Định hình bản sắc đô thị Điện Bàn

GIA KHANG 03/06/2017 10:19

Nằm giữa hai thành phố cũ - mới là Hội An và Đà Nẵng, thị xã Điện Bàn đang xây dựng cho mình một bản sắc riêng trong phát triển đô thị dựa trên những điều kiện và lợi thế về vị trí, hạ tầng cùng những tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

Dòng sông Vĩnh Điện sẽ là điểm nhấn trong xây dựng bản sắc đô thị Điện Bàn. Ảnh: VĨNH LỘC
Dòng sông Vĩnh Điện sẽ là điểm nhấn trong xây dựng bản sắc đô thị Điện Bàn. Ảnh: VĨNH LỘC

Đô thị xanh

Phát triển đô thị xanh tuy không phải là một mô hình mới mẻ nhưng đang là xu hướng chung của nhiều địa phương hiện nay. Song mô hình đô thị xanh Điện Bàn mang bản sắc đặc trưng.

Xanh từ nông nghiệp

Không phải đến khi được công nhận thị xã (3.2015) Điện Bàn mới xây dựng hướng đi cho riêng mình trong phát triển đô thị. Ngay từ đầu, việc phân vùng phát triển kinh tế với 3 trụ cột thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp đã được quy hoạch theo hướng của một đô thị. Tính đến năm 2017, cơ cấu kinh tế Điện Bàn chuyển dịch theo tỷ lệ: công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 70%; dịch vụ, thương mại khoảng 23% và nông nghiệp 7%. Tuy vậy, cơ cấu này đang có xu hướng thay đổi theo hướng khu biệt công nghiệp, không mở rộng thêm. Riêng với thương mại dịch vụ, thị xã đang tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng ven biển và du lịch sinh thái. Đặc biệt, mảng du lịch sinh thái vốn được xem là thế mạnh của Điện Bàn với nhiều địa danh đủ sức hấp dẫn du khách như Triêm Tây, Gò Nổi… Trong đó, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sạch và du lịch cộng đồng đang là một trong những hướng đi của Điện Bàn vì không phá vỡ cảnh quan cũng như phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho rằng, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch là hướng đi phù hợp nhằm không chỉ nâng cao chuỗi giá trị từ nông nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch. Theo ông Chơi, Điện Bàn cũng đã xây dựng đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Cụ thể, từ đây đến năm 2020 sẽ quy hoạch ngành nông nghiệp thành 2 vùng là nông nghiệp ngoại thị và nông nghiệp nội thị. Ngoài vùng nông nghiệp ngoại thị gồm 8 xã (Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Hòa, Điện Tiến) tập trung vào những loại cây lợi thế có chất lượng cao và an toàn thực phẩm, thì vùng nông nghiệp nội thị với các phường Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện An và Vĩnh Điện (cùng 5 xã Điện Phương, Điện Minh, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam sẽ lên phường năm 2020) được tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; tập trung sản xuất rau, củ quả, hoa cây cảnh; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất các mô hình rau an toàn, rau hữu cơ, hoa trong nhà lưới... Đồng thời từng bước giảm dần đàn gia súc, gia cầm ở vùng nội thị, phát triển mới các mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao nhưng ít ảnh hưởng đến môi trường như chim cảnh, bồ câu, thỏ, dế... nhằm phục vụ cho đô thị và phát triển du lịch. “Sẽ xây dựng vùng nông nghiệp xanh sạch theo định hướng của một đô thị xanh, ở đó có những thảm xanh về nông nghiệp, trồng những cây có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu của một đô thị, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ nông nghiệp chỉ còn khoảng 2% nhưng giá trị kinh tế phải được nâng cao hơn, nhất là theo hướng xanh sạch” - ông Chơi nói.

Điểm nhấn sông Vĩnh Điện

Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ngay từ đầu địa phương đã chọn hướng phát triển theo mô hình đô thị xanh, trong đó chú trọng kết hợp giữa công nghiệp, dịch vụ và các yếu tố nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, việc quy hoạch luôn đảm bảo mối quan hệ hài hòa về môi trường sinh thái, nhất là tập trung vào điểm nhấn sông Vĩnh Điện. “Phát triển đô thị xanh sẽ có nhiều vấn đề, đơn cử như phát triển du lịch Điện Bàn cũng sẽ làm theo cách hoàn toàn khác. Cụ thể, việc quy hoạch, đầu tư tuyến du lịch ven biển phải có sự cộng hưởng, chia sẻ quyền lợi với cộng đồng chứ không phải đẩy hết dân đi. Ngược lại, dân sẽ được bố trí xen cư với các dự án du lịch. Thứ hai, về công nghiệp, tỉnh cũng đã khu trú ở mức độ hiện tại, nếu có tiếp tục chỉ tiếp nhận những dự án công nghiệp không gây ô nhiễm, công nghiệp phụ trợ. Trong phát triển nông nghiệp đã đến lúc tạo ra giá trị thặng dư lớn, không gây ô nhiễm và phải định hướng theo kiểu nông nghiệp hỗ trợ phát triển đô thị như cung cấp rau, hoa, quả…” - ông Úc phân tích.

Một điểm nhấn trong định hướng phát triển đô thị xanh Điện Bàn chính là quy hoạch không gian và thu hút các dự án đầu tư thân thiện môi trường. Theo ông Trần Úc, bên cạnh bảo tồn phát triển các làng nghề, hiện Tổ chức phát triển Hàn Quốc (KOICA) cũng đã chọn Điện Bàn để hỗ trợ triển khai dự án phát triển cây tre theo định hướng phát triển đô thị xanh. Đặc biệt, sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam tháng 3 vừa qua, Sun Group đã bắt đầu xúc tiến các thủ tục đầu tư trên một diện tích khoảng 1.000ha trải dài từ Hòa Quý (Đà Nẵng) qua Điện Ngọc bám theo sông Vĩnh Điện vào tới phường Vĩnh Điện để hình thành khu đô thị sinh thái và thương mại dịch vụ, lấy sông Vĩnh Điện làm điểm nhấn. Dù mới chỉ là cam kết đầu tư ban đầu và phải cần một thời gian rất dài để hoàn thành nhiều thủ tục cần thiết, nhưng việc một dự án tầm cỡ được cam kết hứa hẹn mở ra những cơ hội nhằm hoàn thiện không gian đô thị cho Điện Bàn. “Dù theo hướng phát triển đô thị dịch vụ nhưng dự án này không phải là san lấp hay giải tỏa trắng dọc sông Vĩnh Điện mà vẫn giữ nguyên màu xanh của sông Vĩnh Điện làm điểm nhấn. Quan điểm của Sun Group cũng như Điện Bàn là phát triển vẫn giữ lại màu xanh của ruộng lúa, cánh đồng, khu vực nào định hình các khu dân cư tập trung được thì phát triển thành cái lõm chứ không phải san lấp hết” - ông Úc khẳng định.

Xác định hướng đi của Điện Bàn với bản sắc riêng là đô thị xanh sinh thái cũng đồng nghĩa với việc quy hoạch không gian đô thị theo hướng thân thiện môi trường. Đó không chỉ là hoàn thiện hạ tầng, hình thành các khu dân cư tập trung mà chính là quy hoạch có chọn lọc gắn với cảnh quan sinh thái tự nhiên (ao hồ, sông, suối, ruộng đồng…) xen kẽ theo những tỷ lệ phù hợp để Điện Bàn thực sự là một đô thị phát triển hài hòa và bền vững. Đây cũng là mục tiêu mà Điện Bàn đã và đang hướng tới.

GIA KHANG

Đột phá về hạ tầng

Phát triển hạ tầng, nâng cấp, mở mới các tuyến giao thông nội thị cùng các khu dân cư đang là mục tiêu quan trọng của đô thị Điện Bàn hiện nay và những năm tới.

Kết nối hạ tầng

Với 7 phường hiện tại và 12 phường trong tương lai, Điện Bàn đang dần định hình không gian đô thị hoàn chỉnh thông qua các tuyến đường nội thị và vành đai. Ông Đặng Hiệp Lực - Trưởng phòng Quản lý đô thị Điện Bàn cho biết, hiện Điện Bàn có khoảng 20 tuyến đường gồm 13 tuyến huyện lộ (ĐH) và 6 tuyến tỉnh lộ (ĐT) như ĐT 603, ĐT 607, ĐT 608, ĐT 609… cùng nhiều tuyến liên thôn liên xã, nên về mặt quy hoạch mạng lưới đường sá Điện Bàn cơ bản ổn định, chỉ cần chỉnh trang, nâng cấp mở rộng những tuyến đường đang có thì có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông. “Xét về năng lực vận tải thì các tuyến đường của Điện Bàn cơ bản ổn định. Hiện, Điện Bàn không chỉ có quốc lộ, có đường sắt Bắc - Nam và đường cao tốc chạy qua mà về tỉnh lộ địa phương cũng có nhiều tuyến như ĐT 605, ĐT 609, ĐT 608, ĐT 607, ĐT 603, ĐT 603B, 610 B… Trong đó, một số tuyến như ĐT 603, ĐT 603 B, ĐT 605, ĐT 607… kết nối trực tiếp với với Đà Nẵng, qua đó giúp thúc đẩy sự phát triển với đô thị này” - ông Lực nói.

Điện Bàn đang xúc tiến hoàn thiện hạ tầng, giao thông nhằm hoàn thiện bộ mặt đô thị. Ảnh: VĨNH LỘC
Điện Bàn đang xúc tiến hoàn thiện hạ tầng, giao thông nhằm hoàn thiện bộ mặt đô thị. Ảnh: VĨNH LỘC

Để định hình không gian đô thị, việc mở rộng, hoàn thiện hạ tầng giao thông đang được thị xã và tỉnh triển khai mạnh mẽ. Nổi bật là việc nâng cấp đường trung tâm hành chính từ Điện An đến cầu Vĩnh Điện (lòng đường rộng 29m có dải phân cách ở giữa, kinh phí 114 tỷ đồng) dự kiến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng; và tuyến đường ĐH 6 nối từ ĐT 609 vào các xã ngập lụt. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hữu Trung - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Điện Bàn, dự án quan trọng nhất chính là tuyến đường kết nối trục ĐH14 kéo dài từ trung tâm thị xã lên Điện Minh qua sông Vĩnh Điện kết nối với đường ĐT 609 tại đoạn dưới tháp Bằng An (Điện An), chiều dài gần 2km. Tuyến đường này hoàn thành sẽ giúp chia sẻ áp lực giao thông cầu Vĩnh Điện, nhất là tạo thành vòng đai ôm lấy nội thị Điện Bàn. “Từ năm 2016, Điện Bàn đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chính, trong đó có việc nâng cấp hai tuyến đường trọng điểm của thị xã là đường trung tâm hành chính từ Điện An đến cầu Vĩnh Điện và ĐH6. Riêng dự án kết nối trục ĐH 14 kéo dài từ trung tâm thị xã, trước đây được tỉnh phê duyệt tổng kinh phí dự toán khoảng 205 tỷ đồng, trong đó tỉnh sẽ đầu tư 94 tỷ, số tiền còn lại do UBND thị xã Điện Bàn đối ứng, nhưng do những hạn chế về nguồn lực nên Điện Bàn đã đề xuất chia dự án thành hai gói gồm dự án xây dựng cầu bắt sang sông Vĩnh Điện cùng đường dẫn, tổng mức khoảng 146 tỷ, trong đó UBDN tỉnh sẽ đầu tư 94 tỷ. Hệ thống đường còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức công tư, khai thác để đầu tư. Về lâu dài tuyến đường này sẽ kết nối ĐH6 và ĐH1 qua nhà mẹ Thứ nhập với QL 1A tạo thành một vòng cung ôm trọn vùng nội thị Điện Bàn” - ông Trung cho biết.

Hoàn thiện đô thị

Với mục tiêu xây dựng đô thị xanh, từ nay đến năm 2030,  Điện Bàn sẽ được quy hoạch thành 4 phân khu đô thị chính: khu đô thị mới phía đông (Điện Ngọc – Điện Dương), diện tích 2.700ha; dự án Sun Group với trục chính là sông Vĩnh Điện (diện tích khoảng 1.000ha); đô thị Điện Thắng gồm Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung (khoảng 600ha), lấy Điện Thắng Trung làm trung tâm; và cụm đô thị Phương - An gồm Điện Phương, Điện Minh, Vĩnh Điện, Điện An (khoảng 900ha), lấy Vĩnh Điện làm trung tâm. Trong đó, xác định vệt đô thị ven quốc lộ 1 từ giáp Đà Nẵng đến Duy Xuyên là đô thị động lực. Theo ông Đặng Hiệp Lực - Trưởng phòng Quản lý đô thị Điện Bàn, hiện tại 2 đô thị là Phương - An và Điện Thắng đã được quy hoạch tỷ lệ 1/2000 trình UBND tỉnh. Riêng các xã Điện Phương, Điện Minh, Điện Thắng đang triển khai quy hoạch mạng lưới đô thị hoàn chỉnh, tìm kiếm nhà đầu tư để đến năm 2020 đủ cơ sở lên phường.

Đặc biệt, một dự án phát triển hạ tầng đô thị Điện Bàn với tổng mức đầu tư 10,6 triệu đô la từ nguồn vốn ODA (50% chính phủ bảo lãnh và 50% đưa về UBND tỉnh vay và phải trả nợ) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất, chỉ còn chờ cam kết trả nợ của Bộ Tài chính. Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, dự án này chủ yếu tập trung xây dựng tuyến đường nối từ đồi Bồ Bồ (Điện Tiến) vượt qua sông Bàu Sấu (Điện Hòa) nhập lại ĐH 5 (Đường khu công nghiệp Trảng Nhật lên Điện Hòa) qua Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn vòng xuống đô thị mới, dọc theo sông Cổ Cò. Tại đây sẽ có một nhánh đâm ra biển và một nhánh ngược lên ĐH 8 tiếp giáp đường cao tốc, mục đích kết nối đông tây thị xã, hướng đến năm 2025 hoàn chỉnh cơ bản về mặt quy hoạch của một đô thị loại 4. “Điện Bàn đang tập trung phát triển hạ tầng theo trục đông – tây song song với hoàn chỉnh quy hoạch các khu dân cư đô thị tại một số phường hiện nay và tương lai… Ngoài Vĩnh Điện đã cơ bản ổn định, các xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam hiện đã quy hoạch khu dân cư với diện tích mỗi khu khoảng 10ha, tất nhiên với mô hình của một đô thị xanh sinh thái thì phát triển các khu dân cư mới cũng sẽ tiến hành theo kiểu xen kẽ chứ không giải tỏa trắng. Đây cũng là một tiêu chí về đô thị khi các xã này lên phường vào năm 2020” - ông Úc nói.

KHÁNH LINH

Đô thị du lịch ven biển Điện Dương

Với lợi thế về biển, cùng hàng loạt dự án du lịch đã và đang được triển khai xây dựng, Điện Dương (Điện Bàn) được đánh giá là có nhiều cơ hội để phát triển thành một đô thị du lịch ven biển của tỉnh.
Theo thống kê, trên địa bàn phường Điện Dương có hơn 40 dự án đã, đang và sắp được triển khai. Bên cạnh một số dự án phục vụ sản xuất, cộng đồng như đê ngăn mặn Hà My, khu làng chài, cải tạo bãi tắm Hà My, khu phố chợ… thì nhiều dự án du lịch lớn đang gấp rút thi công như: dự án trú đông (Công ty CP Mỹ Việt) với diện tích 7ha, dự án Sài Thành (Công ty TNHH phát triển đô thị Bắc Hội An) với diện tích 32ha hay Sun Phú Hải, Vinacapital, Nam Hải (mở rộng)… Những dự án này khi hoàn thành sẽ tạo ra một diện mạo mới, giúp Điện Dương “lột xác” trở thành điểm đến quyến rũ. Không chỉ vậy, nhiều hạng mục, công trình cũng được đầu tư xây dựng như bãi tắm Hà My, bãi tắm Thống Nhất, hướng đến phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tắm biển của nhân dân cũng như mở ra triển vọng khai thác phát triển du lịch.

Điện Dương sẽ xây dựng đô thị du lịch với các sản phẩm thể thao biển. Ảnh: VĨNH LỘC
Điện Dương sẽ xây dựng đô thị du lịch với các sản phẩm thể thao biển. Ảnh: VĨNH LỘC

Ông Đinh Hùng Liên - Chủ tịch UBND phường Điện Dương - cho biết, với lợi thế của địa phương cũng như những tác động bởi khu công nghiệp, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các dự án du lịch ven biển đang được đầu tư sẽ là tiền đề, động lực để Điện Dương phát triển mạnh mẽ, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 ngành dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm 65% - 70%, hướng đến xây dựng Điện Dương trở thành một đô thị du lịch đúng nghĩa. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi Điện Dương chính là địa phương có nhiều dự án đầu tư du lịch nhất Điện Bàn. Ngoài những công trình lớn đã được đưa vào khai thác như The Nam Hải, Le Belhamy thì vẫn còn hàng chục dự án đang trong quá trình triển khai, tập trung chủ yếu dọc ven biển và ven sông Cổ Cò.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, 7 phường hiện tại đều được quy hoạch định hướng phát triển phù hợp dựa trên những lợi thế vốn có của từng nơi. Riêng Điện Dương với lợi thế về biển cùng hạ tầng dịch vụ sẽ đóng vai trò như là điểm đến du lịch và lan tỏa đến các vùng còn lại của Điện Bàn. “Song song với việc phát triển du lịch biển tại Điện Dương, thị xã cũng đang tích cực nâng cấp hệ thống dịch vụ, kêu gọi đầu tư, nhất là các sản phẩm du lịch thể thao biển. Hiện tại, đã có doanh nghiệp đến từ Hà Nội muốn đầu tư một dự án về thể thao biển ở Điện Dương gồm cắm trại, chèo thuyền kayak… và đang được chính quyền thị xã nghiên cứu. Đây là dấu hiệu tích cực để tạo ra điểm đến lạ, hấp dẫn trong mắt du khách” - Ông Nguyễn Xuân Hà chia sẻ.

Một tín hiệu khả quan với Điện Dương cũng như Điện Bàn, chính là mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua danh mục dự án nạo vét sông Cổ Cò với tổng kinh phí 850 tỷ đồng. Dự án được triển khai sẽ giúp vùng đất này mơ về khung cảnh dập dìu trên bến dưới thuyền, đưa đón khách từ Đà Nẵng và Hội An bằng đường sông. Qua đó, góp phần thúc đẩy du lịch Điện Bàn phát triển phấn đấu đến năm 2020 thu hút khoảng 70 nghìn khách tham quan, lưu trú, tổng doanh thu từ du lịch đạt 750 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn còn không ít trăn trở. Nói như lời ông  Đinh Hùng Liên - Chủ tịch UBND phường Điện Dương: “Để xây dựng thành công đô thị du lịch Điện Dương, ngoài các dự án được triển khai đồng bộ thì lo nhất vẫn là hạ tầng giao thông, mà không có hạ tầng khi khó thể nói phát triển đô thị được”.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định hình bản sắc đô thị Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO