Còn nhớ, có lần cùng đoàn cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Đà Nẵng đi khảo sát địa điểm Môm Nở (căn cứ đứng chân bí mật của Thành ủy Đà Nẵng) trên bán đảo Sơn Trà, ngay lối cửa vào cảng Đà Nẵng, tôi đã không tin được mắt mình, khi chúng tôi vừa lùi thuyền ra khỏi bờ chừng mươi mét nước thì bất thần ở đâu, một đàn khỉ, voọc ào ra bãi cát, nhặt nhạnh các mẩu bánh mì, thức ăn còn sót lại. Bất giác, tôi chợt nhớ đến địa danh núi Khỉ mà người phương Tây thường dùng để chỉ núi Sơn Trà và những câu chuyện lý thú về các loài khỉ tại đây!
Tượng khỉ tại Sơn Trà. |
1. Những ghi chép cổ đều cho rằng, núi Sơn Trà là một cảnh đẹp hiếm có, nơi có rất nhiều loài khỉ sinh sống. Từ thế kỷ 17, khi viết “Hải ngoại kỷ sự”, nhà sư Thích Đại Sán đi vào cửa vịnh Đà Nẵng đã ghi lại những cảm giác thật đặc biệt của mình lúc nhìn thấy khỉ nhảy nhót ở núi Sơn Trà: “Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương Đông sáng bạch. Khoác áo choàng ngồi dậy, thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng (vịnh Đà Nẵng - NV) ở trong vòng núi bao quanh. Dọc bờ biển, đá lèn lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy, trái đồi hoa núi, xanh đỏ sum sê...”. Nhiều bút ký của người phương Tây khi thả neo tại Đà Nẵng đều định danh núi Sơn Trà là… núi Khỉ là do ấn tượng với các bầy khỉ nơi đây khi họ lần đầu đến Đà Nẵng chăng? Sau này, nhiều tài liệu lưu trữ cũng như bản đồ quân sự của người Mỹ cũng đều ghi tên Sơn Trà là Monkey Mountain - núi Khỉ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới mưa ẩm nguyên sinh, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia. Khu rừng nguyên sinh trên bán đảo là nơi giao lưu của hai hệ động thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc, gồm 298 loài thực vật cao thuộc 271 chi, 90 họ, 64 loại gỗ lớn, 107 cây thuốc quý và nhiều giống lan rừng. Sơn Trà có hơn một trăm loài động vật với hàng chục loài quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo tồn của thế giới như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thủy sinh; trong đó voọc chà vá được xem là loài thú sinh trưởng đặc hữu của Đông Dương cần được bảo vệ.
Nhiều cụ cao niên tại Khu Đông của Đà Nẵng kể với tôi rằng: Từ năm 1975 về trước, nhiều người dân lên suối Đá ở Sơn Trà thì thấy khỉ nhiều vô kể, các loài khỉ vàng, voọc ngũ sắc còn rất dạn dĩ; chúng thường xuống bờ biển để “bắt hôi” cá cùng người mà chẳng sợ sệt gì. Hồi lính Mỹ đóng đồn trên Sơn Trà, có nhiều lúc khỉ trong rừng ra ăn cắp đồ ăn, phá phách đồ đạc của họ rất dữ. Lại có chuyện rằng, hồi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện “tố cộng, diệt cộng” khốc liệt tại Quảng Nam và Đà Nẵng, một cán bộ Việt Minh của xã Hòa Hải đã ra trú ẩn tại Sơn Trà, sau 10 năm không nói chuyện cùng ai, đã biết thành “người khỉ”, không nói tiếng người được nữa, điệu bộ giống như khỉ, mà người ta gọi là “Bạch Mao Nam” của Việt Nam!
2. Gần đây, khi sưu tầm tài liệu tại các trung tâm lưu trữ ở Pháp, chúng tôi cũng đã phát hiện những tư liệu thú vị về núi Khỉ - Sơn Trà. Khỉ nhiều đến nỗi, tiếng kêu của chúng cũng làm cho một lính Pháp đang đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858 phải kêu lên: “Những tiếng súng của lính gác, đom đóm bay, khỉ kêu làm cho chúng tôi luôn cảnh giác suốt đêm. Eo bán đảo Sơn Trà là một dải đất hẹp, đầy cát. Phần mà chúng tôi cắm trại ở độ thấp, nắng chói chang, lại là đồi trọc, đâu đó còn lại vài túp lều bỏ trống vì dân đã bỏ chạy”. Và cũng như nhiều ghi chép khác, khi tác giả lần đầu đến cửa vịnh thì: “Phía đông dãy núi Sơn Trà trải dài cánh rừng rậm cho đến tận phía xa, mặt trời với tia nắng cuối ngày đã rải xuống vùng vịnh vẽ lên những hình ảnh quanh co, khúc khuỷu. Chúng tôi bắn vào đàn khỉ đông đúc, khi chúng đang chuyền từ cành này sang cành khác và nhăn mặt nhìn chúng tôi”.
Bức tranh con khỉ nhảy xuống cõng con khỉ bị thương tại Sơn Trà do Đại tá Henri vẽ. |
Tài liệu cũng cho thấy, sĩ quan Pháp đã săn khỉ trên núi Sơn Trà để làm thức ăn. Một ghi chép của Đại tá Henri cho biết: “Ngày 21.3.1859: Tôi vừa bắn một con khỉ ở chỗ đường mòn khó đi tại khúc cua trên bán đảo Sơn Trà. Đó là một con khỉ thật to, chân nó màu đỏ (có lẽ là voọc chà vá chân nâu chăng – T.G), nó nhìn tôi trừng trừng. Tôi kê súng lên vai và bóp cò, nó bị thương và rơi xuống đất. Tôi đến gần nhìn nó và xúc động khi nhìn đôi mắt nó nửa mở nửa nhắm hình như nó muốn xin được ban ơn. Song tên lính đi theo tôi không hề chia sẻ sự xúc động đó, nên hắn dùng nắm tay đánh mạnh vào mũi con vật xấu số này và mang cho nhà bếp. Thịt khỉ này cũng ngon song không ngon bằng thịt sóc”. Và cũng chính Henri kể cho chúng ta một câu chuyện cảm động về khỉ ở Sơn Trà: “Ngày 26.3.1859: Khi đi tìm hiểu vùng xung quanh đồn, tôi phát hiện một khu vực nơi loài khỉ đến để đùa giỡn trên các cành cây to. Khi thấy tôi chúng nó chạy trốn. Sáng nay, khi tôi đi không tiếng động dưới rừng cây tôi đã bắn được một con khỉ đang nhảy nhót chuyền từ cành cây này sang cành cây khác. Tôi ngạc nhiên thấy một con khỉ khác nhảy xuống đất mang con vật tuẫn nạn của tôi vào rừng và kêu lên những tiếng kêu rên rỉ thống thiết! Ôi! Thật là một thiên tính tuyệt vời!”.
3. Núi Khỉ - Sơn Trà và các đàn khỉ đã có hàng mấy trăm năm nay nhưng phải đến năm 1969, người ta mới tiến hành nghiên cứu về các loài khỉ tại đây. Mấy năm nay nhiều đoàn nghiên cứu khảo sát trong và ngoài nước đã đi thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng, nhất là voọc chà vá chân nâu quý hiếm đặc biệt tại Sơn Trà. Được biết, loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này ở Sơn Trà có khoảng 530 cá thể, chiếm tới 83% số lượng voọc trong thiên nhiên được biết đến trên thế giới. Theo Tổ chức bảo tồn voọc chà vá quốc tế, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định. Hiện nay, nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây ghi lại những hình ảnh về chúng, để loài voọc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà được thế giới biết đến rộng rãi. Vì vậy, hiểu về khỉ của núi Khỉ - Sơn Trà sẽ cho ta thấy tính độc đáo về lịch sử và cùng chung tay bảo vệ chúng tại khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng của xứ Quảng.
LƯU ANH RÔ