Ngày 7.12, HĐND tỉnh (khóa X) khai mạc Kỳ họp thứ 4 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và quyết liệt chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong thực hiện các nhiệm vụ của năm 2021.
Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đánh giá: Trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự đồng thuận, đồng lòng, chung tay đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân với ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19; chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân; triển khai chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt được những kết quả tích cực và có phần khởi sắc. Công tác khắc phục, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, sản xuất tại các khu vực bị thiệt hại do lũ, lụt được triển khai kịp thời. An sinh, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm…
Tập trung phục hồi kinh tế
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; xem đây là nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; đồng thời khôi phục nhanh các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu ra, người đứng đầu UBND tỉnh cho biết, Quảng Nam xác định xây dựng và thực hiện tốt phương án phục hồi kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Xây dựng vùng Đông Nam của tỉnh trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao. Phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.
Khẳng định toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, tỉnh xây dựng các đề án đăng ký vào Chương trình công tác năm 2022 của Trung ương, như: Đề án Phát triển bền vững khu vực trọng điểm miền Trung thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể bảo vệ và phát triển rừng bền vững kết hợp phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn; Đề án Một số chủ trương lớn tạo điều kiện phát triển toàn diện Khu kinh tế mở Chu Lai; Cơ chế phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên vùng tạo điều kiện phục hồi phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.
“Định hướng xuyên suốt của tỉnh là gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo công tác an sinh, xã hội. Đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Quan tâm, chăm lo đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có công với cách mạng…” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Tạo đột phá phát triển miền núi
Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình đề nghị thông qua đề án và ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội - miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án định hướng phân 3 vùng phát triển theo hướng liên kết vùng: Vùng miền núi phía Bắc (gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang); vùng trung du (Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước) và vùng miền núi phía Nam (Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My).
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nhiệm vụ chủ yếu của đề án là tạo đột phá trong thực hiện 6 nhóm dự án quan trọng tại vùng Tây của tỉnh, gồm: Nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu.
Nhóm dự án bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ, bao gồm bảo vệ, phát triển nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển dược liệu.
Nhóm dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm đặc hữu miền núi gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nhóm dự án về phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Nhóm dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhóm dự án về phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện 6 nhóm dự án trên, các địa phương phải chủ động lồng ghép với 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cùng nội dung, phạm vi, đối tượng nhằm đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả các chương trình, chính sách và dự án đầu tư trên địa bàn” - ông Thử nói.
Trong 11 nhóm giải pháp chủ yếu, đề án lần này tập trung xây dựng hoàn thành Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 đúng tiến độ trên cơ sở nghiên cứu tổng thể và đảm bảo đồng bộ các mục tiêu và định hướng phát triển miền núi.
Ông Nguyễn Quang Thử cho hay, trên cơ sở phân tích đánh giá các điều kiện thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức và xuất phát điểm hiện tại của miền núi, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất ban hành một số chính sách chuyên đề để tiếp tục hỗ trợ phát triển miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, đạt mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra về phát triển kinh tế - xã hội miền núi trong 5 năm đến.
“Hằng năm, ưu tiên sử dụng nguồn ngân sách tỉnh từ tăng thu, vượt thu, tiết kiệm chi để đầu tư hạ tầng các khu tái định cư kết hợp phòng tránh trú bão, thiên tai, sạt lở nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu về sắp xếp dân cư miền núi đến năm 2025.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế khuyến khích vượt trội thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, đặc biệt là nông nghiệp, nghiên cứu hệ số tăng thêm đối với một số cơ chế, chính sách đang triển khai.
Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm gắn với việc thực hiện các nhóm dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư theo định hướng liên kết, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có lợi thế của miền núi” - ông Thử chia sẻ.
* Theo chương trình kỳ họp, buổi sáng đại biểu HĐND tỉnh nghe UBND tỉnh trình bày các báo cáo, đề án, tờ trình và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; buổi chiều các đại biểu thảo luận tại tổ. Hôm nay 8.12, đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường, kết hợp với chất vấn và trả lời chất vấn, biểu quyết thông qua các nghị quyết.