Năm 2022 được nhận định sẽ có thêm nhiều động lực tăng trưởng, dù bối cảnh khó khăn dịch bệnh còn tiếp diễn, vì vậy kịch bản phục hồi kinh tế được đưa ra với những con số cao hơn trong các chỉ tiêu. Quảng Nam hướng đến xây dựng một nền kinh tế cường thịnh, trở thành một cực tăng trưởng khu vực duyên hải miền Trung.
Chỉ tiêu cao, nhưng không quá khó!
Quảng Nam ấn định GRDP năm 2022 sẽ tăng từ 7,5 - 8%. Theo tính toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 33.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 30,1% GRDP. Con số này dựa vào nguồn ngân sách trung ương và địa phương (19%), nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (24%), nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và nhân dân (57%).
Kế hoạch tăng trưởng kinh tế đưa ra cao hơn nhiều so với kết quả đạt được trong 3 năm gần đây, trong khi dịch bệnh chưa kết thúc, nền kinh tế chưa thể hồi phục..., khiến nhiều người lo ngại.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói cần phân tích, tính toán các nhân tố tác động để có thể nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp tăng trưởng GRDP có tính khả thi hơn.
Kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế đã được đưa ra, nhưng cơ quan quản lý khó thể định lường tăng trưởng sẽ diễn ra và đạt đến con số nào. Ngoại trừ khu vực nông - lâm - thủy sản sẽ giữ mức tăng trưởng ổn định (nhưng đóng góp không nhiều vào GRDP) thì những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế chưa được gỡ bỏ.
Kinh tế du lịch gần như sụp đổ. Thí điểm đón khách lưu trú thu phí chỉ có thể “giải cứu” một số ít, số còn lại phải mất nhiều năm sau mới có thể hồi phục. Quyết định mở cửa du lịch dịch vụ, nhưng nguồn khách ở đâu vẫn là câu hỏi...
Kinh tế địa phương không chỉ là nỗ lực riêng lẻ mà phụ thuộc vào dịch bệnh toàn cầu, khả năng phục hồi của các nền kinh tế, các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang khó khăn với các khoản nợ, thiếu hợp đồng mới, có thể dẫn đến rời bỏ thị trường. Nếu thị trường, nền kinh tế chưa hồi phục thì chạy theo tăng trưởng sẽ khó khăn, thiếu sự cân bằng.
Ngược với các lo ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định chỉ tiêu cho cả giai đoạn cao, nhưng năm 2021 thấp nên buộc phải tăng để có thể đạt kế hoạch. Vắc xin đã phủ. Nền kinh tế đã thích ứng với trạng thái mới. Dư địa phát triển công nghiệp vẫn còn và bất động sản sẽ có cơ hội. Tăng trưởng năm 2022 sẽ không quá khó.
Kích thích động lực tăng trưởng
Động lực tăng trưởng của Quảng Nam chủ yếu vẫn nằm ở việc gia tăng sản xuất và đầu tư. Theo phân tích, ngoài sự ổn định của một số ngành, doanh nghiệp như sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, giày da, may mặc..., thì chuyện có hơn 1.040 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường với nguồn vốn đăng ký khoảng 8.960 tỷ đồng; 457 doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh; 6 dự án FDI mới cấp phép (14,71 triệu USD) trong năm 2021, sẽ là một trong những nguồn lực đóng góp vào tăng trưởng địa phương năm 2022.
Một số “sự kiện” khác cũng cho thấy động lực thúc đẩy tăng trưởng: Trường Hải - Chu Lai đã xuất 870 sơ mi rơ moóc sang Mỹ theo một hợp đồng cung cấp với Tập đoàn PITTS Enterprises 40.500 SMRM, trị giá 565 triệu USD trong 2 năm (2022 & 2023). Doanh nghiệp này sẽ bỏ ra khoản đầu tư lớn để xây dựng mới nhà máy sơ mi rơ moóc và cấu kiện nặng, công suất 20.000 sản phẩm/năm.
Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và trải nghiệm văn hóa Hoian D’or trên Cồn Bắp (Cẩm Nam, Hội An) hơn 2.330 tỷ đồng vẫn đang trong giai đoạn đầu tư. Hyosung (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Tam Thăng tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD chỉ mới đầu tư giai đoạn đầu khoảng 300 triệu USD, sẽ còn tiếp tục mở rộng dự án...
Theo khảo sát mới đây tại Quảng Nam, 25% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng vốn đầu tư khi thị trường đã dần hồi phục. Dự án nông nghiệp Thaco 415ha vướng đất rừng, đất trồng keo lâu năm nhiều năm qua đã được giải quyết.
Quảng Nam sẽ bàn giao trước 200ha để Thaco khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên, hình thành một khu nông lâm lớn. Không chỉ sẽ giải quyết cho hàng nghìn lao động, khu công nghiệp này hoạt động sẽ kích thích phát triển nền nông nghiệp Quảng Nam.
Việc đối lưu xuất nhập khẩu 2 chiều hàng hóa bằng container; nhập linh kiện, xuất sản phẩm nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ... với chi phí logistics rẻ, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Khảo sát này cũng được xem là một trong những chỉ dấu báo hiện tăng trưởng kinh tế địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: “Tỷ lệ tăng trưởng cao, nhưng Quảng Nam sẽ không chạy theo tăng trưởng thuần túy mà hướng về phát triển bền vững kèm theo bộ tiêu chí thích ứng thiên tai, dịch bệnh. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, hạn chế ô nhiễm. Không kêu gọi những dự án độc lập mà cần ngành liên kết, kêu gọi “sếu đầu đàn” và mở rộng cho cả “chim sẻ”.
Sẽ có cơ chế phát triển công nghiệp sạch, phát triển đô thị ven biển song song với việc tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên bản địa gắn chiến lược phát triển biển; tạo dựng hệ thống giao thông liên kết vùng, miền, không dàn hàng ngang, tạo điều kiện cho các vùng kinh tế trọng điểm; cơ chế thu hút đầu tư, sử dụng người tài và cơ chế thực tế, rõ ràng cho việc xây dựng nông nghiệp an toàn”.
TS.TRẦN DU LỊCH - TRƯỞNG NHÓM TƯ VẤN HỢP TÁC PHÁT TRIỂN VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG: “CHÍNH QUYỀN PHẢI LÀM BÀ ĐỠ CHO DOANH NGHIỆP”
Chọn lựa mô hình tăng trưởng dựa vào chiều sâu, phát triển kinh tế đô thị ven biển, đô thị sân bay gắn logistics hàng không, cảng biển... là cơ hội, trở thành động lực quan trọng cho phát triển.
Công nghiệp là trụ cột kinh tế Quảng Nam. Nhưng tăng giá trị công nghiệp, nhiều nhà máy... mà lao động vẫn chủ yếu từ nông nghiệp hoặc kiểu lao động dịch vụ, thời vụ thì không thể nào thành một tỉnh công nghiệp.
Cái khó nhất của tái cơ cấu, phát triển tăng trưởng vẫn là cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng. Nếu không tận dụng được cơ hội đổi mới khoa học công nghệ sẽ làm nền kinh tế của tỉnh tụt hậu nhanh chóng.
Khai thác tối đa lợi thế địa phương, tăng trưởng nhanh là cần thiết nhưng không vì mọi giá. Xây dựng chiến lược phát triển phải dựa trên quy hoạch cơ sở hạ tầng công nghiệp bền vững, hướng đến các thị trường và ngành mới.
Chính quyền phải làm bà đỡ cho doanh nghiệp, tiếp tục thu hút những con “sếu đầu đàn” trong từng lĩnh vực để cộng sinh, liên kết phát triển công, nông nghiệp... Chiến lược tăng trưởng cùng chính sách điều tiết tốt, địa phương sẽ thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi, miền ngược, tạo được sự phát triển bền vững trong tương lai.
ÔNG NGUYỄN QUANG THỬ - GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT: “THU HÚT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ TẦM CHIẾN LƯỢC”
Sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển song hành công nghiệp và dịch vụ; xây dựng vùng Đông Nam thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao.
Triển khai phương án đón khách quốc tế, nội địa an toàn, hiệu quả. Sẵn sàng thực hiện Năm du lịch quốc gia 2022 (sau khi Chính phủ cho phép) để phục hồi, phát triển ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Ngoài ra, sẽ triển khai một số dự án quan trọng vùng tây, phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên vùng nội tỉnh, khu vực, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.
Nâng chất lượng năng lực cạnh tranh, thu hút các dự án đầu tư có tầm quan trọng, chiến lược kèm theo rà soát, giải quyết các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư đang triển khai.
Sẽ lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn để tham mưu, theo dõi triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, kèm theo sự phân công trách nhiệm vụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong kiểm tra, giám sát, theo sát từng dự án nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.