể từ khi được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009), mỗi năm Cù Lao Chàm đón cả trăm nghìn lượt khách tham quan lưu trú, riêng năm 2013 có khoảng 186 nghìn lượt khách đến đảo. Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, trước đây tại Cù Lao Chàm luôn diễn ra trình trạng nhiều đơn vị cùng đứng ra thu phí như Ban Quản lý dự án Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (thuộc Sở NN&PTNT) thu phí tham quan, lặn biển; TP.Hội An thu phí dịch vụ môi trường, bến bãi… gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp và du khách. Sau khi Ban Quản lý dự án Bảo tồn biển Cù Lao Chàm được giao về Hội An (tháng 4.2013), UBND thành phố đã quyết định giao cho ban này đứng ra xâu chuỗi tất cả đầu mối thu phí thành một vé thống nhất nhằm đơn giản hóa thủ tục phục vụ tham quan. “Tôi nghĩ đây là điều hợp lý vì sẽ giúp du lịch đảo hoạt động chuyên nghiệp hơn, đảm bảo được quyền lợi cho du khách khi đến với Cù Lao Chàm” - ông Bay nói. Ngoài ra, việc điều chỉnh cách thức thu phí không chỉ giúp tạo nguồn thu tốt hơn cho ngân sách mà còn tạo điều kiện hưởng lợi nhiều hơn cho người dân tại xã đảo Tân Hiệp và các ngành liên quan.

Việc xâu chuỗi tất cả loại phí tham quan tại Cù Lao Chàm sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục và dễ quản lý. Ảnh: V.LỘC
Việc xâu chuỗi tất cả loại phí tham quan tại Cù Lao Chàm sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục và dễ quản lý. Ảnh: V.LỘC

Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Trung tâm bảo tồn biển Cù Lao Chàm, sau khi rà soát xâu chuỗi các dịch vụ và phí tham quan Cù Lao Chàm, trung tâm đã đề xuất thành phố mức phí trọn gói là 60 nghìn đồng. Trong đó bao gồm phí tham quan 10 nghìn đồng, lặn biển ngắm san hô 30 nghìn đồng, phí môi trường 5 nghìn và phí lên bãi 15 nghìn đồng. “Đây mới chỉ là mức phí đề xuất ban đầu còn tăng hay giảm tùy thuộc vào thành phố cũng như quyết định của tỉnh”. Bà Thúy cho rằng đây chỉ là điều chỉnh cách thức để thu phí tham quan Cù Lao Chàm về một đầu mối chứ không phải tăng giá mới. Điều này tạo cơ sở thống nhất cho các doanh nghiệp du lịch dễ dàng làm bảng giá bán tour cho khách, tránh trình trạng giá cả mù mờ, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp du lịch. “Chúng tôi cũng đã làm việc với đại diện các doanh nghiệp du lịch đưa khách ra đảo, nhìn chung họ đều ủng hộ. Nếu không có gì trở ngại, cách thức thu phí mới sẽ được thành phố đề xuất UBND tỉnh trình HĐND thông qua để áp dụng trong khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 tới” - bà Thúy cho biết.

Doanh nghiệp phân vân

Bà Đinh Thị Thiện - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hội An Xanh bày tỏ ủng hộ việc quy định lại cách thức thu phí tham quan Cù Lao Chàm với mức giá 60 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo bà, việc gom phí lặn biển vào chung một vé trọn gói như trên là chưa hợp lý, vì không phải khách nào cũng có nhu cầu lặn biển ngắm san hô. “Tôi nghĩ thành phố nên tách dịch vụ lặn biển ngắm san hô ra riêng để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc bán tour. Bởi trong thời điểm cạnh tranh như hiện nay, để tăng hay giảm 10 nghìn đồng cũng là vấn đề cần cân nhắc” - bà Thiện đề xuất.

Còn ông Trần Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm (Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội) cho rằng, so với thương hiệu Cù Lao Chàm, giá phí trên vẫn còn rẻ, thậm chí cần phải tăng thêm. Vấn đề quan trọng là thành phố phải làm tốt công tác quản lý giá và hoạt động của doanh nghiệp vì số lượng doanh nghiệp kinh doanh du lịch ra Cù Lao Chàm tăng quá nhanh (từ 5 doanh nghiệp năm 2009 tăng lên 42 doanh nghiệp 2014) dẫn đến sự cạnh tranh giá không lành mạnh. “Nhiều doanh nghiệp mới ra đời vì muốn lôi kéo khách, sẵn sàng hạ giá gây rối loạn thị trường” - ông Hưng nói. Điều này dẫn đến hậu quả không chỉ đối với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc mà còn ảnh hưởng đến du khách và thương hiệu Cù Lao Chàm vì với mức giá thấp đương nhiên chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách cũng sẽ thấp. “Doanh nghiệp Cù Lao Chàm không “chết” vì thiếu khách mà “chết” vì cạnh tranh không lành mạnh” - ông Hưng nói.

Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tại Cù Lao Chàm thời gian qua luôn là vấn đề “nóng” và phức tạp. Cách thức thu phí tham quan mới chỉ là phần nhỏ, bởi còn hàng loạt vấn đề khác từ hạ tầng, bến bãi, cầu cảng, lưu trú, dịch vụ, ăn uống, phát triển doanh nghiệp… vẫn là câu chuyện dài chưa thể giải quyết dứt điểm. Doanh nghiệp chưa thật sự ý thức về thương hiệu của mình và Cù Lao Chàm, mạnh ai nấy kéo khách, bán tour để tồn tại. Nói như ông Trần Hưng: “Khách đến Cù Lao Chàm tăng hàng năm nhưng lợi nhuận doanh nghiệp lại giảm sút, cố giữ mức giá như thành phố quy định để duy trì hoạt động không phá sản đã là may lắm rồi chứ nói chi có lãi”.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều chỉnh cách thức thu phí tham quan Cù Lao Chàm: Quy thành một vé thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO