Quảng Nam là tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng và triển khai dán “con dấu xác thực” trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Động thái này là cách để bảo vệ những sản phẩm “made in Quảng Nam” trước sự xáo trộn của thị trường.
Thiếu sản phẩm định danh
Thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến than phiền của du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, du lịch tại Hội An, Mỹ Sơn... vì mua nhầm sản phẩm lưu niệm có xuất xứ không phải Quảng Nam. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (một du khách quê ở Bình Thuận đến tham quan Hội An) chia sẻ: “Khi đến du lịch vùng đất nào, chúng tôi đều mong muốn mua những sản phẩm được làm tại chính vùng đất đó để làm quà tặng, lưu niệm. Tuy nhiên, thực tế đồ lưu niệm ở các điểm du lịch hiện nay đa số na ná nhau, mua ở Hội An cũng giống ở Huế, Đà Nẵng... Điều này làm du khách mất hứng thú và du lịch địa phương mất đi một nguồn thu đáng kể”. Trong khi đó, những người bán hàng và các nghệ nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên... cũng không khỏi than phiền về tình trạng sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, phong phú nhưng giá cả lại rất thấp. “Với mẫu mã và giá cả cạnh tranh của hàng lưu niệm Trung Quốc như thế thì dẫu chúng tôi có muốn định danh sản phẩm sản xuất tại những vùng du lịch nổi tiếng cũng khó” - nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp (huyện Điện Bàn) nói. Bên cạnh đó, ngoài sản phẩm đèn lồng với thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền cấp quốc gia thì những sản phẩm khác gần như được thả nổi, chưa được quan tâm đúng mức.
Con dấu xác thực chính thức đi vào thị trường sẽ góp phần phát triển du lịch, công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam. Ảnh: C.T.A |
Thấy được điều đó, trong năm 2013, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Sở VH-TT&DL đã đến khảo sát tại Siem Reap (Campuchia) và thu được những kinh nghiệm quý báu để chuẩn bị xây dựng và cho ra đời con dấu xác thực đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm lưu niệm của tỉnh. Bà Trương Thị Yến Nhi (Phòng Dịch vụ lữ hành, Sở VH-TT&DL) cho biết, theo đoàn khảo sát thì cả khách du lịch ở Quảng Nam lẫn Siem Reap đều thích quà lưu niệm được sản xuất tại địa phương nhưng họ không xác định được nguồn gốc của những món quà lưu niệm. Hầu hết món quà lưu niệm được bán ở Siem Reap là những sản phẩm nhập khẩu. Các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ tại địa phương đã đề cập cuộc cạnh tranh với các mặt hàng lưu niệm nhập khẩu, xem như là trở ngại lớn đối với phát triển kinh doanh của họ và ủng hộ ý tưởng giới thiệu một “con dấu thể hiện tính chân thực”.
Củng cố vị thế
Quyết định số 1619 của UBND tỉnh đã nêu rõ mục đích, tiêu chí quản lý khai thác có hiệu quả con dấu xác thực, giúp so sánh và phân biệt sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc Quảng Nam với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác không có nguồn gốc tại Quảng Nam. Đối với tiêu chí về lao động, phải có ít nhất 50% chi phí lao động bằng thủ công; tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh tổ chức sản xuất tại Quảng Nam và có ít nhất 50% lao động là công dân Quảng Nam. Về nguyên liệu, có ít nhất 50% chi phí cho mua nguyên liệu sản xuất được thanh toán cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất tại Quảng Nam (ngoại trừ một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc thù sử dụng nguyên liệu đầu vào không sản xuất tại Quảng Nam như: nhôm, đồng, sắt, sợi, nhựa...). Nguyên liệu được phép lưu hành trên thị trường hoặc có nguồn gốc xuất xứ, có nguồn gốc từ nông sản, sản xuất tại Quảng Nam được ưu tiên trong quá trình xét chọn. Ngoài ra, về văn hóa, tập quán thì các sản phẩm không được gây ảnh hưởng đến tôn giáo, văn hóa, đạo đức và chính trị. Sản phẩm thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của Quảng Nam được ưu tiên trong quá trình xét chọn. |
Xuất phát từ nhu cầu thực tế cùng với kinh nghiệm học tập từ các mô hình trên thế giới, đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh chính thức ra quyết định ban hành “Con dấu xác thực” đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tiêu chí xét chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sử dụng con dấu xác thực. Theo ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), con dấu xác thực sẽ giúp thủ công mỹ nghệ củng cố vị thế của mình trên thị trường và có một lợi thế nhất định, giúp các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ địa phương vượt qua các nhà sản xuất nước ngoài. Con dấu dẫn đến việc sử dụng tốt hơn đối với các sản phẩm lưu niệm được sản xuất tại địa phương ở thị trường quà lưu niệm Quảng Nam, góp phần tăng thị phần và doanh số bán hàng của các sản phẩm lưu niệm được sản xuất tại địa phương, tạo việc làm trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề trong tỉnh.
Theo đó, con dấu xác thực là con dấu chứng minh nguồn gốc sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Quảng Nam, được sở hữu và quản lý bởi Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh, dưới sự giám sát của Sở Công Thương. Đặc trưng của con dấu xác thực là khi bị tháo ra thì không được dùng lại, con dấu sẽ bị tách rời. Để được xác thực sản phẩm, người nộp đơn phải kê khai trung thực, tuân thủ đúng các yêu cầu đã ghi trong đơn và các yêu cầu của cơ quan quản lý con dấu về đạo đức và môi trường; có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân tham gia phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh. “Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sử dụng con dấu xác thực phải đáp ứng các tiêu chí về lao động, nguyên liệu, văn hóa tập quán... Trong đó, các sản phẩm đoạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh hoặc khu vực được ưu tiên trong quá trình xét chọn” - ông Nguyễn Văn Bình (Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương) cho biết thêm.
CHIÊU THỤC ANH