Một giọng nói cuốn hút, dù đôi từ đã phải khựng lại bởi tuổi tác, nhưng không vì thế mà ông Hoài Nam - tên mà những người trọng tuổi của Tam Kỳ gọi ông Nguyễn Văn Sỹ, ngừng cuộc chuyện truyền cảm hứng bằng chính chất giọng của mình...
Giọng đọc của xi-nê
Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng có việc ngang qua đoạn Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ), nhiều người vẫn nuối tiếc về rạp chiếu bóng Hòa Bình từng một thời nhộn nhịp. Nhớ nhất, có lẽ vẫn là người đã dành thanh xuân mình để khóc, cười, buồn, vui theo từng tuyến nhân vật, từng lời thoại từng phân cảnh của mỗi bộ phim cũ. Ngày trước, khi mà người thuyết minh trở thành linh hồn của từng tác phẩm điện ảnh, có lẽ chỉ có ở thế hệ 6X, 7X. Đó là phần ký ức sống động về một thời đã xa.
“Những năm 80 của thế kỷ trước, người ta gọi đi xem phim rạp bằng nhiều tên khác nhau. Xem chiếu bóng là cách gọi phản chiếu vẻ tò mò, ngơ ngác của người nông dân về thế giới điện ảnh quyến rũ.
Những ngày tháng ấy, xem phim là một trong những niềm vui cuốn hút và sang trọng nhất. Người ta hân hoan nhấm nháp sự sung sướng từ khi nghe tiếng loa phát thanh thông báo sắp có chiếu bóng hay trông thấy mấy tấm áp phích viết bằng phấn màu trên giấy bản dán tường.
Trai gái hẹn hò, người già nhắc nhở con trẻ ăn cơm, tắm giặt cho sớm rồi vác ghế con, áo mưa, đèn pin mà đi nhận chỗ” - một đoạn văn được dùng trong chương trình Quán Thanh xuân, như ghi lại đúng những cảm xúc của người từng ở trong ký ức ấy.
Và ông Nguyễn Văn Sỹ nói, thật may, khi ông đã được ở đúng nơi dành cho mình. Không biết là may mắn cho người đàn ông này hay là hạnh phúc của mỗi người dân xứ Quảng thuở ấy, bởi chính họ được khơi gợi xúc cảm từ những tác phẩm điện ảnh khắp nơi, qua chất giọng đầy mê hoặc và tròn trịa, ấm áp.
“Giọng tôi vốn dĩ trời phú chất trầm, ấm. Và cũng là may mắn khi mình có một quãng thời gian dài sống ở đất Bắc, sau này về Quảng Nam theo cha, chính những hành trình qua các vùng đất có lẽ khiến giọng nói của mình trở nên dễ nghe hơn.
Cơ duyên sau này cho mình được học hành bài bản từ Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, nên mình biết được kỹ thuật đối với từng giọng điệu ra sao” - ông Nguyễn Văn Sỹ nói.
Những năm 1980, rạp chiếu bóng Hòa Bình là điểm hẹn hò của cư dân thị xã. Mỗi ngày 3 suất chiếu phim, có khi chỉ mình ông Hoài Nam thuyết minh chính. Đôi lúc khi ấy, mọi người chọn mua vé xem phim vì người thuyết minh.
Một cái bàn, một cái ghế con, một ngọn đèn chiếu sáng, một chiếc micro, một tập giấy ghi lời thuyết minh để đọc. Sau khung kính be bé chiếu thẳng lên màn hình, ngay cạnh phòng đặt máy chiếu phim, là phòng làm việc của người thuyết minh. Vậy mà từ trong không gian ấy, bao nhiêu là vui buồn, hạnh phúc...
Ông Sỹ cười, đuôi mắt đã nheo gần hết. Ký ức về thời Quảng Nam - Đà Nẵng khó nghèo như rõ mồn một trong tâm trí. Khoảng chừng 10 năm làm chiếu bóng, ông Sỹ không chỉ ngồi một chỗ thuyết minh.
Ông theo anh em của Công ty Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam - Đà Nẵng về Hiệp Đức, Quế Sơn... rồi khắp các huyện miền núi. Xây dựng phong trào chiếu bóng cho mỗi địa phương, đặc biệt ở vùng núi, như cái cách để khai mở một hình thức giải trí, mang văn hóa văn nghệ tiệm cận với từng người dân vùng khó.
Ông Sỹ nói, đó là thời màn ảnh rộng được chuộng ở bất cứ nơi nào đoàn chiếu bóng tới. Người dân thích thú vì sự mới lạ. Niềm vui của những người làm chiếu bóng cũng chính tại đây. Bắt gặp sự hân hoan trên gương mặt mỗi người dân, nhận được những cái siết tay thật chặt, hay thiết thực hơn, bà con mời họ dùng bữa khoai bữa mì sau đêm chiếu…
Điều kỳ diệu
Nhưng rồi cái thời của xi-nê cũng phải khuất lấp bởi những phương tiện, công nghệ hiện đại. Những năm 1990, ông Sỹ bắt đầu suy tư về con đường nghề nghiệp của mình. Người đàn ông vốn dĩ từng vào sinh ra tử, từng một thời trai trẻ xông pha trận mạc ở chiến trường Campuchia, để khi trở về quê nhà, là một cựu chiến binh không ngại khó, ngại khổ.
Năm 1979, Nguyễn Văn Sỹ bị thương và được giám định với 45% thương tật. Sau 10 năm làm chiếu bóng, ông bước ra cuộc đời ở độ tuổi gần 40 và gần như phải làm lại từ đầu. Bươn chải đủ thứ công việc để mưu sinh, nhưng thi thoảng, tư chất nghệ sĩ buộc người đàn ông phải tìm không gian để trổ bày say mê và năng khiếu của mình.
Cho đến khi tuổi đời bước qua đoạn trung niên, những dồn ứ của một đời mưu sinh không còn nặng nợ nữa, thì khi ấy, sống được là mình, sống cho mình mới thật hạnh phúc. Tụi trẻ ngạc nhiên vì ông già tuổi 60 ở Tam Kỳ được nhận nút bạc YouTube - gần như là một danh hiệu của thời công nghệ mà ai lỡ dấn thân cũng đều say. Những clip đều đặn ra đời, mà như lời ông Nguyễn Văn Sỹ, ban đầu có lẽ mọi người thích thú vì chính giọng nói trong từng sản phẩm.
Năm 2010, người cựu chiến binh lập cho mình một kênh YouTube truyền tải nội dung những ca khúc do chính ông trình bày. Từ những video về ca nhạc, rồi kể chuyện, ông Sỹ nói mình được truyền cảm hứng bởi chính những động viên của người thân, bạn bè.
Sau này, khi lượt người theo dõi tăng cao, họ muốn ông đọc nhiều hơn vì “người xem YouTube bình luận rằng giọng tôi ấm, truyền cảm hứng. Chiều theo khán giả, tôi tìm đến những thông tin về phong thủy và sức khỏe” - ông Sỹ nói.
Năm 2018, kênh YouTube “Phong thủy và Sức khỏe” của ông Nguyễn Văn Sỹ nhận được tặng thưởng nút Play Bạc từ YouTube. Ông Sỹ vẫn còn giữ thư của bà Susan Diane Wojcicki - Giám đốc điều hành YouTube: “Bạn mới làm nên điều kỳ diệu mà rất ít người sáng tạo trên YouTube làm được. Bạn đã chạm mốc kỳ diệu 100 nghìn người theo dõi kênh của bạn. Chúng tôi nghĩ đối với những con số này trên YouTube thực sự có ý nghĩa rất lớn nhưng hy vọng bạn không quên hiện thực ẩn sau dấu mốc 6 chữ số này...
Chúng tôi vinh danh bạn cùng toàn bộ nỗ lực bằng phần thưởng bạc dành cho nguồn sáng tạo. Đây là món quà lưu niệm nhỏ thể hiện sự yêu mến và kính trọng của chúng tôi. Chúng tôi biết bạn làm điều này không phải vì phần thưởng, bạn làm việc này vì đam mê sáng tạo, chia sẻ nhiều hơn nữa là vì bạn đã tìm được những khán giả yêu mến. Chúng tôi luôn hết lòng cổ vũ bạn...”.
Bàn tay phải của người đàn ông này có ngón trỏ và ngón cái bị cong quắp lại. Đây là di chứng từ cuộc chiến ở chiến trường tình nguyện tuổi 18 của ông Sỹ. Hẳn nhiên, nó cản trở ông về sự nhanh nhạy khi điều khiển chuột cũng như dùng máy quay phim. Nhưng điều đó không phải là rào cản để ông sản xuất từng sản phẩm cho kênh YouTube của mình.
Mỗi một video, là sự chỉn chu, chuyên nghiệp và tận tâm của người làm. Tất cả, ông đều tự mày mò học và làm một mình. Con số tác phẩm ông đã xuất bản cho kênh của mình trong hơn 10 năm qua, là 537 video, với đề tài chủ yếu là phong thủy và sức khỏe, thu hút hơn 191 nghìn người đăng ký, gần 50 triệu lượt người xem.
Đã có người ngỏ ý muốn mua lại kênh YouTube của ông Nguyễn Văn Sỹ, nhưng đứa con tinh thần này, như lời ông Sỹ nói, nó là định danh của một Hoài Nam - thuyết minh phim thuở nào của cư dân thị xã cũ, là ký ức và cả hiện tại của một người sống lâu, ở lâu và yêu sâu đậm mảnh đất dung chứa mình. Đã là ký ức và tình yêu, thì không ai bán - mua!