Định hình hàng Việt

TRỊNH DŨNG 26/01/2013 16:32

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (từ năm 2009) được xem như một sự kế tục cuộc “dân vận về kinh tế” do báo Sài Gòn tiếp thị khởi xướng suốt 16 năm nay, trở thành động lực cho một chương trình có tính quyết định sự thăng hoa của hàng Việt trên thị trường. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc vận động, thêm nhiều chuyến hàng về nông thôn vẫn chưa thể định hình trong mắt người tiêu dùng về những sản phẩm hàng Việt. Sự thành bại của chương trình này không phải chỉ do người tiêu dùng quyết định mà phụ thuộc rất nhiều vào việc thay đổi thái độ ứng xử của DN đối với thị trường nội địa và với người tiêu dùng.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường toàn cầu hầu như không có rào cản, thông qua cạnh tranh công bằng. Cuộc cạnh tranh này diễn ra trên thị trường xuất khẩu và cả nội địa. Nhưng điều đáng buồn, suốt một thời gian dài không ít DN Việt Nam chỉ xem hậu phương (thị trường nội địa) như một nơi tiêu thụ hàng loại 2 hoặc sản phẩm xuất khẩu bị lỗi. DN chỉ thực sự quan tâm tới thị trường nội địa khi thị trường xuất khẩu bị mất hoặc thu hẹp. Điều này sẽ càng khó khăn hơn khi năm 2015, Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc (ASEAN +1) sẽ chính thức có hiệu lực, tức thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng chỉ bằng 0%. Như vậy thị trường Việt Nam sẽ khó tránh khỏi tình trạng hàng hóa ngoại nhập tràn ngập thị trường. DN Việt phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều thương hiệu đến từ Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan ngay thị trường nội địa.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao nói rằng, thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các chợ truyền thống, nhiều DN nhận thấy hàng nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… đều có vị thế nhất định tại khu vực này. Trong số đó, không thiếu những mặt hàng kém chất lượng được nhập khẩu và thay đổi nhãn mác thành hàng Việt Nam. Điều này cho thấy các nước lân cận vừa chuẩn bị kỹ về vấn đề bảo vệ mậu dịch hàng hóa cho nước họ, vừa xúc tiến đưa vào Việt Nam để giành thị phần, khiến DN Việt ngày càng khó khăn hơn vì sức mua nhỏ, giảm sức cạnh tranh… Nếu thời gian tới, cơ quan quản lý vẫn không xây dựng được các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ lẫn chính sách hỗ trợ DN, thị trường nội địa sẽ có nguy cơ bị hàng ngoại chiếm lĩnh.

Cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” đang tạo cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam. Việc ưu tiên chọn hàng Việt rõ ràng không đơn giản là một hành vi kinh tế, mà câu chuyện ủng hộ hàng nội, bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng thể hiện lòng yêu nước. Lòng yêu nước tuy không khó để khơi dậy nhưng lại không dễ để nuôi dưỡng. Không thể cổ động người dân yêu nước chỉ qua hành vi mua sắm mà còn thay đổi nhận thức về hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất. Trong một thị trường quốc tế không còn rào cản, hàng Việt, dịch vụ Việt phải tốt hơn Trung Quốc, đẹp hơn Hàn Quốc… mới có thể thuyết phục và khơi gợi niềm tự hào của người Việt Nam.

Sự lựa chọn của người tiêu dùng tự nó đòi hỏi các DN phải phấn đấu cạnh tranh. Trong cuộc đua mà người tiêu dùng là giám khảo thường xuyên đó, nhiều thương hiệu có đẳng cấp đã lớn mạnh, nhiều doanh nhân trưởng thành, góp phần giảm bớt tâm lý sính hàng ngoại ở người tiêu dùng. Dĩ nhiên, để hàng Việt được người tiêu dùng tiếp nhận rộng rãi không thua kém gì hàng ngoại, vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan từng gợi ý: Ngoài sự cần thiết của các hàng rào kỹ thuật, để hạn chế hàng nhập khẩu, Nhà nước cần hỗ trợ phát triển sản xuất, gia tăng chất lượng sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại… để DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước nhằm lấy lại thế cân bằng. Mà trước hết, cần có sự cân bằng ngay chính tại thị trường nội địa.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định hình hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO