Gần một năm nhận thụ lý, nhưng vụ án tranh chấp đường lâm sinh giữa các hộ dân ở xã Bình Lâm (Hiệp Đức) vẫn chưa được TAND huyện Hiệp Đức giải quyết. Lý do chậm trễ, theo tòa án là phải chờ kết quả trả lời của UBND huyện.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 29.8.2019, TAND huyện Hiệp Đức thụ lý vụ án tranh chấp về lối đi giữa các nguyên đơn gồm: bà Lê Thị Thủy, Nguyễn Thị Tam và ông Nguyễn Văn Hoàng (đại diện cho 11 hộ dân cùng trú tại tổ 11, thôn An Phố, xã Bình Lâm) với bị đơn là ông Nguyễn Có. Nhưng gần một năm qua, vụ án vẫn chưa được TAND huyện Hiệp Đức đưa ra xét xử.
Chờ đợi nên không khỏi bức xúc, tại cuộc tiếp dân định kỳ tháng 6.2020 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các nguyên đơn đã đến trình bày vụ việc, đề nghị đôn đốc TAND huyện Hiệp Đức sớm giải quyết theo quy định pháp luật.
Đại diện các nguyên đơn, bà Lê Thị Thủy cho biết, từ khi xảy ra tranh chấp đường dân sinh với ông Nguyễn Có, các hộ không có lối đi vào đất sản xuất, thu hoạch nông sản gặp khó khăn. Trong khi đó, đơn kiến nghị của nhóm hộ phải gửi đi lòng vòng đến các cơ quan chức năng huyện, còn tòa án thì nói hãy chờ.
Được biết, trong quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Hiệp Đức đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất xảy ra tranh chấp. Theo đó, xác định diện tích đoạn đường xảy ra tranh chấp giữa các bên là 31,4m2 nằm trong tổng diện tích 10.411m2 thuộc khoảnh IV, tiểu khu 505 tại thôn An Phố, xã Bình Lâm, được UBND huyện Hiệp Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Lê Văn Mùa.
Ngày 2.10.2019, TAND huyện Hiệp Đức ban hành Công văn số 108 yêu cầu UBND huyện Hiệp Đức trả lời về nguồn gốc, trình tự thủ tục cấp GCNQSDĐ để làm cơ sở giải quyết theo quy định. Đến ngày 23.3.2020, TAND huyện Hiệp Đức mới nhận được nội dung trả lời của UBND huyện Hiệp Đức tại Công văn số 109 ngày 19.3.2020.
Tuy nhiên, TAND huyện Hiệp Đức cho rằng, nội dung trả lời của UBND huyện có sự mâu thuẫn. Bởi lẽ, tại Công văn số 109, UBND huyện Hiệp Đức khẳng định: Về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với diện tích 10.411m2 tại khoảnh IV, tiểu khu 505 cho hộ ông Lê Văn Mùa là phù hợp với quy định tại thời điểm lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Nhưng, Công văn 109 dẫn chiếu Văn bản số 855 ngày 29.10.2019 của UBND xã Bình Lâm xác định: Từ khoảng năm 1980 đến khoảng giữa năm 2007, diện tích đất này do hộ ông Nguyễn Có sử dụng. Thời điểm khoảng giữa năm 2007 đến cuối năm 2018, hộ ông Nguyễn Có cho mở đường lâm sinh, các hộ hưởng lợi tự thỏa thuận để mở đường lâm sinh này. Sau đó, ông Nguyễn Có trồng keo trên thửa đất trên nên xảy ra tranh chấp cho đến nay.
Như vậy, theo quy định tại Điều 50 của Luật Đất đai 2003 và hướng dẫn tại Điều 41, 48 của Nghị định số 181 ngày 29.10.2004 thì phần diện tích đất tranh chấp 31,4m2 nằm trong tổng diện tích 10.411m2 thuộc khoảnh IV, tiểu khu 505 không đủ các điều kiện cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Lê Văn Mùa.
Với nhận định này, ngày 22.5.2020, TAND huyện Hiệp Đức có Công văn số 48 yêu cầu UBND huyện Hiệp Đức xem xét lại nội dung trả lời về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ nhưng đến nay UBND huyện vẫn giữ nguyên quan điểm trả lời như nội dung Công văn số 109 ngày 19.3.2020. Ngày 21.8.2020, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được công văn trả lời của TAND huyện Hiệp Đức liên quan đến nội dung đơn của bà Lê Thị Thủy, Nguyễn Thị Tam và ông Nguyễn Văn Hoàng.
Theo công văn trả lời này, TAND huyện Hiệp Đức tiếp tục xác minh hồ sơ cấp đất cho ông Lê Văn Mùa có đoạn đường tranh chấp chưa đảm bảo đúng trình tự thủ tục cấp GCNQSDĐ. Do đó, việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự cần xem xét đến việc hủy quyết định cá biệt theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính, đến nay TAND huyện Hiệp Đức chuyển vụ án lên TAND tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời TAND huyện Hiệp Đức khẳng định, vụ án kéo dài mà chưa được giải quyết là do phải chờ kết quả trả lời của UBND huyện Hiệp Đức.