Định hình một trục kinh tế đông - tây phát triển đồng đều, với lợi thế riêng sẽ tạo ra xung lực mới cho Thăng Bình.
Lan tỏa vùng đông
Từ vùng đất hoang hóa, các xã ven biển của Thăng Bình chuyển dần sang kinh doanh dịch vụ - thương mại, xây dựng các dự án đô thị. Lợi thế cạnh tranh ở vùng đông là có quỹ đất sạch để nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”. Chỉ riêng 2 xã Bình Minh và Bình Dương (trong số 8 xã vùng đông của huyện) đến nay thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Nhiều dự án lớn đã, đang triển khai như khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Land Nam Hội An, dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương, dự án khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam. Đô thị trẻ ven biển Bình Minh, định hướng phát triển tương lai sẽ thành đô thị hiện đại, gắn liền với phát triển thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch.
Xem xét thu hồi dự án chậm triển khai ở vùng đông
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Thăng Bình cần xác định 3 vùng rõ rệt. Vùng tây là phát triển nông lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi công nghệ cao và các cụm công nghiệp định hướng thu hút các ngành nghề chế biến nông lâm sản. Vùng trung phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Phía đông phát triển các mô hình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, hình thành các khu đô thị năng động, nuôi tôm công nghệ cao. Các dự án thương mại dịch vụ vùng đông đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện, thì chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh với tinh thần dứt khoát thu hồi dự án, không để kéo dài gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và thu hút đầu tư.
Con đường ven biển 129 (nay là đường Võ Chí Công) sẽ là “mắt xích” liên kết Thăng Bình với huyện Duy Xuyên, TP.Tam Kỳ và Đà Nẵng, tạo ra không gian du lịch theo chuỗi. Về nông nghiệp đô thị, địa phương xác định chỉ chọn nhà đầu tư dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao (ưu việt là không gây ô nhiễm môi trường). Theo quy hoạch, tại các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Tú, Bình Sa, Bình Nam, khu vực dọc sông Trường Giang, có quy mô hơn 1.922ha bố trí cho nông nghiệp công nghệ cao.
Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - ông Võ Văn Hùng cho biết, làm nông nghiệp ở vùng đông chủ yếu trồng rau sạch, hình thành vùng nông nghiệp an toàn với các vùng nuôi trồng thủy sản chất lượng cao tại sông Trường Giang cung cấp cho các dịch vụ nghỉ dưỡng ven biển. Không bố trí chăn nuôi tập trung ở đây. Theo quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình đến năm 2030, vùng đông sẽ mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng, Khu công nghiệp Đông Quế Sơn về phía Thăng Bình, hình thành khu công nghiệp phía bắc và phía nam huyện. Nhiệm vụ của nhiệm kỳ đến là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư; hình thành các khu đô thị năng động, khu dân cư, tái định cư tập trung gắn với đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.
Cần nguồn lực cho vùng tây
Khác hẳn với vùng đông, các địa phương vùng tây của Thăng Bình hầu như phụ thuộc vào kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, năm 2019, một nghị quyết phát triển kinh tế vùng tây huyện Thăng Bình giai đoạn 2020 - 2025 ban hành với nhiều cơ chế hỗ trợ đột phá, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, vùng chuyển đổi từ cây lúa sang cây dược liệu, cây ăn quả được hỗ trợ lên đến 25 triệu đồng/ha. Hỗ trợ mỗi mô hình nuôi gà đồi 30 triệu đồng; nuôi bò bán thâm canh mỗi mô hình được hỗ trợ 50 triệu đồng. Trong khi đó, trồng rừng gỗ lớn khai thác sau 10 năm tuổi, ngoài cơ chế tỉnh hỗ trợ 8 triệu đồng/ha thì địa phương hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/ha.
Đến nay, nhiều hộ nông dân có thu nhập khấm khá từ mô hình nuôi bò nhốt thâm canh, trồng cây hồ tiêu, trồng nấm rơm, làm bún khô, nuôi gà thả vườn, trồng nấm dược liệu, trồng rừng sản xuất. Điểm sáng trong bức tranh kinh tế nông nghiệp rõ nhất là khâu tổ chức lại các hình thức sản xuất, liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo kế hoạch, trong 2 năm 2020 - 2021, huyện vận động nhân dân chuyển đổi 210ha đất lúa sang cây trồng cạn khác; trồng rừng gỗ lớn 250ha.
Thăng Bình quy hoạch không gian phát triển kinh tế vùng tây đa lĩnh vực bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị. Du lịch tuy mới manh nha nhưng hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển cho vùng tây.
Địa phương đã mở tour tham quan du lịch kết nối từ Phật viện Đồng Dương - hồ Cao Ngạn - hồ Đông Tiển - hố Thác - tháp Chiên Đàn (Tam An, Phú Ninh) đến làng bích họa, biển Tam Thanh (Tam Kỳ), biển Bình Minh - Vinpearl Land Nam Hội An, làng nghề nước mắm Cửa Khe, làng rau sạch Hưng Mỹ. Định hướng phát triển thời gian đến là hình thành khu dân cư tập trung gắn phát triển dịch vụ tại trung tâm các xã Bình Trị, Bình Phú, Bình Lãnh. Xây dựng trung tâm xã Bình Trị thành khu dịch vụ thương mại vùng tây của huyện. Chính quyền kêu gọi doanh nghiệp đầu tư giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng để cho thuê lại đất, hoặc doanh nghiệp tự bỏ vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy sau này khấu trừ trong nguồn kinh phí cho thuê đất.
Theo nghị quyết phát triển kinh tế vùng tây huyện Thăng Bình giai đoạn 2020 - 2025, riêng giai đoạn 2020 - 2021, địa phương cần ít nhất 422 tỷ đồng để đầu tư phát triển vùng tây (vốn ngân sách huyện hơn 86 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn vốn khác). Tuy nhiên, trong bối cảnh hụt thu ngân sách do dịch Covid-19, đầu tư công bị hạn chế, thì khó đáp ứng được nguồn vốn trên.
Bí thư Huyện ủy Thăng Bình - Phan Công Vỹ nói, quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được Sở Xây dựng thẩm định, vấn đề còn lại là tìm nguồn lực để đầu tư. Quốc lộ 14E kết nối 2 vùng đông - tây cần được nâng cấp mở rộng. “Tỉnh cần phân bổ nguồn lực đầu tư, khớp nối các tuyến giao thông chính của huyện với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1, quốc lộ 14E và tỉnh lộ. Ở vùng đông, phải hoàn thành quy hoạch phân khu xác định rõ vùng nào làm dịch vụ, du lịch, nơi nào phát triển công nghiệp, đô thị. Còn muốn phát triển các xã cánh tây phải có đường gom qua cao tốc” - ông Vỹ nói.