Nằm khuất sau khu du lịch Khải Hoàn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) xưởng điêu khắc đá Ganesa trở thành điểm dừng chân của du khách trong những chuyến hành trình về tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn.
Khác với làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) sử dụng đá hoa cương, vật liệu chế tác tượng của xưởng điêu khắc đá Ganesa chủ yếu dùng các loại đá cát (sa thạch) bản địa nhưng vẫn tạo sự mịn màng sắc nét. Sự đa dạng chủ đề được thể hiện thông qua các nhóm hình tượng từ tôn giáo (Phật) đến các linh vật (sư tử, kỳ lân) và các vị thần Chăm trong tín ngưỡng Bà la môn giáo (Siva, Visnu, Ganesa…). Theo anh Nguyễn Sơn - thợ điêu khắc tại xưởng, sở dĩ chọn sa thạch làm tượng vì đây là loại đá thiêng trong tín ngưỡng người Chăm, đặc biệt nơi khai thác đá (thôn Trung Sơn, Duy Phú) cũng được xem là điểm người Chăm xưa từng khai thác đá để phục vụ cho các hoạt động tôn giáo và kiến trúc tại khu đền tháp Mỹ Sơn. Để tạo ra một sản phẩm, người thợ phải trải qua 4 công đoạn là chọn đá có kích cỡ phù hợp, làm phôi, chạm chi tiết và hoàn thiện. Trong đó, hoàn thiện là khó nhất vì đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng, với các tượng Phật, công việc này còn khó gấp bội vì phải thể hiện được thần thái trên gương mặt của tác phẩm. Để hoàn thành một tượng có kích thước cao 1m người thợ phải tốn khoảng thời gian từ 20 ngày đến 1 tháng. Dù quy mô không lớn nhưng mỗi ngày đều có du khách nước ngoài đến tham quan, mua tượng, chụp hình lưu niệm và trải nghiệm với các công việc đặc thù này.
Xưởng điêu khắc đá Ganesa đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế. |
Sản phẩm làm ra ngoài ký gởi ở các điểm du lịch trong tỉnh như Hội An, Mỹ Sơn còn lại được trưng bày bán tại chỗ. Nổi bật, có thể kể đến xưởng điêu khắc của chàng khuyết tật câm điếc Phạm Ngọc Xuân nằm bên đường vào khu di tích, nơi được ví như điểm dừng chân của du khách trước khi vào tham quan tháp, từ đó có những cảm nhận sơ lược về các giá trị nghệ thuật điêu khắc Champa đã từng tồn tại qua hàng nghìn năm trước.
GIA KHANG