(QNO) - Trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 9 của Tỉnh ủy khóa XXII được tổ chức vào sáng nay 17/10, nhiều ý kiến đã tập trung thảo luận những điều kiện, tiền đề liên quan đến việc xây dựng và phát triển đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy.
Thống nhất không gian phát triển
Nghị quyết số 08 được Tỉnh ủy ban hành ngày 4/5/2021 là một bước triển khai thực hiện yêu cầu phát triển tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 – 2025). Quá trình ban hành nghị quyết đã xem xét tổng thể, cân nhắc các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng và phát triển đô thị loại 1 thuộc tỉnh được tập trung thực hiện. Thành ủy, UBND TP.Tam Kỳ, các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị loại 1 thuộc tỉnh.
Trình bày dự thảo báo cáo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất một số giải pháp, cách thức triển khai thực hiện mang tính bước ngoặt. Đó là thống nhất về không gian đô thị tỉnh lỵ; định hướng chủ trưởng điều chỉnh, sáp nhập đơn vị hành chính; vai trò quan trọng trong xây dựng cơ chế đầu tư, tài chính phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật về tài chính, đầu tư… của Nhà nước.
Qua hơn một năm triển khai Nghị quyết 08, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, dù còn hạn chế, khó khăn, song các quan điểm phát triển và một số yêu cầu tại Nghị quyết số 08 đã được xác lập rõ hơn. Cụ thể, mở rộng không gian đô thị về phía Tây và Nam, hướng phát triển đô thị đặc thù (xanh, văn hóa, lịch sử, thông minh); xây dựng đô thị là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân Quảng Nam.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói: “Không gian phát triển đô thị tỉnh lỵ được chỉ đạo nghiên cứu rõ trên địa giới 3 đơn vị hành chính Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành. Đây là chỉ đạo cơ bản, làm cơ sở trong xác định, tham mưu các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này.
Yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đô thị tỉnh lỵ đã xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, sẽ có hướng thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương và các chỉ đạo liên quan của Trung ương”.
Xây dựng lộ trình phù hợp
Điều hành thảo luận, liên quan đến định hướng mở rộng không gian đô thị tỉnh lỵ, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, với phương án sáp nhập 3 địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành, về cơ bản đáp ứng được các tiêu chí của đô thị loại 3, là tiêu chí tối thiểu xem xét cấp hành chính tương ứng là đô thị trực thuộc tỉnh. Từ đó xây dựng lộ trình, cân nhắc các yếu tố động lực để tăng tính khả thi, tạo sức lan tỏa tốt cho không gian mở rộng.
Ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói, Huyện ủy Phú Ninh thống nhất rất cao việc sáp nhập vào đô thị Tam Kỳ. “Qua khảo sát sơ bộ, nhân dân rất ủng hộ việc Phú Ninh nhập vào Tam Kỳ. Từ nông thôn lên đô thị, cơ sở vật chất sẽ cải thiện đáng kể, quyền lợi nhân dân sẽ khác. Dù sẽ có nhiều vấn đề cần phải tính toán, nhưng tôi tin tưởng vào việc sẽ phát triển hài hòa sau khi sáp nhập” - ông Thẩm nói.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng tán thành phương án sáp nhập Núi Thành, Phú Ninh vào Tam Kỳ để phát triển đô thị loại 1. Tuy nhiên, cũng có không ít băn khoăn về nguồn lực, về giải quyết bộ máy cán bộ, công tác quản lý sau khi sáp nhập. Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn nói, xét trên nhiều phương diện, xây dựng đề án sáp nhập là vấn đề sát đúng với thực tiễn hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Tri Ấn nhấn mạnh địa bàn sau sáp nhập sẽ rất lớn, cần tính toán khả năng phục vụ nhân dân, nghiên cứu cẩn trọng, lấy ý kiến nhiều đơn vị và phải tính toán chặt chẽ lộ trình.
Theo ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, đây là quyết tâm chính trị, tinh thần phải có lộ trình để phấn đấu. Tất nhiên phải tính toán cơ chế hỗ trợ cán bộ dôi dư, giải quyết hài hòa lợi ích, vừa tận dụng cơ chế Trung ương vừa cơ chế của tỉnh để thực hiện ổn thỏa, hài hòa.
Nhiều ý kiến thảo luận thống nhất với quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là phải xem xét kỹ lưỡng chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, làm cơ sở xây dựng đề án, hình thành đơn vị hành chính mới đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Đồng thời xác định nhiệm vụ, giải pháp bổ sung để thực hiện Nghị quyết số 08 đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, bài bản, có trọng tâm, có lộ trình phù hợp trên cơ sở quan điểm và mục tiêu chung về phát triển đô thị.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề cần quan tâm như: ranh giới của đô thị tỉnh lỵ trong tương lai (khu vực nội thị, ngoại thị). Mô hình chính quyền đô thị như dự kiến đã đủ các cơ sở pháp lý để nghiên cứu hay chưa? Phân tích, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý và sự tác động của việc xây dựng đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính?