Điều chỉnh giá đất và kiểm soát mỏ cát

TRẦN HỮU 20/07/2017 08:57

Trước những bất cập của chính sách thu hồi đất và hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh (khóa IX) đã thu hút nhiều ý kiến thống nhất đề xuất điều chỉnh giá đất sát với thực tế và các giải pháp căn cơ bảo vệ tài nguyên khoáng sản lòng sông.

Từ tháng 7.2017, sẽ không còn ghe gắn dụng cụ hút cát trực tiếp như thế này ở lòng sông.Ảnh: TRẦN HỮU
Từ tháng 7.2017, sẽ không còn ghe gắn dụng cụ hút cát trực tiếp như thế này ở lòng sông.Ảnh: TRẦN HỮU

Cơ chế cho giá đất cụ thể

Ít xảy ra điểm nóng về đất đai, nhưng không ít địa phương ở vùng đông rất lúng túng trong thực thi chính sách pháp luật đất đai. Sự chậm chạp trong giải quyết bồi thường (BT), tái định cư (TĐC) cho đối tượng bị thu hồi đất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không kịp bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Rối rắm mà cơ quan BT, chính quyền địa phương gặp phải là cơ chế BT về đất ở theo giá đất cụ thể thay cho cơ chế đất đổi đất trước đây. Theo Chi cục Quản lý đất đai (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường), việc xác định, phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ để BT rất phức tạp, kéo dài thời gian, chưa sát với giá thị trường. Ở một số nơi, giá đất BT thấp hơn giá đất chuyển nhượng, có sự chênh lệch trong cùng một dự án, nhất là ở vùng giáp ranh. Đơn cử, cùng thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, nhưng ở vùng Duy Xuyên đất rừng được BT 18 nghìn đồng/m2 nhưng ở huyện Thăng Bình chỉ 12 nghìn đồng/m2. Cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho hộ kinh doanh, buôn bán, đơn giá BT và cơ chế BT, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp vẫn còn thấp, nhất là khu vực đô thị. Cơ chế BT hiện hành gây thiệt thòi quyền lợi hơn cho người bị thu đất so với chính sách cũ trước đây. Theo UBND TP. Hội An, chênh lệch trung bình tiền hỗ trợ cho 1m2 đất cây hàng năm trên địa bàn phường Cẩm An khi áp dụng cơ chế Quyết định số 23/QĐ-UBND năm 2010 cao hơn 229 nghìn đồng/m2 so với áp dụng cơ chế Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND của tỉnh (đơn giá tính 57 nghìn đồng/m2 đất cây hàng năm).

Tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh (khóa IX) diễn ra ngày 18.7, phần lớn ý kiến cho rằng, trong xây dựng phương án về giá đất cần tính toán đầy đủ chi phí bồi trúc, nhất là đối với đất ở, đảm bảo giá BT sát với giá thị trường; phải nhanh chóng khắc phục sự chênh lệch giá đất BT và giá đất tại nơi TĐC. Điều chỉnh cơ chế theo hướng tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất chấp hành BT, di dời, TĐC; rà soát, điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2015 - 2019. Gỡ vướng mắc về thực hiện pháp luật đất đai hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay, về cơ chế UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ chế giá và đã được thống nhất. Cơ chế là sẽ khắc phục tính bất hợp lý và đảm bảo được quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Cho nên, chính quyền các cấp sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó rà soát, tập trung thực hiện trước những khu vực, dự án trọng điểm để tạo nguồn cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất trong quản lý đất đai, làm căn cứ để người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Rà soát, quy hoạch lại mỏ cát

Thất thoát cát sỏi lòng sông lại nóng lên tại diễn đàn Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh (khóa IX). Chuyện buông lỏng quản lý, dễ dãi cấp giấy phép, quy hoạch mỏ dày đặc trên sông Vu Gia - Thu Bồn lại đem ra mổ xẻ ở nhiều góc độ. Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nhìn nhận, “nội soi tổng quát” trữ lượng cát lòng sông đòi hỏi chuyên môn sâu, trong khi tỉnh thì chưa đủ nguồn lực, kể cả năng lực để đánh giá, xác định lại hiện trạng trữ lượng mỏ, nhất là sau mỗi mùa mưa lũ. “Vì vậy, rất khó xác định trữ lượng khai thác thực tế và không có cơ sở để so sánh trữ lượng cát còn lại tại mỏ với trữ lượng được cấp phép ban đầu. Trong khi đó, quản lý nhà nước trong việc kiểm soát, đối chiếu khối lượng đầu vào, đầu ra tại các điểm mỏ và bến bãi tập kết thiếu chặt chẽ nên doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để khai thác trái phép” - ông Phương nêu bất cập.

Về giải pháp chấn chỉnh, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, nhất thiết phải đánh giá lại quy hoạch các điểm mỏ để điều chỉnh phù hợp và quản lý tốt quy hoạch; đồng thời xem xét mật độ điểm mỏ nhằm hạn chế bố trí dày đặc dễ gây tác động tiêu cực đến dòng chảy, làm ảnh hưởng môi trường cũng như đất sản xuất của người dân khu vực gần các mỏ. Công khai minh bạch đấu thầu cấp quyền khai thác khoáng sản để lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, sử dụng công nghệ tiên tiến, không tác động xấu đến môi trường. Tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến cho rằng muốn “tuyên chiến” hiệu quả với nạn cát lậu thì cần trang bị đầy đủ cho lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát khai thác cát. Khi cấp phép khai thác mỏ cát bắt buộc phải tổ chức lấy ý kiến người dân vùng bị ảnh hưởng chứ không chỉ ở vùng có mỏ. HĐND tỉnh thể hiện nhất quán quan điểm, từ nay về sau phải tổ chức lấy ý kiến của người dân, các ngành chức năng trước khi thực hiện lập, điều chỉnh quy hoạch, cũng như quá trình cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên cát sỏi. Cạnh đó, thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều chỉnh giá đất và kiểm soát mỏ cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO