Điện lực Thăng Bình phát quang hành lang tuyến điện: Bị chặt cây, người dân có được bồi thường?

VIỆT NGUYỄN 08/12/2020 06:44

Người dân ở xã Bình Định Bắc (Thăng Bình) gửi đơn thư đến Báo Quảng Nam bày tỏ bức xúc khi ngành điện đã chặt nhiều cây keo đang trồng nhưng không thông báo, không đền bù.

Ông Trần Lựu bày tỏ không đồng tình việc bị chặt cây trồng ngoài hàng lang an toàn lưới điện mà không nhận được thông báo của ngành điện. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Trần Lựu bày tỏ không đồng tình việc bị chặt cây trồng ngoài hàng lang an toàn lưới điện mà không nhận được thông báo của ngành điện. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Diễn biến sự việc

Ông Trần Lựu (tổ 7, thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc) cho biết, khi bão số 6 qua đi, ngành điện Thăng Bình đã chặt nhiều cây keo bị ngã đổ vào đường dây điện chạy qua địa bàn xã. Cụ thể, hộ ông Lựu bị chặt 50 cây, hộ ông Trần Cường bị chặt 80 cây, hộ bà Lê Thị Tuyên bị chặt 11 cây. Ngoài ra, trước cơn bão số 9, ngành điện chặt của hộ ông Lựu 300 cây keo, hộ ông Cường 600 cây keo, hộ bà Tuyên 100 cây keo mà không có thông báo.

“Bên điện lực không thông báo hay đền bù gì mà cứ đi và phát keo của người dân ở dọc đường dây điện. Trong khi đất trồng cây là của người dân và ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập” - ông Lựu nói.

Theo bà Phan Thị Hiệp - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, sau bão số 6, khi nhân viên ngành điện đến chặt các cây trồng bị ngã đổ vào đường dây điện, UBND xã đã bố trí công an xã đi cùng. Các bên gồm Điện lực Thăng Bình, Công an xã Bình Định Bắc và các hộ dân nói trên đã ký vào biên bản với nội dung là các hộ dân đồng ý để ngành điện chặt số lượng cây keo nói trên với điều kiện là ngành điện có chính sách hỗ trợ, đền bù.

Bà Hiệp cho biết, người dân sau đó chờ đợi quá lâu mà không nhận được hỗ trợ, đền bù đã đến UBND xã phản ánh. Chính quyền địa phương đã liên hệ với Điện lực Thăng Bình thì nhận được thông tin là ngành điện sẽ không đền bù, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, ngành điện đã ký vào biên bản mà không hỗ trợ, đền bù người dân là không đúng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Điện lực Thăng Bình. Ông Minh cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, ngày 14.10 khi Điện lực Thăng Bình phát quang những cây nằm ngoài hành lang an toàn lưới điện ngã đổ vào đường dây 22kV nhánh rẽ Cầu Máng-XT472E152 thì các hộ dân nói trên yêu cầu đền bù mới cho thực hiện. Để kịp thời khắc phục sự cố nêu trên nhằm nhanh chóng cấp điện lại cho khách hàng, điện lực đã cùng chính quyền địa phương thuyết phục chủ cây với lý do thiên tai bão lũ và chủ cây chỉ thống nhất khi lập biên bản kiểm đếm một số cây keo đã phát quang. Đây là việc xử lý cấp thiết tại hiện trường để cấp điện lại cho phụ tải phía sau đã mất điện nhiều ngày. Việc phát quang hành lang tuyến điện là đúng theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ và chủ trương của UBND tỉnh nên không thực hiện đền bù.

Về việc ngành điện đã chặt cây keo của các hộ dân ở cơn bão số 9, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, dù cho các cây keo nằm ngoài hàng lang an toàn lưới điện, thuộc phạm vi đất đai của người dân nhưng có chiều cao vượt mức cho phép, có thể lại ngã đổ vào đường dây điện khi bão đến nên ngành điện đã chặt để phát quang hàng lang tuyến điện, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro, thiệt hại. Bởi vậy, Điện lực Thăng Bình không có trách nhiệm phải đền bù hay hỗ trợ người dân.

Điện lực Quảng Nam nói gì?

Ông Lưu Đức Lợi - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho rằng, Chính phủ đã có nhiều nghị định về quy định và xử phạt nếu người dân trồng cây ảnh hưởng đến an toàn lưới điện. Cụ thể, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013, tại điều 15 quy định về “Vi phạm quy định về an toàn điện”. Theo đó, khoản 1 quy định phạt tiền 1 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện. Còn ở khoản 3 quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi để cây đổ vào lưới  điện. Nghị định 134 tại Điều 11 và 12 còn quy định ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật hay bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

“Theo các quy định thì chủ cây phải tự chặt cây để đảm bảo an toàn điện. Đối với ngành điện, việc phát quang cây cối để đảm bảo vận hành điện an toàn. Đối với các trường hợp người dân trồng cây vi phạm hành lang lưới điện hoặc chặt cây để ngã đổ vào đường dây thì sẽ xử lý vi phạm hành chính như nêu trên. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể ở cơn bão số 6 thì PC Quảng Nam chỉ đạo Điện lực Thăng Bình làm việc với lãnh đạo địa phương và các hộ dân để linh hoạt hỗ trợ một phần nhằm góp phần giảm thiệt hại cũng như đảm bảo an toàn cho hành lang tuyến điện sau này” - ông Lợi nói.

PC Quảng Nam cũng đã trả lời về việc chặt cây của các hộ dân ở cơn bão số 9. Ông Lưu Đức Lợi cho biết, triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam tại công văn số 6981/UBND-KTN ngày 29.11.2018 và công văn số 1269/SCT-QLNL ngày 17.8.2020 của Sở Công Thương tỉnh về việc tăng cường cấp điện an toàn mùa mưa bão và ứng phó bão mạnh trên địa bàn tỉnh, Điện lực Thăng Bình đã phối hợp cùng các đoàn thể, dân quân và nhân dân các xã tổ chức triển khai phát quang cây cối trước và sau các đợt bão. Việc phát quang hành lang tuyến đều có đại diện địa phương tham gia tuy nhiên, một số vị trí không có chủ cây ở đó nên không nắm được việc phát quang này. Ngành điện không đền bù, hỗ trợ người dân bị chặt cây trước cơn bão số 9.

Người dân cho rằng, ngành điện lực có thể thực hiện phát quang an toàn hành làng lưới điện theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng không thể triển khai mà không có mặt của chủ cây trồng.

Dù sao thì sự việc cũng làm thiệt hại kinh tế của người dân, nên chăng, ngành điện lực cần tổ chức một cuộc gặp gỡ với sự có mặt của các hộ dân, chính quyền địa phương để giải quyết sự việc một cách hợp lý nhưng cũng thuận tình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện lực Thăng Bình phát quang hành lang tuyến điện: Bị chặt cây, người dân có được bồi thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO