Định danh Dinh trấn Thanh Chiêm

VĨNH LỘC 25/08/2016 09:05

Hôm qua 24.8, tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”. Với gần 70 tham luận của các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành nghiên cứu, hội thảo đã hé lộ những thông tin quý giá về vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm trong tiến trình lịch sử dân tộc, đặc biệt là sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

  • Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ
Năm 2007, người dân Điện Phương dựng văn bia tại làng Thanh Chiêm để ghi dấu di tích lịch sử Dinh trấn Thanh Chiêm. Ảnh: S.T
Năm 2007, người dân Điện Phương dựng văn bia tại làng Thanh Chiêm để ghi dấu di tích lịch sử Dinh trấn Thanh Chiêm. Ảnh: S.T

Bàn đạp mở cõi

Sự ra đời của Dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) gắn với việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con trai là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ dinh Quảng Nam năm 1602 và cắt vùng đất nam Hải Vân (vốn thuộc huyện Điện Bàn xưa) nhập vào dinh Quảng Nam vào năm 1604. Những động thái này đã biến Quảng Nam từ vùng đất trù phú ngoài biên ải trở thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn, một kinh đô thứ hai ở Đàng Trong (sau thủ phủ Phú Xuân) trong các thế kỷ XVII - XVIII, và là một hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa, góp phần cùng với thủ phủ Phú Xuân giữ yên mặt bắc, phòng thủ mặt đông và mở cõi về phương Nam. Đặc biệt, trong các thế kỷ XVII - XVIII, thông qua cảng thị Hội An, Quảng Nam đã trở thành cửa ngõ trọng yếu trong chính sách kinh tế đối ngoại của các chúa Nguyễn, là đầu cầu trao đổi thương mại, văn hóa với bên ngoài, du nhập Thiên Chúa giáo từ phương Tây vào Đàng Trong.

Theo TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng), việc chúa Nguyễn Hoàng lựa chọn Cần Húc và sau đó là Thanh Chiêm với tên gọi chung là Dinh Chiêm làm lỵ sở của dinh Quảng Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà chính trị kiệt xuất. Tạo điều kiện để vùng đất này vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự vững mạnh; làm hậu phương vững chắc, giúp các chúa Nguyễn giữ yên lãnh thổ trong suốt nhiều năm. Không chỉ quán xuyến mọi hoạt động kinh tế ở vùng đất Quảng Nam, Dinh Chiêm còn là nơi điều hành mọi hoạt động của Tuần ty và quan thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, một trung tâm kinh tế chính trị mới hình thành trên vùng đất phương Nam vừa kết nối vào lãnh thổ Đại Việt dưới thời các chúa Nguyễn. “Các nhà nghiên cứu nhận định, sự ra đời và phát triển của Dinh trấn Thanh Chiêm đã nhanh chóng nâng cao tiềm lực của vùng đất Đàng Trong và là bàn đạp cho công cuộc Nam tiến thành công của các chúa Nguyễn sau này” - TS. Trần Đức Anh Sơn nhận định.

Quan điểm trên đã nhận được sự đồng tình của các nhà khoa học tham dự hội thảo. Nhà nghiên cứu Châu Yến Loan cho rằng, tiến về phía Nam để tồn tại và phát triển, đó là sinh lộ của dân tộc. Trong đó, cuộc hành trình chính thức khởi đầu từ năm 1069 dưới thời Lý Thánh Tông và kết thúc vào năm 1757 dưới thời Nguyễn Phúc Khoát. Trong hơn 700 năm đó, các triều đại phong kiến khi thì dùng vũ lực, khi dùng biện pháp hòa bình, từng bước mở rộng biên cương xuống phía Nam. Tuy nhiên, nổi  bật nhất vẫn là thời các chúa Nguyễn. Trong những đợt mở đất đó, Dinh Chiêm đã trở thành hậu phương vững chắc đóng góp lớn lao về nhân lực cũng như vật lực giúp các chúa Nguyễn hoàn thành sứ mạng lịch sử vĩ đại này. “Trong lịch sử của dân tộc, chưa có lúc nào mà lãnh thổ nước ta được mở rộng nhanh chóng bằng dưới thời các chúa Nguyễn. Chưa đầy 150 năm, một vùng đất rộng lớn kéo dài từ đèo Cù Mông đến tận mũi Cà Mau đã được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt” - nhà nghiên cứu Châu Yến Loan nhìn nhận.

Xây dựng bảo tàng chữ Quốc ngữ

Tại hội thảo, đa số tham luận khẳng định, cùng với Hội An, Thanh Chiêm là nơi đầu tiên ở Đàng Trong tiếp nhận các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo, tạo điều kiện cho họ tìm hiểu, sống chung và hội nhập với vùng đất và con người Đàng Trong. Đây chính là tiền đề và cội nguồn sâu xa cho việc ra đời chữ Quốc ngữ  vào đầu thế kỷ XVII. Nhiều tham luận chứng minh, chính nhu cầu truyền giáo và giảng đạo bằng tiếng bản xứ là tiền đề thúc đẩy sự ra đời của chữ Quốc ngữ, vì vậy các giáo sĩ Thiên Chúa giáo phương Tây, nhất là các giáo sĩ dòng Tên là những người có công khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Và Thanh Chiêm là nơi mà các giáo sĩ bắt đầu công việc sáng tạo chữ Quốc ngữ của mình. Tuy nhiên, dù khẳng định vai trò tiên phong của giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha - Francisco de Pina trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ và giáo sĩ người Pháp - Alexandre de Rhodes có công hoàn thiện chữ Quốc ngữ (thông qua việc tu chỉnh, biên soạn và xuất bản hai cuốn sách quan trọng là Từ điển Việt - Bồ - Latinh và Phép giảng tám ngày vào năm 1651), phần lớn ý kiến tại hội thảo đều không cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes là “cha đẻ” của chữ Quốc ngữ như những quan điểm trước đây.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc ra đời chữ Quốc ngữ là tất yếu vì các nhà truyền giáo phương Tây hay kể cả các nhà buôn khi đến vùng đất mới không thể ghi ký âm bằng chữ Hán, chữ Nôm được. Nên ban đầu bắt buộc phải ứng dụng ghi âm chữ bản địa bằng chữ Latinh, tuy vậy đó cũng chỉ mới là công cụ truyền giáo ban đầu chứ chưa phải là chữ Quốc ngữ hoàn chỉnh. Sau này người Việt thấy tiện lợi, kể cả tâm lý người Việt cũng muốn rời dần văn hóa phương Bắc (chữ Hán) theo chính sách tự chủ văn hóa, và chính môi trường đó đã thúc đẩy, làm cho chữ Quốc ngữ hoàn thiện dần để đúng nghĩa là chữ Quốc ngữ như bây giờ. “Việc giáo sĩ Francisco de Pina hay Alexandre de Rhodes “sáng chế” ra chữ Quốc ngữ trước hay sau không quan trọng, vì mỗi người đều có đóng góp một phần nhất định. Đặc biệt, lịch sử không thể đóng đinh mà phải có sự thay đổi theo thời đại, nhưng nhận thức đó là cả một quá trình, nên chúng ta có thể khẳng định chữ Quốc ngữ nói cho cùng là sản phẩm của nhân dân Việt Nam” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét.

Linh mục An tôn Nguyễn Trường Thăng - nguyên Quản xứ Trà Kiệu cho rằng, sự ra đời của chữ Quốc ngữ có liên quan đến người Nhật Bản. Trong đó, việc Nhật Bản cấm đạo năm 1613 đã trở thành cơ hội cho giáo hội xứ Đàng Trong hình thành và phát triển. “Qua việc cấm đạo tại Nhật Bản, một làn sóng Nhật kiều Công giáo nhờ thương vụ Châu ấn thuyền đến Cửa Hàn và Hội An ngày càng đông. Nhiều người quyết tâm ở lại và cưới vợ bản địa, sinh con đẻ cái. Do không nhận được ân sủng trong đạo vì không có linh mục biết tiếng Nhật nên những người này tha thiết xin các giáo sĩ, trước làm việc ở Nhật  nay đang tập trung tại Ma Cao, để giúp họ về mặt thiêng liêng” - linh mục An tôn Nguyễn Trường Thăng dẫn chứng. Ông cũng cho rằng, đến nay chữ Quốc ngữ đã đi qua nhiều địa danh sau này như Kẻ Chợ (Hà Nội), Tân Sài (Sài Gòn), đi qua 2 cuộc phân ly đất nước thời Trịnh - Nguyễn hay Nam Bắc vừa qua. Qua các xung đột, bất hòa,… chẳng những không bị loại bỏ mà tất cả người Việt cùng chung sức chung lòng hoàn chỉnh, nâng cao. Chữ Quốc ngữ hôm nay là mối dây đoàn kết giữ gìn bản sắc dân tộc Việt trên khắp thế giới và ngày càng được bạn bè năm châu tìm học. “Vậy tại sao không xây dựng một bảo tàng tôn vinh chữ Quốc ngữ hay là ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ tại Việt Nam và trên toàn thế giới nơi có người Việt sinh sống? Việc này các quốc gia dùng ngôn ngữ slave đã làm” - linh mục An tôn Nguyễn Trường Thăng đề xuất.

Theo GS-TS. Trương Quốc Bình (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), vai trò, vị trí của Dinh trấn Thanh Chiêm là điều không bàn cãi, dù đến nay những di tích kiến trúc về khu dinh trấn hay những chứng tích vật chất của trung tâm hành chính lỵ sở Quảng Nam chỉ còn dưới dạng phế tích và cần phải tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể. Với những vai trò và ý nghĩa đặc biệt, những địa điểm di tích này vẫn được coi là biểu tượng văn hóa trong quá trình mở mang bờ cõi của quốc gia dân tộc, vẫn là những dấu ấn quan yếu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. “Bộ VH-TT&DL cần sớm xem xét đưa khu di tích này vào danh sách di tích quốc gia, nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị. Và đây cũng là trách nhiệm chung của nhân dân cả nước, đặc biệt là những con em của xứ Quảng ở khắp mọi miền Tổ quốc và mọi nơi trên thế giới” - GS-TS. Trương Quốc Bình nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định danh Dinh trấn Thanh Chiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO