Điều chỉnh giá thuê đất: Doanh nghiệp du lịch thắc thỏm chờ đợi

TRỊNH DŨNG 16/12/2021 07:14

UBND tỉnh thống nhất trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định việc giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp du lịch bị suy giảm nặng nề trong dịch bệnh. Chưa biết kết quả cuối cùng, nhưng vẫn dấy lên hy vọng và chờ đợi.

Nhiều doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đang đối mặt khó khăn khi mức giá thuê đất chu kỳ mới tăng quá cao. Ảnh: T.D
Nhiều doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đang đối mặt khó khăn khi mức giá thuê đất chu kỳ mới tăng quá cao. Ảnh: T.D

Giá thuê đất tăng đột biến

Dịch Covid-19 khiến du lịch dịch vụ tê liệt. Hơn 85% khách sạn ở Hội An đóng cửa, cắt giảm nhân sự... Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai nhưng không ít doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.

Một số doanh nghiệp rơi vào chu kỳ điều chỉnh tăng giá đất 2021 – 2025, phải đối mặt thêm khó khăn khi đơn giá thuê đất tăng đột biến. Không ít doanh nghiệp buộc phải chi trả tiền thuê đất năm 2021 tăng đến 444,5%. Cá biệt có doanh nghiệp tăng xấp xỉ 1.000%.

Danh sách thuộc diện này phải kể đến như: Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An tăng 4,55 lần, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tăng 15%, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, Công ty TNHH Sài Gòn tăng 9 lần, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch & thương mại Vĩnh Hưng tăng 10,73 lần...

Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty EMIC HOSPITALITY Hội An cho rằng mức tăng giá đất quá cao trong thời điểm khó khăn cũng là một trong những yếu tố đẩy thêm doanh nghiệp du lịch kiệt quệ về kinh tế, thua lỗ gia tăng, mất vốn điều lệ, không có khả năng chi trả.

Các doanh nghiệp thừa nhận việc điều chỉnh giá thuê đất phù hợp với sự phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả công sản theo chu kỳ ổn định 5 năm là cần thiết. Nhưng khi cả cộng đồng du lịch khủng hoảng, tăng tiền thuê đất sẽ khiến doanh nghiệp không đủ tài chính để chi trả, khi khả năng hồi phục của thị trường du lịch còn quá xa vời.

Không ít đơn xin miễn, giảm hay chỉ xin được tính theo đơn giá đất chu kỳ cũ được gửi đến cơ quan quản lý, chính quyền, hay kiến nghị trong cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ tháng 11.2021. Tuy nhiên không cơ quan nào có đủ thẩm quyền để giải quyết, trừ Chính phủ, Quốc hội.

Ông Lê Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An nói đã phải cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên, chấm dứt hợp đồng đa số lao động để giảm thiểu thua lỗ khi khách sạn đã ngừng đón khách lưu trú từ tháng 4.2020 đến nay. Năm 2020 chỉ tính riêng khách sạn Hội An lỗ 25 tỷ đồng.

Nếu áp theo mức giá thuê đất mới, mỗi năm sẽ tăng lên 6,9 tỷ đồng (tăng 444,5%) thay vì 1,5 tỷ đồng như chu kỳ trước, dự kiến năm 2021 sẽ lỗ gần 30 tỷ đồng. “Hai năm (2020 - 2021) đã lỗ hơn 55 tỷ đồng. Sẽ còn lỗ nữa khi không biết bao giờ có thể mở cửa hoạt động trở lại.

Doanh nghiệp sẽ chìm sâu vào khủng hoảng, mất khả năng thanh toán. Doanh nghiệp đã gửi đơn xin gia hạn thời gian ổn định giá thuê đất (2016 - 2020) cho năm 2021 và 2022, xin miễn hoặc giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2021” - ông Dũng nói.

Chờ đợi...

Kiến nghị của doanh nghiệp đã được gửi đến HĐND tỉnh khóa X tại kỳ họp thứ 4 ngày 7 - 8.12.2021. Theo ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN-MT, chu kỳ 5 năm sẽ phải thay đổi đơn giá trả tiền thuê đất hàng năm của doanh nghiệp sát thị trường.

Hiện đã điều chỉnh hệ số giá đất và hệ số thuê đất giảm so với chu kỳ trước (1 thay vì 2,2). Sở TN-MT chỉ là cơ quan chuyên môn, chỉ có thể kiến nghị cấp trên xem xét miễn, giảm chứ không đủ thẩm quyền, không thể làm gì được.

Nhiều doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đang đối mặt khó khăn khi mức giá thuê đất chu kỳ mới tăng quá cao. Ảnh: T.D
Nhiều doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đang đối mặt khó khăn khi mức giá thuê đất chu kỳ mới tăng quá cao. Ảnh: T.D

Tiền thuê đất của các doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng quá cao được lý giải năm 2019, thị trường du lịch được các chuyên gia đánh giá đạt đỉnh phát triển. Thị trường bất động sản tại Hội An cũng tăng tương ứng, kéo theo đơn giá cho thuê đất cùng “lên đỉnh”.

Ông Lê Thái Vũ – Tổng Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cho hay, nhiều nhà đầu tư khác thuê và trả tiền thuê đất hàng năm, sau chu kỳ 5 năm thì giá đất tăng, giảm không quá 15%, nhưng doanh nghiệp du lịch qua 5 năm không hề biết được Nhà nước sẽ tăng giá như thế nào.

“Không thể dựa theo giá thị trường được vì việc định giá có thể ảo. Thuê đất làm du lịch chỉ phụ thuộc vào chỉ số tăng, giảm thị trường du lịch, không phải phân lô bán nền, không liên quan tới chuyện buôn bán tăng, giảm giá đất bất động sản ở đô thị mà tăng giá vô lý. Cần có lộ trình tăng, giảm bao nhiêu rõ ràng trong suốt 50 năm thuê đất” – ông Vũ nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, chênh lệch giá thuê đất 400 - 1.000%, tăng gấp 4 hay 5 lần là đúng với một vài doanh nghiệp Hội An vì thị trường bất động sản đã nóng lên sau 5 năm. Ngay tăng giá đất tại khu vực Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An từ 8,5 triệu lên 39 triệu đồng/m2 vẫn chưa sát thị trường. Sẽ tính toán, cân nhắc bảng giá đất năm 2022 phù hợp.

Chính phủ đã quyết định giảm 30% tiền thuê đất. Thẩm quyền của địa phương chỉ có thể xem xét, cân nhắc, điều chỉnh giảm hệ số thuê đất từ 1 xuống 0,5 thì mặc nhiên tiền thuê đất sẽ giảm 50%.

Ngày 10.12, một công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang ký, thống nhất báo cáo Thường trực HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh giảm hệ số thuê đất cho các doanh nghiệp du lịch khi đến kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất hàng năm trong năm 2021 - 2022.

Trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 và những năm tiếp theo đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Các văn bản các sở, ngành tham mưu sẽ phải hoàn tất trước ngày 18.12.

Chỉ mới thông báo, chưa biết có được chấp thuận từ cấp trên hay không, nhưng các doanh nghiệp thực sự vui mừng vì chính quyền đã nhìn thấy “nỗi khổ” của doanh nghiệp. Họ chờ đợi và hy vọng sẽ được giải cứu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều chỉnh giá thuê đất: Doanh nghiệp du lịch thắc thỏm chờ đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO