(VHQN) - Quảng Nam nhìn nhận ngành công nghiệp văn hóa sẽ trở thành mũi nhọn trong tương lai, bằng cơ chế rộng mở và vốn liếng văn hóa vùng đất.
Cơ chế mở
GS-TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, Quảng Nam là một trong những địa phương có khối lượng di sản văn hóa phong phú, đa dạng và tiêu biểu bậc nhất. Quảng Nam sở hữu 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ. Các vùng biển đảo, vùng núi cũng giàu tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo.
Ông Trương Quốc Bình nói, từ những ngọn núi cao cho đến đồng bằng châu thổ, dọc những con sông lớn hay đường bờ biển kéo dài qua các ngôi làng... chính là những tham chiếu về mặt tiềm năng khi khai thác công nghiệp văn hóa giữa vùng đất Trung Bộ với các khu vực khác.
Điểm G... ở di sản
Tại hai di sản Mỹ Sơn và Hội An hầu như các sản phẩm văn hóa lâu nay đều được xây dựng từ ngân sách Nhà nước. “Tận thu di sản” là cụm từ thường được dùng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra với vùng lõi di sản như Hội An.
Theo khảo sát từ một số doanh nghiệp, đối với các khu vực di sản văn hóa thế giới, việc phát triển công nghiệp văn hóa cần phải có những giới hạn nhất định. Đây là điều khả dĩ để giữ “cốt cách” danh hiệu di sản. Tuy nhiên, cũng chính vì những “điểm G” như vậy nên việc xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư gặp phải những rào cản từ mặt cơ chế, quy định cho đến tập tục địa phương.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các thiết chế văn hóa nghệ thuật được Nhà nước xây dựng để quản lý văn hóa có thể tác động đến hướng đi cũng như khả năng phát triển của công nghiệp văn hóa, thị trường công nghiệp văn hóa, nhưng không thể tạo nên ngành công nghiệp văn hóa nếu không có doanh nghiệp. Hẳn điều này cần sự tháo gỡ minh bạch từ phía quy hoạch, hoạch định đường hướng phát triển từ chính quyền địa phương.
Về mặt cơ chế, mới đây nhất, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư (khóa XXII) đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, xác định phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 dựa trên tiềm năng, lợi thế và nền tảng giá trị di sản văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Quảng Nam kết hợp với ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, đây chính là điều kiện mở để ngành văn hóa kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát huy giá trị văn hóa xứ Quảng.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, thời gian tới Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Quảng Nam nói riêng ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật truyền thống và hiện đại; tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật của tỉnh biểu diễn ở nước ngoài và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài đến giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Nam; phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
Lựa chọn lĩnh vực thế mạnh
Với khái niệm “công nghiệp văn hóa” do UNESCO định nghĩa, các nhóm lĩnh vực thế mạnh của địa phương bao gồm di sản văn hóa và thiên nhiên, nghệ thuật sân khấu và lễ hội, nghệ thuật thị giác và nghề thủ công, sách và báo chí, nghe nhìn và truyền thông tương tác đa phương tiện, thiết kế và các dịch vụ sáng tạo sẽ tạo nên sự bứt phá ở khu vực kinh tế này. Hai lĩnh vực này cũng nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Vì vậy, việc lựa chọn mũi nhọn để tập trung nguồn lực đầu tư là đương nhiên.
Cụ thể, Nghị quyết 11 yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng tập trung xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm, chất lượng cao gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn. Hoàn thành đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.
Kết nối, phát huy giá trị các di tích quốc gia liên quan đến căn cứ Khu ủy V (Nước Oa - Phước Trà - Nước Là). Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác trưng bày, hướng Bảo tàng tỉnh trở thành điểm thu hút khách tham quan, nghiên cứu. Lập dự án xây dựng bảo tàng trưng bày hình ảnh, hiện vật Mẹ Việt Nam anh hùng tại khuôn viên Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại. Tiếp tục tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
Hỗ trợ quảng bá và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa. Định kỳ tổ chức Festival Di sản Quảng Nam; tiếp tục tổ chức các sự kiện: Lễ hội văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Quảng Nam, Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Quảng Nam; Ngày hội giao lưu văn hóa Việt - Lào; Cuộc thi Hợp xướng quốc tế, Liên hoan ẩm thực quốc tế...
Và chờ đợi
Văn hóa được nhìn nhận như một ngành công nghiệp đồng nghĩa với việc các sản phẩm văn hóa phải thực sự hướng tới thị trường và người tiêu dùng văn hóa, từ sản phẩm cao cấp đến sản phẩm bình dân. Du lịch văn hóa của Quảng Nam được đánh giá khá tốt trước khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nghệ thuật biểu diễn cùng các không gian sáng tạo được vận hành tại Hội An cũng đang cho thấy sức ảnh hưởng của lĩnh vực này trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Các không gian nghệ thuật được mở rộng từ nhiều phía, sản phẩm thủ công truyền thống được nhận diện và đầu tư về mặt thương hiệu. Doanh nghiệp vận hành ở các lĩnh vực sáng tạo bắt đầu được tạo điều kiện để tiếp cận các ưu đãi từ địa phương. Mới đây, việc tham gia hệ thống “thành phố sáng tạo thế giới” của Hội An càng tạo ra nhiều cơ hội hơn để những lĩnh vực thế mạnh như nghề thủ công và lễ hội sẽ trở thành “mỏ vàng”.
Bức tranh về những bước chân đầu tiên dạm ngõ cuộc phát triển công nghiệp văn hóa ở xứ Quảng, đã bắt đầu...