UBND tỉnh vừa ký quyết định (số 3267/QĐ-UBND) về việc sửa đổi một số nội dung Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) trên địa bàn tỉnh. Quy chế mới được cho là thông thoáng hơn nhưng gây lo ngại cho địa phương và cơ quan chức năng.
Du khách tham gia dịch vụ homestay.Ảnh: V.LỘC |
Đơn giản, dễ dàng
Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào Điều 3 chương II (Quy chế 2017) theo hướng đơn giản tinh gọn từ 6 khoản xuống còn 3 khoản. Cụ thể, trong mục Điều kiện kinh doanh, quy chế mới quy định khá “nhẹ nhàng” với 3 điểm gồm: có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách theo quy định. Riêng với “Tiêu chuẩn homestay”, quy chế mới quy định thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2017 - nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê công bố tại Khoản 2 Điều 1, Quyết định số 3990/QĐ-BKHCN ngày 29.12.2017 của Bộ KH&CN. Quy chế sửa chữa cũng bãi bỏ nội dung “Thực hiện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú”. Đồng thời những tiêu chí như nhà có kiến trúc đặc trưng nông thôn, nhà vườn, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, có tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề truyền thống, nhà có không quá 5 phòng và một phòng không quá 4 người; nhà có 2 thế hệ sinh sống trở lên… trở thành yếu tố khuyến khích, không bắt buộc.
Theo bà Lê Thị Châu Trinh – Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở VH-TT&DL), việc sửa chữa một số nội dung Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh homestay trên địa bàn tỉnh là nhằm phù hợp những quy định mới của Luật Du lịch 2017, đồng thời hướng đến tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký và tham gia hoạt động kinh doanh homestay. |
Theo ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam, việc sửa đổi Quy chế quản lý homestay dù tạo điều kiện cho các hộ dân đăng ký homestay dễ dàng nhưng chắc chắn dẫn đến những cạnh tranh mới. “Do nhiều người dân chưa qua đào tạo về cách thức kinh doanh homestay sẽ nhìn nhận sai lệch về homestay như cách lưu trú rẻ tiền. Trong khi đó, quy chế cũng chưa chỉ ra người dân nên làm cái gì khi xây dựng homestay nên việc đầu tư sẽ không hiệu quả. Vì vậy, nếu nơi nào cần Hội Homestay tư vấn chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong đầu tư. Đặc biệt, thành phố cũng nên hướng người dân chọn những loại hình dịch vụ phù hợp như nhà hàng, quán ăn, quầy bar… để hỗ trợ homestay, không nhất thiết phải cuốn vào đầu tư xây dựng homestay” - ông Thuận chia sẻ.
Cần hiểu đúng về homestay
Tại Quảng Nam, homestay bắt đầu hình thành từ năm 2009, đến năm 2013 thì phát triển rộng khắp với tốc độ tăng bình quân hơn 40%/năm. Hiện toàn tỉnh có khoảng 400 homestay, với hơn 1.200 phòng, hầu hết tập trung tại Hội An. Bên cạnh những mặt được như giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân, quảng bá các giá trị văn hóa… thì hoạt động của một số homestay Hội An thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế và đi chệch hướng. Không ít homestay đơn thuần chỉ như một nhà nghỉ, nhà trọ giá rẻ chứ không còn là nơi du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa.
Quy chế quản lý homestay giúp người dân thuận tiện hơn nhưng cũng gây lo ngại dịch vụ này sẽ phát triển chệch hướng. TRONG ẢNH: Một hoạt động trong dịch vụ homestay. Ảnh: V.LỘC |
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, đang có tình trạng homestay bán giá phòng rẻ mạt, nhưng thành phố khó can thiệp hoặc hạn chế sự ra đời của homestay. Sở dĩ có tình trạng này bởi homestay là hộ kinh doanh nên chỉ đóng thuế khoán theo số phòng (khoảng 500 nghìn đồng/tháng) dẫn đến homestay không ngại bán giá thấp. “Theo quy định mới homestay bây giờ phát triển dễ dàng hơn nhưng điều này lại khiến thành phố lo vì khách giá rẻ sẽ tới nhiều, ảnh hưởng đến hình ảnh Hội An. Chưa kể, phản ứng từ các khách sạn do các homestay phá giá. Biết vậy nhưng thành phố không thể thực hiện trái tinh thần chỉ đạo của tỉnh, mình chỉ còn cách duy nhất là hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn như diện tích tối thiểu homestay, sân vườn… bao nhiêu là đạt, đồng thời tăng cường kiểm tra phòng ốc, cơ sở hạ tầng đảm bảo yêu cầu và đặc thù của Hội An, từ đó nâng cao chất lượng homestay” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, vấn đề đáng lo hiện nay là cách hiểu không đúng về homestay của một bộ phận người dân và du khách, kể cả ngành du lịch khi nghĩ homestay là một loại hình lưu trú chứ không phải là một sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa, kiến trúc và trí tuệ. Kể cả trong quy chế cũng nhìn nhận homestay là “hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê”, đây là điều không đúng. “Thành phố đang kiến nghị Tổng cục Du lịch về cách hiểu homestay cho đúng bản chất của nó. Hãy dịch nghĩa tiếng Anh theo nghĩa thông thoáng “home” là mái ấm có người ở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia chủ chứ không đơn thuần chỉ là chỗ ở qua đêm” - ông Sơn phân tích.
VĨNH LỘC