Đình Chiên Đàn xưa

PHÚ BÌNH 15/12/2022 06:33

(VHQN) - Đình xã Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam thời phong kiến được cho là một trong ba ngôi đình lớn nhất trong tỉnh (thứ nhất là đình La Qua, nhì đình Thạnh Mỹ, thứ ba Chiên Đàn).

Đình Chiên Đàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đình Chiên Đàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo truyền ngôn ở địa phương, đình này được dựng từ rất sớm, có thể sau lúc lập làng Chiên Đàn không lâu. Căn cứ nhận định “những làng cổ nhất ở Quảng Nam là những làng có diện tích công điền nhiều nhất” có thể biết làng Chiên Đàn (diện tích công điền là 140 mẫu 3 sào 3 thước 5 tấc - lớn hàng thứ ba ở nam Quảng Nam) là một trong những ngôi làng được thành lập sớm nhất.

Một tư liệu địa phương được phát hiện gần đây cho biết những cư dân Việt đầu tiên đã đến vùng Chiên Đàn ngay từ đầu thế kỷ 15 và theo truyền khẩu, có thể ngay từ sau khi vua Lê Thánh Tông nam chinh (1471) vùng đất này đã được quy tập thành làng. Do vậy, việc xác định đình Chiên Đàn đã được hình thành từ cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 là giả thuyết có cơ sở.

Chuyện xưa kể lại

Dân gian vùng này lưu hành một chuyện kể như sau: Sau khi vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi, lúc hồi triều, nhà vua có ghé lại một số vùng. Các nơi này đều dựng “hành cung” (chỗ nghỉ chân) đón vua và đoàn tùy tùng. Làng Chiên Đàn cũng dựng hành cung tại đình Chiên Đàn để đón xa giá. Có khả năng đây là huyền thoại được người địa phương - do quá yêu quê xứ đã dựng lên để ca ngợi tầm mức quan trọng và sự trù mật của làng mình.

Tọa lạc trên khuôn viên hơn 1.500m2 với khoảng 500m2 kiến trúc hiện còn, đình Chiên Đàn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT ngày 30.12.2002 của Bộ Văn hóa Thông tin).

Dân gian còn kể: Ở vùng Chiên Đàn có nhiều võ tướng tham gia phong trào Tây Sơn và lập nhiều công trạng, trong đó có đô đốc Kiều Phụng và đô đốc Đống Công Trường. Hai vị này đã từng tụ tập trai tráng nông dân tại đình Chiên Đàn để chuẩn bị ứng nghĩa.

Thời Nguyễn, do làng Chiên Đàn là lỵ sở của huyện Hà Đông nên một số nghi lễ quan trọng của huyện này đều diễn ra ở sân đình Chiên Đàn. Lễ đón rước người thi đỗ trong huyện đều tập trung về sân đình này trước khi tân khoa sang bái yết các bậc tiên Nho ở Văn thánh sát cạnh đó. Trong số tân khoa đỗ đạt cao có thể kể các vị có quê ở làng Chiên Đàn như Phó bảng Nguyễn Dục, Tiến sĩ Nguyễn Thích, Cử nhân Trần Văn Hoán…

Hồi đầu thế kỷ 20, khi phong trào Duy tân khởi phát rầm rộ, ở phía nam của tỉnh, đình Chiên Đàn được chọn làm nơi đăng đàn diễn thuyết của các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng để cổ vũ tinh thần duy tân, chống Pháp. Sở dĩ các cụ chọn nơi này vì sát đình Chiên Đàn có ngôi Văn thánh (là trụ sở của Văn hội Nho học huyện Hà Đông), hàng tháng thường tụ tập các Nho sĩ để bình văn và sát hạch học trò.

Dấu vết trùng tu

Các vị cao niên địa phương cho biết: đình Chiên Đàn đã được trùng tu nhiều lần và đều do các thợ mộc làng Văn Hà (lân cận làng Chiên Đàn) - một làng mộc chuyên dựng và trùng tu đình miếu khắp vùng nam Quảng Nam - đảm trách. Các cấu kiện gỗ như cột, kèo, xuyên, trính lúc ban đầu đều khắc tên họ người đóng góp; về sau, do bị bào mòn qua thời gian và qua các đợt trùng tu đã không còn nhận dạng được, kể cả các dòng trên đòn đông ghi ngày tháng dựng đình cũng không còn.

Các cấu kiện gỗ của kiến trúc đình hồi đầu thế kỷ 20 toàn là gỗ mít. Về sau, qua các đợt trùng tu năm 1955, 1967, 1972, 1996, 2002 chất liệu gỗ đã không còn đồng đều nhưng kết cấu chung vẫn nguyên vẹn như ban đầu: năm gian, hai chái với 30 cây cột, trong đó các cột ở ba hàng chính to hơn cả vòng tay ôm.

Trên cao, trước ba gian thờ là các tấm hoành phi. Tấm hoành chính giữa ghi ba chữ “Trạc quyết linh” (nghĩa: linh thiêng rực rỡ) với các dòng lạc khoản “Chiên Đàn xã” và “Long phi Tân Mùi”. Tấm hoành ở gian bên trái (từ trong hướng ra) ghi chữ “Quang ư tiền” (nghĩa: sáng rỡ đời trước) và ở gian bên phải ghi chữ “Thừa kỳ hậu” (nghĩa: thừa hưởng đời sau). Cả hai tấm ở hai gian bên này đều có dòng lạc khoản là “Chiên Đàn xã/ Kỷ Mão xuân”.

“Long phi” là hai từ chỉ năm vua, chúa lên ngôi. Tân Mùi có thể ứng với năm 1691 là năm chúa Nguyễn Phúc Chu nắm vương vị ở Đàng Trong. Nếu suy đoán này là đúng, có thể thời gian trùng tu đình Chiên Đàn đầu tiên là năm 1691.

Những câu đối hay

Hai câu đối ở hậu tẩm gian chính thờ các vị tiền hiền, hậu hiền được cho là lưu truyền từ trước: “Hoạch dã phân dân thập nhất ấp/ Giản công báo đức ức thiên niên” (Chia ruộng, chia dân thành mười một ấp/ Chọn ghi công đức mong truyền đến vạn đời sau). Mười một ấp (của làng Chiên Đàn) ấy gồm Thị Vạn, Thị Thượng, Thị Hạ, Xương Luông, An Phú, An Hòa, Trà Cai, Đông Yên, Tây Yên, Long Phước và Gia Thọ.

Về sau, Ban quản trị đình làng Chiên Đàn dựa vào các niên hiệu Thiệu Thành (đời Hồ Hán Thương 1402) - năm mà tư liệu địa phương ghi nhận có di dân đầu tiên vào Chiên Đàn và niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) - là khoảng thời gian có thể làng Chiên Đàn được thành lập để soạn câu đối thờ như sau: “Chiên ấp Thiệu Thành, quảng thiết dư đồ lưu cựu nghiệp/ Đàn hương Hồng Đức, nam khai cương vực khởi tân cơ”. Trong câu đối ấy có tên ấp/làng Chiên Đàn, tên tỉnh Quảng Nam và hai niên hiệu được cho là ghi dấu buổi đầu dân Chiên Đàn đến định cư rồi lập xã hiệu.

Trước hàng hiên, trên hai trụ giữa còn đôi câu đối: “Thu báo xuân kỳ, lễ nhạc y quan chi sở/ Địa linh nhân kiệt, phi danh văn vật chi hương” (nghĩa: Hàng năm thành kính tế xuân, tế thu, mọi nghi thức tiến hành trang nghiêm đầy đủ/ Đất linh người giỏi, nơi đây nổi tiếng là làng giỏi giang, đạo đức, văn minh).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đình Chiên Đàn xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO