Điều tra bảo hiểm y tế hộ gia đình: Chậm từ khâu cơ sở

DIỄM LỆ 05/04/2016 10:05

Quảng Nam là tỉnh có tiến độ điều tra bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình chậm so với yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra do cấp cơ sở thực hiện chưa hiệu quả.

Chạy đua với thời gian

Chúng tôi đến nhà ông Lê Hữu Dinh - Thôn trưởng thôn Quý Hương (xã Bình Quý, Thăng Bình) khi ông đang chuẩn bị hơn 80 giấy mời chủ hộ để tập trung ghi phiếu điều tra BHYT. Theo ông Dinh, thời điểm bắt đầu điều tra BHYT hộ gia đình vào cuối tháng 11.2015, cùng lúc có nhiều cuộc điều tra như: điều tra nghèo theo chuẩn đa chiều, dân số; áp lực xã, thôn hoàn thành nông thôn mới nên công tác làm giao thông nông thôn phải gấp rút. Thêm nữa, đường cao tốc đi ngang qua thôn, vài ba hôm lại có kiện tụng trong dân, ông phải cùng xã, nhà đầu tư đi giải quyết. Bây giờ, ông lại đang gấp rút lo danh sách cử tri, điều tra liệt sĩ, lo đại hội thể dục thể thao… “Nhưng huyện đã quán triệt rồi, tôi phải gửi giấy mời tập trung làm cho xong. Cách gì thì cách, ngày 6.4 tôi phải hoàn thành để gửi lên xã chứ hết ngày rồi”.

Ông Nguyễn Công Bá (phải) tranh thủ buổi trưa đi điều tra BHYT hộ gia đình.Ảnh: D.L
Ông Nguyễn Công Bá (phải) tranh thủ buổi trưa đi điều tra BHYT hộ gia đình.Ảnh: D.L

Buổi trưa ngày đầu tháng 4.2016, ông Nguyễn Công Bá - tổ trưởng tổ dân phố số 12 (TT. Hà Lam, Thăng Bình) tranh thủ tới nhà ông Nguyễn Văn Diện để ghi phiếu điều tra BHYT hộ gia đình. Ông Bá cho biết phải chọn buổi trưa, tối vì ban ngày người dân bận đi làm. Gia đình ông Diện có 6 nhân khẩu nhưng ông cũng không nắm rõ được các con đi làm ăn xa có thẻ BHYT hay không, riêng vợ chồng ông không có thẻ BHYT. Vì thế, phải đợi đến tối ông Diện hỏi các con mới cung cấp đầy đủ thông tin. Ông Bá nói: “Tổ 12 địa bàn rộng, có 300 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu, lại không có các tổ nhỏ ở dưới nên mọi việc mỗi mình tôi làm. Ban đầu, việc nhiều quá nên tôi có nhờ các hội đoàn thể cùng làm giúp nhưng họ không nhận. Hiện tôi chỉ điều tra được hơn 300 nhân khẩu, còn lại phải cố gắng làm ngày làm đêm cho xong”. Ông Phan Phước Tưởng - Tổ trưởng tổ dân phố 14 (TT.Hà Lam, Thăng Bình) quản lý 323 hộ dân với 1.267 nhân khẩu, trong đợt điều tra BHYT hộ gia đình, ông giao cho các hội đoàn thể cùng làm nhưng không hiệu quả do sai thông tin hoặc mất phiếu… Vì vậy, ông phải điều tra lại và hiện chỉ được 50 hộ và hứa với UBND TT.Hà Lam sẽ làm rốt ráo trước ngày 7.4.

Bà Võ Thị Phước - Phó Chủ tịch UBND TT.Hà Lam (Thăng Bình) cho hay toàn thị trấn có 15 tổ, 9 tổ đã nộp phiếu điều tra nhưng không đúng yêu cầu, phải trả hơn 50% số phiếu để làm lại. Những lỗi sai cơ bản như ngày tháng năm sinh, không có số điện thoại, sai số sổ hộ khẩu… nên bưu điện nhận phiếu không nhập dữ liệu được. Toàn thị trấn có 4.564 hộ dân với hơn 19.000 nhân khẩu, nhưng đến đầu tháng 4 chỉ có khoảng 1.800 phiếu thu về, trong đó bưu điện chỉ mới nhập được hơn 500 phiếu ghi đúng.

Gấp rút trong toàn tỉnh

Thăng Bình là một trong một số huyện, thành phố làm chậm trong toàn tỉnh, với số liệu thu được đến cuối tháng 3.2016 chỉ mới đạt 58,85%. Vì thế BHXH tỉnh phải làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo của huyện Thăng Bình. Sau đợt làm việc với BHXH tỉnh, UBND huyện Thăng Bình đã triệu tập khẩn cuộc họp với các xã, thị trấn để đôn đốc thực hiện, quán triệt phải gửi về huyện xong trong ngày 7.4 để bưu điện nhập dữ liệu, gửi về tỉnh trước ngày 10.4. Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho biết: “Trong cuộc họp, chúng tôi đã quán triệt các xã phải làm xong dứt điểm. Chúng tôi đã phân tích rõ ràng các nguyên nhân, đôn đốc các xã, thị trấn và quy trách nhiệm rõ ràng, nếu không hoàn thành đúng theo thời gian quy định là chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện”.

Tiến độ điều tra BHYT hộ gia đình toàn tỉnh chỉ mới đạt 83,6% mẫu thu về, trong đó các huyện đạt thấp dưới 85% như Thăng Bình, Hiệp Đức, Hội An, Đại Lộc, Tam Kỳ… BHXH tỉnh phải cử đoàn đến làm việc trực tiếp với các huyện trên để đôn đốc việc điều tra. Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Nguyên nhân chính khiến việc nhập dữ liệu ở tỉnh chậm vì vướng mắc ở một số trường hợp không sinh sống trên địa bàn nhưng không cắt hộ khẩu hoặc báo tạm vắng; ngược lại, có trường hợp nơi khác đến sinh sống nhưng không nhập hộ khẩu và không khai báo tạm trú. Và một nguyên nhân không kém phần quan trọng là ban chỉ đạo ở một số huyện, thành phố xem đây là việc chưa quan trọng nên không đôn đốc thực hiện”.

Ngoài ra, việc nhập dữ liệu ở các huyện, thành phố đã xảy ra một số trường hợp như số người được nhập cao hơn dân số, hoặc thấp hơn dân số, trùng thông tin, thiếu thông tin, thông tin chưa chính xác… Những nguyên nhân được chỉ ra, những giải pháp cũng đã được quán triệt đến từng huyện, thành phố, nhằm hoàn thành nốt phần còn lại của đợt điều tra BHYT hộ gia đình trong toàn tỉnh.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều tra bảo hiểm y tế hộ gia đình: Chậm từ khâu cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO