Định vị chiến lược phát triển

TRỊNH DŨNG 12/10/2015 09:55

Chiến lược phát triển nhanh, bền vững đã được định hình, xem như là một bản cam kết của chính quyền về việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, rất cần năng lực điều hành của các cơ quan công quyền.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI


Duy trì tốc độ tăng trưởng

Chiến lược phát triển Quảng Nam dựa trên sự tăng trưởng cụm ngành và cụm đô thị động lực, phát triển du lịch bền vững, quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, liên kết đô thị nông thôn và hợp tác cấp vùng đã mang lại hiệu quả trong vòng 5 năm qua. Lộ trình này đã mang lại sự hình thành các cơ hội đầu tư và huy động nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Số liệu từ Cục Thống kê Quảng Nam cho thấy Quảng Nam đã duy trì được độ tăng trưởng ,khoảng 11,5%/năm. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giảm còn 16%. Chất lượng y tế, giáo dục đã được cải thiện. Những chính sách thoát nghèo đã bổ sung nguồn lực khá lớn cho các địa phương, dẫn đến tỷ lệ  hộ nghèo năm 2015 chỉ còn 8,9% và khu vực miền núi đã giảm từ 43% xuống còn 32%.

Khu công nghiệp Tam Hiệp.
Khu công nghiệp Tam Hiệp.

Nhóm chuyên gia quốc tế và Việt Nam thuộc Chương trình định cư con người của Liên hiệp quốc (UN – Habitat) xây dựng Chiến lược phát triển Quảng Nam nhận định Quảng Nam có lợi thế về lao động trẻ, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, vị thế đắc địa trong hệ thống giao thông nội vùng châu Á, chính sách mở cửa đầu tư và quỹ đất dồi dào, đang ở giai đoạn khởi đầu nên có nhiều cơ hội phát triển hợp lý, tránh những sai lầm của các địa phương đi trước. Song Quảng Nam chưa thể bứt phá vì còn đến 83% lao động thiếu kỹ năng nghề cao và chảy máu chất xám, 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường nội tỉnh kém sức cạnh tranh. GS-TS. Lê Hồng Kế - chuyên gia Habitat Việt Nam cho rằng công nghiệp đang dẫn dắt tăng trưởng Quảng Nam vẫn đang ở nấc thang thấp. Chủ yếu là những ngành dựa vào khai thác tài nguyên và tiểu thủ công nghiệp, chưa tận dụng cơ hội hội nhập, chưa hấp dẫn FDI và xuất khẩu hạn chế. Chưa kể đến việc khó khăn huy động vốn đầu tư, dòng vốn FDI giải ngân quá thấp so với đăng ký, chủ yếu được phân bổ vào các ngành sử dụng lao động giản đơn, không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Những nhận xét trên trùng với phân tích của Cục Thống kê Quảng Nam. Cơ quan này công bố hiện quy mô kinh tế và chất lượng tăng trưởng Quảng Nam còn thấp. Một số ngành công nghiệp chủ lực xuất khẩu có xu hướng giảm. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, thiếu năng lực cạnh tranh và thị trường khó khăn. Xuất khẩu tăng rất thấp. Du lịch chưa phát huy lợi thế kết nối đến các vùng. Năng suất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi thấp, chỉ chiếm 28%. Liên kết vùng, đầu tư hạ tầng khó khăn, thiếu kết nối trục ngang, miền núi, thu hút nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng khi doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ chiếm 20%, khu vực dân cư 20% và FDI chững lại khi chỉ đáp ứng khoảng 7%.

Ô tô Trường Hải. Ảnh: T.DŨNG
Ô tô Trường Hải. Ảnh: T.DŨNG

Xác lập mục tiêu tăng trưởng

Quảng Nam đặt ra mục tiêu duy trì tăng trưởng GRDP 10 – 10,5%, bảo đảm sự ổn định và duy trì nhịp độ tăng tưởng, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, cải thiện chất lượng tăng trưởng theo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Kịch bản kinh tế này sẽ được xác lập trên chiến lược phát triển đang định hình. Ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê cho hay, không còn cách nào khác hơn là tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Quảng Nam cần kiến nghị trung ương ban hành cơ chế tài chính, đầu tư vượt trội như được tái đầu tư từ vượt thu xuất nhập khẩu, các dự án điện khí, miền núi, hỗ trợ cùng chính sách của Quảng Nam để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông trọng điểm, kết nối nội vùng thì mới tạo động lực phát triển các vùng chiến lược. Vùng đông dựa theo trục chiến lược phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch. Vùng trung tây hình thành vùng nguyên liệu, chế biến nông lâm sản. Miền núi quá khó khăn hướng đến việc hoàn thành 2 nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ an ninh quốc phòng và giảm nghèo. “Cần một chiến lược quy hoạch ven biển. Giải quyết sự mất cân đối, lệch pha giữa các vùng vì thiếu quy hoạch. Nếu không khắc phục thì năm năm tới sẽ mất hết động lực. Không có xung lực phát triển thì nguy cơ nghèo sẽ còn dai dẳng và đừng mong gì đến tăng trưởng nhanh, bền vững” - ông Đào nói.

Ông Trương Quang Dũng – Phó giám đốc Sở KH&ĐT cho hay khoảng 70 quy hoạch đã được phê duyệt, đóng góp tích cực vào việc điều hành, định hướng phát triển kinh tế xã hội Quảng Nam. Tuy nhiên, các loại hình quy hoạch này chồng lấn, mâu thuẫn, mất tính khả thi trên thực tế, không thể kiểm soát và thiếu gắn kết nguồn lực. Vì vậy, cần tích hợp các loại quy hoạch này (phát triển kinh tế xã hội, lĩnh vực, ngành, xây dựng, sử dụng đất cho gọn, tránh lãng phí và dễ điều hành. Quan trọng nhất là lựa chọn quy hoạch để tiến hành đầu tư để xác lập mục tiêu tăng trưởng theo chiến lược đã cam kết.

TS. Nguyễn Quang – Giám đốc Habitat Việt Nam khuyến cáo Quảng Nam đang phải đối mặt với nhiều lực cản phát triển. Chiến lược Quảng Nam phải dựa trên một quy hoạch cơ sở hạ tầng công nghiệp bền vững hướng đến các thị trường và ngành mới, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và có sự hỗ trợ phát triển của cơ sở hạ tầng. Nếu thiếu kế hoạch, sự hợp tác giữa các cơ quan công quyền và cam kết của cộng đồng địa phương sẽ không chỉ làm mất đi cơ hội thu hút nguồn lực tài chính, con người và mất luôn cơ hội đầu tư trong tương lai. “Phát triển, quản lý du lịch bền vững là sắc thái, đặc thù của chỉ Quảng Nam là hấp dẫn các nhà đầu tư. Sự đẩy mạnh và mở rộng phương pháp tiếp cận tổng hợp như sáng kiến đề xuất du lịch giảm nghèo của UNESCO trong khi vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc là dấu ấn đặc biệt. Du lịch cần nỗ lực đóng vai trò chủ chốt tạo nền tảng đầu tư nhân và thu hút các đầu tư vào khu kinh tế mở, khu công nghiệp” - ông Quang nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định vị chiến lược phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO