Rà soát tiến độ đầu tư, giải ngân, tạm dừng các dự án để điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… là những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ, tổ chức hôm qua 6.6, do Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì.
Khu du lịch Vinpearl đưa vào hoạt động đã góp phần tăng trưởng kinh tế Quảng Nam. Ảnh: TRỊNH DŨNG |
Dấu hiệu tăng trưởng kinh tế
Sở KH&ĐT công bố giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tháng 5.2018 đã có dấu hiệu tăng trưởng mạnh hơn so với tháng trước khi tăng đến 29%.
Lũy kế đến hết tháng 5, giá trị sản xuất của các ngành này đã tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017. Gần như tất cả ngành chủ lực đều thể hiện sự phát triển.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%, sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 33%, cung cấp nước, thu gom rác thải tăng 29,5%.
Thống kê cũng cho thấy sản xuất đồ uống đã tăng hơn 3,6 lần, sản xuất hàng may mặc tăng 60%, sản phẩm điện tử, vi tính, sản phẩm quang học tăng 33,5%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,7%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa cũng đã tăng 16,5%.
Không chỉ sản xuất tăng trưởng, nhịp điệu thị trường tiêu thụ cũng bắt đầu khả quan hơn khi chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng gấp 2,6 lần.
Nhiều nhất là sản xuất cấu kiện bằng kim loại tăng 66,5%, chế biến và bảo quản thủy sản tăng 65,7% và xe có động cơ cũng tăng hơn 12,8%.
Thương mại, dịch vụ với lượng hàng hóa bán lẻ, tổng lượt khách tham quan, doanh thu du lịch, vận tải hàng hóa, kho bãi… cũng thuộc diện tăng trưởng cao, từ 9,8 - 11,8%.
Số lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng đã được đổ vào nền kinh tế gần 1.200 tỷ đồng.
Cụ thể, Thaco đã đưa 3 nhà máy sản xuất xe bus, Mazda, nhà máy sản xuất máy nông nghiệp vào hoạt động và đầu tư xây dựng nút vòng xuyến 2 tầng giữa quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam tại khu vực Tam Hiệp; nhà máy bia Heineken mở rộng sản xuất, gia tăng công suất; Vinpearl đã đón khách và nhiều doanh nghiệp khác cũng gia tăng sản xuất đã góp phần tăng trưởng kinh tế.
Khả năng thu ngân sách nội địa Quảng Nam có thêm cái nhìn lạc quan hơn.
Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho hay hiện có đến 4 nguồn thu đều vượt tiến độ như công thương nghiệp, phí tham quan, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân. Thu ngân sách đã tăng hơn 9.100 tỷ đồng. Thu nội địa đạt đến 46,6%. Con số này đã vượt khá nhiều so với tiến độ thu bình quân 5 tháng (41,6%), cao hơn cùng kỳ năm ngoái cả về số thu và tiến độ thu (5 tháng đầu năm 2017 chỉ thu 5.580 tỷ đồng, bằng 39,4% dự toán). Chỉ tính riêng số thu từ 2 công ty ô tô du lịch Kia và Mazda hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ và bằng 44,8% dự toán.
“Dư địa thu ngân sách vẫn tiềm năng. Kế hoạch nộp thuế dự kiến của Thaco sẽ tăng đến 43% so năm 2017. Số thu từ Thaco chiếm 50% thu nội địa. Cho dù 3 tháng trở lại đây, công ty này có số thu nộp giảm hơn nhiều (bình quân giảm 100 tỷ đồng) so với 2 tháng đầu năm 2018, nhưng bình quân 5 tháng qua vẫn đạt tiến độ. Sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến kế hoạch thu ngân sách Quảng Nam” - ông Chín nói.
Nhận diện điểm nghẽn để tháo gỡ
Không dễ dàng tính toán được dòng vốn đầu tư từ khu vực FDI hay tư nhân cụ thể đổ vào xã hội bao nhiêu, doanh nghiệp tăng trưởng mạnh hay yếu phụ thuộc vào sức cầu của thị trường nhưng theo ông Lê Quý Đạt – Cục trưởng Cục Thống kê thì năng lực các dự án đầu tư đang thực sự có triển vọng. Nhiều loại hình doanh nghiệp ổn định, dẫn đến quy mô đầu tư không sụt giảm nhiều và đủ khả năng mở rộng sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ đều đầy năng lực tăng trưởng. Sự mở rộng sản xuất, đầu tư của doanh nghiệp lớn sẽ thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thông qua các cam kết thực hiện chiến lược phát triển từ năm 2017 - 2021 đã được thể hiện trên thực tế.
Tuy nhiên, một vấn đề khác đáng lo ngại đã được đặt ra tại cuộc họp. Đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến nay chỉ đạt 35% kế hoạch, cho dù vượt gần 6,6% so với tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước nhưng vẫn còn quá thấp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói hãy kiểm soát năng lực tăng trưởng GRDP, dự lường kế hoạch sản xuất, tiêu thụ của Thaco để đưa ra mức dự báo tốt. Các ngành, địa phương phải nhanh chóng rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thực hiện theo đúng luật. Không thể để mất vốn. Chấm dứt ngay tình trạng giữ vốn, nói nhiều, không làm gì cả của các chủ đầu tư. Quảng Nam nghèo, phải đi xin vốn đầu tư, nhưng tại sao lại để vốn nằm chờ mà không phân bổ? Các chủ đầu tư, cơ quan quản lý cần xem lại trách nhiệm của mình.
Một vấn đề khá nóng nữa là sự yếu kém về giải phóng mặt bằng đã khiến nhiều dự án không thể tiến triển được. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu tập trung hỗ trợ sản xuất. Các dự án (cao tốc, cảng cá…) bị vướng giải phóng mặt bằng cần phải được giải quyết rốt ráo những nút thắt này, kể cả phải cưỡng chế. Tất cả dự án đầu tư đều phải được thực hiện theo kế hoạch, nếu không phù hợp đều bị bãi bỏ. Ngay kế hoạch phát triển vùng đông hay tây đều phải nằm trong kế hoạch đầu tư. Điều quan trọng là sẽ tạm dừng các dự án du lịch, dịch vụ, đất đai đô thị vùng đông để chờ quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chính thức sẽ lại tiếp tục tiến hành đầu tư.
Như vậy hiện vùng đông chỉ có 2 dự án là Nam Hội An và Vingroup tiếp tục đầu tư, số còn lại (dự án thỏa thuận trước ngày 1.4.2018) chờ quyết định.
“Phải xem xét cụ thể những vướng mắc, ách tắc để xử lý, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân. Từng chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, chủ động làm việc với địa phương về tiến độ đầu tư, kể cả giải phóng mặt bằng. Không đất, không nhà đầu tư, không dự án thì lấy gì tăng trưởng kinh tế và thu hút lao động cho Quảng Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG