Định hình năng lực tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 05/12/2018 02:48

Theo công bố của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IX, năm 2018 GRDP đã đạt đến 8,11%. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2019 đặt ra là sẽ đạt tăng trưởng GRDP từ 7 – 7,5%, cho thấy đã có sự cân nhắc, dự lường về sự biến động của thị trường, năng lực nội sinh của chính doanh nghiệp và nền kinh tế.

Năng lực tăng trưởng của Quảng Nam dựa vào những dự án đầu tư công hiệu quả và khả năng mở rộng đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp.
Năng lực tăng trưởng của Quảng Nam dựa vào những dự án đầu tư công hiệu quả và khả năng mở rộng đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp.

Hầu hết chỉ tiêu đều tăng

Chưa  có thống kê cụ thể nào về tổng lượng vốn thực đã chảy vào nền kinh tế và hỗ trợ cho quá trình sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp, gia đình, nhưng có đến 12/12 chỉ tiêu năm 2018 đã đạt, vượt kế hoạch, trừ tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch (75/80%). Không kể ngành khai khoáng, sản xuất, phân phối điện giảm (32,6% và 11,9%) vì khó tiêu thụ sản phẩm, giảm quy mô sản xuất thì “sự trỗi dậy” mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ngành công nghiệp - xây dựng tăng gần 13,3%, đột phá công nghiệp tăng gần 14%. Đây là con số tăng trưởng cao bất ngờ trong lịch sử sản xuất công nghiệp địa phương. Không riêng gì công nghiệp, ngành dịch vụ, khu vực nông - lâm - thủy sản, tổng thu ngân sách, tín dụng đều tăng trưởng mạnh mẽ (theo thứ tự: 6,3%, 4,28%, 11,6% và 13,1%).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn thừa nhận hiện tại thu hút đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn gặp vướng mắc về thủ tục đất đai, kế hoạch sử dụng đất…Nguồn thu lớn như ô tô hay các sản phẩm khác đang chịu cạnh tranh khốc liệt, nên biến động, thiếu ổn định nguồn thu. Số lượng doanh nghiệp tăng nhưng 90% nhỏ và vừa vẫn khó huy động vốn, yếu đổi mới công nghệ, thiếu khả năng cạnh tranh, dẫn đến sản xuất, kinh doanh khó khăn… Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Giải ngân vốn đầu tư vẫn không có dấu hiệu chuyển biến khi chỉ đạt 61%. Nội lực doanh nghiệp không mạnh như dự báo khi có hơn 3.400 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc rời bỏ thị trường. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Sản lượng thủy sản tăng không đáng kể. Kết cấu hạ tầng chủ yếu giao thông. Nông thôn mới “ưu ái” phát triển kết cấu hạ tầng, thiếu quan tâm đến đầu tư sản xuất. Khớp nối quy hoạch, hạ tầng đô thị chậm và yếu…

Những điểm yếu trên dường như năm nào cũng được thể hiện trên các báo cáo đã đặt ra nhiều câu hỏi về sức sống thị trường, môi trường đầu tư lẫn khả năng hoạch định chính sách phát triển của Quảng Nam. Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói nông nghiệp giảm dần tỷ trọng, nhưng thiếu chất. Thiếu quy hoạch vùng sản xuất, chuyên canh nên lúng túng thu hút doanh nghiệp đầu tư. Thiếu ổn định đầu tư nông sản, yếu ứng dụng khoa học công nghệ, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản. “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” trở thành điệp khúc. Không ít nhà sản xuất phải kêu gọi cộng đồng giải cứu, trong khi đó vai trò định hướng sản xuất, dự báo thị trường còn khá mờ nhạt.

Chất lượng tăng trưởng

Kế hoạch năm 2019 Quảng Nam sẽ tăng khoảng 7 - 7,5% GRDP. Chỉ tiêu này sẽ cao hơn tăng trưởng của cả nước khoảng từ 0,2 - 0,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30% GRDP (thấp hơn cả nước từ 3 - 4%). Thu nội địa tăng 7,3% và đạt thêm 13 xã nông thôn mới.

Ông Nguyễn Tri Ấn – Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói Quảng Nam nằm trong số tỉnh điều tiết ngân sách về trung ương nên cần định danh một cách cụ thể. Khả năng thực tế về đầu tư toàn xã hội năm 2019 sẽ không ngừng gia tăng khi nhiều dự án của Trường Hải sẽ được triển khai về phát triển sản xuất, đầu tư nhiều dự án đô thị. Cần thuyết minh số liệu một cách rõ nét, chuẩn xác hơn. Phía ngược lại, ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay kinh tế Quảng Nam sẽ không còn nhiều lạc quan như trước nữa, bởi đã có sự bão hòa nên tăng trưởng phải chậm lại, không thể tăng trưởng liên tục với những con số cao được.

Năm 2018, Quảng Nam bất ngờ đạt được tăng trưởng cao so với nhiều dự báo, nhưng nền kinh tế vẫn chưa thể tìm được điểm cân bằng. Lý do cơ bản nền kinh tế Quảng Nam vẫn dựa vào vốn, không dựa vào năng suất và khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công chưa bao giờ chứng minh được hiệu quả cụ thể. Theo nhận định của UBND tỉnh, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp loay hoay chống đỡ trước nguy cơ phá sản. Nhiều doanh nghiệp không dám mạo hiểm vay vốn khi phải đứng trước núi hàng tồn kho quá lớn, chưa biết giải cứu thế nào. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh kinh tế thế giới và hội nhập sẽ khiến doanh nghiệp, thị trường Quảng Nam không dễ lường định cho mục tiêu đầu tư trong tương lai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho hay Quảng Nam đang phải đối mặt với hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp, trình độ công nghệ, năng lực quản trị kinh doanh của doanh nghiệp vốn chủ yếu vừa và nhỏ quá thấp. Đó là chưa kể đến thách thức biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra theo chiều hướng khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh đầy tiềm ẩn tác động đến sản xuất, đời sống người dân. Chính sách thuế ô tô sẽ thay đổi, chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương.

Tất cả dự báo đó đã khiến Quảng Nam dè dặt đưa ra mục tiêu tăng trưởng chỉ có 7 – 7,5% là có lý do. Sự cam kết của chính quyền trong việc dứt khoát từ bỏ tăng trưởng bằng mọi giá, đặt nền kinh tế vào chất lượng tăng trưởng bằng chính hiệu quả của các kế hoạch điều hành kinh tế. Năng lực điều hành và các giải pháp kích thích thực sự phát huy hiệu quả thì GRDP tăng 7 - 7,5% sẽ không là chuyện khó!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định hình năng lực tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO