Định hình dịch vụ hậu cần trên biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 06/08/2013 07:50

Dịch vụ hậu cần trên biển không chỉ giúp ngư dân tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí và hao hụt sản phẩm hải sản khai thác, mà còn giúp cơ sở thu mua chủ động được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến.

Đội tàu mẹ - tàu con của gia đình ngư dân Huỳnh Văn Tạo.Ảnh: Q.VIỆT
Đội tàu mẹ - tàu con của gia đình ngư dân Huỳnh Văn Tạo.Ảnh: Q.VIỆT

Định hình dịch vụ

Trên địa bàn Quảng Nam đã hình thành dịch vụ hậu cần trên biển với sự khởi động của gia đình ông Phạm Hoài Nhơn (An Hải Đông, Tam Quang, Núi Thành). Gia đình ông Nhơn có 2 tàu công suất lớn được UBND tỉnh cấp chứng nhận hoạt động trên các vùng biển xa, gồm tàu QNa 91178 (220CV) và QNa 91537 (120CV). Với mỗi chuyến biển từ 2 đến 5 ngày, 2 chiếc tàu của gia đình ông Nhơn có thể thu mua được khoảng 20 tấn hải sản của ngư dân đánh bắt cách đất liền hàng trăm hải lý. Không chỉ đơn lẻ dịch vụ thu mua hải sản, tàu ông Nhơn còn cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cần thiết sinh hoạt trên biển như lương thực, thực phẩm, nước ngọt… cho các tàu đánh bắt xa bờ. Với mỗi chuyến biển như vậy, sau khi khấu hao chi phí, gia đình ông thu được hàng chục triệu đồng. “Nhu cầu sản xuất trên biển của ngư dân Quảng Nam rất lớn. Tham gia dịch vụ hậu cần trên biển, chúng tôi thu lợi từ việc giảm chi phí sản xuất của ngư dân. Nếu như phải vận chuyển với khoảng cách hàng trăm hải lý vào đất liền để bán sản phẩm rồi mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm trở ra, ngư dân hao tốn vài chục triệu đồng. Trong khi đó, bán sản phẩm ngay trên biển và được tiếp ứng nhiên liệu tại chỗ, ngư dân sẽ giảm được 50% chi phí. Hoạt động của chúng tôi thu lợi một nửa trong 50% chi phí tiết kiệm đó. Như vậy, cả hai cùng có lợi” - ông Nhơn nói. Ông Nhơn cũng cho biết, nhờ mua trực tiếp hải sản ngay khi vừa đánh bắt nên giảm được mức hao hụt sản phẩm, đồng thời chủ động được số lượng và chất lượng sản phẩm thu mua.

Thời gian qua, dịch vụ hậu cần trên biển của Quảng Nam còn được định hình bởi mô hình tàu mẹ - tàu con. Các đội tàu này sau khi tương hỗ nhau sản xuất trên biển, có 1 tàu được phân công vận chuyển hải sản đánh bắt về bờ bán, sau đó mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm ra khơi, phục vụ chung cho lao động trên biển của cả đội tàu. Hoạt động này cũng đã cho thấy những lợi ích thiết thực. Có thể đơn cử như mô hình của gia đình ngư dân Huỳnh Văn Tạo (Sâm Linh Đông, Tam Quang) với 3 tàu lớn (QNa 91144, QNa 90244 và QNa 90398) đều có công suất 550CV; hay ngư dân Phạm Xuân Lệ (Sâm Linh Tây, Tam Quang) với 2 tàu QNa 90415 (450CV) và QNa 90578 (500CV). Ông Huỳnh Văn Tạo phân tích lợi ích của mô hình: “Nếu 3 tàu sản xuất riêng lẻ, sản phẩm khai thác được trong cùng thời điểm có nhiều luồng cá xuất hiện sẽ không nhiều mà lại mất thời gian. Rồi cả 3 tàu cùng về bờ, sau đó  lại ra khơi thì chi phí sẽ rất lớn. Do đó, chúng tôi sử dụng phương thức chỉ để 1 tàu vào bờ bán - mua, còn 2 tàu ở lại tiếp tục đánh bắt, như thế sẽ tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí”. Còn ông Phạm Xuân Lệ thì cho biết, nhờ có 1 tàu luôn ra vào đất liền nên “cầu nối” thị trường thông suốt. Sản phẩm khi bán không bị ép giá, cho lợi nhuận cao hơn.

Hỗ trợ mở rộng

Là địa phương chiếm đến hơn một nửa số lượng tàu công suất lớn và hơn một nửa sản lượng hải sản khai thác của cả tỉnh Quảng Nam, dễ hiểu khi dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển chỉ mới xuất hiện tại huyện Núi Thành. So với các nghề khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển thu được lợi nhuận ít hơn mà nguồn vốn đầu tư lại nhiều hơn, bởi vậy dịch vụ hậu cần trên biển chỉ mới “định hình” chứ chưa thể “nở rộ”. Với tính “lưỡng tiện”, có thể khẳng định mở rộng dịch vụ hậu cần trên biển là điều cần thiết để nâng cao về “chất” của hoạt động nghề cá. Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, cảng cá, khu neo đậu tàu cá, giao thông cảng biển, các dịch vụ cung ứng xăng dầu, nước đá, cả các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá được đầu tư có quy mô lớn trong thời gian qua trên địa bàn huyện là tiền đề quan trọng để phát triển nghề cá. Ưu tiên phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển là điều cần thiết, nên chăng cần có thêm cơ chế ưu đãi vốn vay để giúp ngư dân tăng mức đầu tư. “Nghề cá tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sản xuất, nhất là các tỉnh miền Trung, nếu chỉ cho vay vốn thời hạn 2 - 3 năm, ngư dân không thể trả hết trong thời gian ngắn như vậy. Nên chăng, giãn thời hạn cho vay lên 5 năm, 7 năm hoặc có thể 10 năm. Mặt khác, trong thời gian này, Nhà nước có thể bù lỗ một phần rủi ro về lãi suất cho ngân hàng (nếu có) bằng ngân sách hỗ trợ ngư dân đã thông qua” - ông Khả đề xuất.

Ưu tiên hiện đại hóa nghề cá, vừa qua UBND TP. Ðà Nẵng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu có công suất lớn để thực hiện dịch vụ hậu cần nghề cá trên các vùng biển xa. Theo đó, về tài chính, đã có các mức hỗ trợ vay vốn từ 500 - 800 triệu đồng. Nhiều đánh giá cho thấy, đây là chủ trương đúng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu nội tại của nghề cá. Đây cũng là động lực giúp ngư dân có điều kiện phát huy đến mức cao nhất năng lực cung ứng dịch vụ hậu cần trên biển. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cũng khẳng định: “Hỗ trợ tài chính giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn tham gia thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển của TP. Đà Nẵng là cách làm hay. Việc hình thành và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển là rất cần thiết bởi ngư trường miền Trung rất đa dạng, có phạm vi rộng, trải dài trên hàng trăm hải lý. Hỗ trợ vốn đầu tư cho dịch vụ hậu cần trên biển sẽ là cách tốt nhất giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thời gian đánh bắt, qua đó góp phần thiết thực vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định hình dịch vụ hậu cần trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO