UBND tỉnh công bố tổng sản phẩm, thu nội địa, tổng vốn đầu tư năm 2016 dự kiến sẽ đạt, vượt chỉ tiêu, nhưng riêng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 15% cả năm sẽ khó đạt. Nhận định có vẻ thiếu lạc quan này lại là chuyện không hề lạ khi dường như trong suốt nhiều năm qua, xuất khẩu Quảng Nam vẫn thuộc khu vực yếu kém nhất trong toàn bộ nền kinh tế.
Tại sao với vùng đất được xem có lợi thế nguồn nguyên liệu là tương đối ổn định do được mua từ các tỉnh trong nước hoặc nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Malaysia… với thị trường xuất khẩu tiềm năng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng vẫn không thể tăng trưởng như kỳ vọng? Câu trả lời là, sau hơn 20 năm gia nhập thị trường thế giới, hạ tầng dự trữ và thông tin thị trường vẫn yếu kém, sản phẩm còn ở dạng thô, thương hiệu yếu nên xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản Quảng Nam vẫn luôn bị động, chạy theo diễn biến của thị trường khi phải mua nguyên liệu từ tỉnh ngoài, nhập khẩu và mùa vụ sản xuất chưa thể hình thành được một định hướng kinh doanh.
Thị trường gần như đã mở toang cửa nhưng chưa chắc doanh nghiệp Quảng Nam nhập cuộc được. Thực tế, không chỉ có những chính sách tiếp thị, kênh phân phối, để vào được các thị trường mới với những khác biệt về văn hóa tiêu dùng, doanh nghiệp Quảng Nam cần hình thành các định hướng chiến lược và cả nghiên cứu tư vấn chuyên sâu các ngành hàng chủ lực, nhưng hiện tại vẫn đang thiếu một hoạch định chiến lược, thiếu luận cứ khoa học để đưa ra các định hướng phát triển xuất khẩu cho các nhóm, ngành hàng chiến lược hay ngành hàng có tiềm năng trong tương lai. Quảng Nam ngày càng tụt hậu trong việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nguyên liệu, vốn đầu tư, bí quyết công nghệ, tổ chức mạng lưới tiêu thụ…, chắc chắn xuất khẩu vẫn sẽ còn gặp khó khăn. Trước sóng lớn, biển rộng, một nhu cầu không thể thiếu là sự hợp tác, liên kết đầu tư để giải quyết nan đề vốn, thị trường… vẫn chưa thể thực hiện được.
Sẽ không quá khó khăn cho xuất khẩu, nếu như có hoạch định chiến lược là có thể làm thay đổi quan niệm từ doanh nghiệp, để từ đó có thể tạo mối liên kết, hỗ trợ nhau về thị trường xuất khẩu; định hướng công nghiệp hóa rõ hơn trước khi “rút” lao động ra khỏi nông thôn. Các chương trình phát triển thương mại cho các ngành hàng chiến lược từ nguồn nguyên liệu đầu vào, thị trường và các yếu tố đầu ra cho sản xuất cần được đẩy nhanh. Từ kết quả nghiên cứu cần định vị phát triển cho các ngành hàng xuất khẩu chiến lược, cũng như tiềm năng các ngành hàng vật tư đầu vào để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản phát triển. Đồng thời phải tăng cường nghiên cứu về môi trường đầu tư nông thôn; hình thành một bộ máy chuyên trách hỗ trợ các dòng vốn đầu tư vào khu vực nông thôn. Đó mới là công nghiệp hóa chiều sâu. Bởi công nghiệp hóa đâu phải cứ xây khu công nghiệp ồ ạt, “liếm” dần đất nông thôn và bỏ trống công nghiệp chế biến và các vùng nguyên liệu.
TÙY PHONG