Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực, khiến hoạt động sáng tác của không ít văn nghệ sĩ bị chững lại. Nhưng rồi, cũng chính từ những trải nghiệm khó nhọc trong mùa dịch, nhiều người trong số họ đã có cơ hội để lắng lại, suy ngẫm và tìm hướng đi trong điều kiện mới...
Một trải nghiệm khó nhọc
Là người ưa xê dịch, cứ năm bảy ngày lại phải đi đâu đó để “nạp năng lượng”, nên khi phải thúc thủ ở nhà trong nhiều tháng liền, nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam, cho biết anh “suýt chút nữa là bị stress”.
Cũng may, trong khoảng thời gian này, sẵn có tủ sách trong nhà, thỉnh thoảng lại nhận được thêm vài cuốn sách từ bạn bè các nơi gửi tặng, anh đã “xả stress” bằng cách đọc sách. “Trong sự đọc và viết của mình, chưa bao giờ tôi cảm thấy khó nhọc đến như vậy” - nhà văn Lê Trâm nói thêm.
Còn nhà thơ Phạm Tấn Dũng thì cho biết, trong thời gian dài ở nhà tránh dịch, thỉnh thoảng cảm hứng vẫn đến nhưng anh không sáng tác. Bởi lẽ, viết về dịch bệnh thì chưa “quen tay”, không khéo lại nảy ra toàn chuyện buồn. Còn viết về tình yêu trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch thì e là... vô duyên.
Anh nói: “Tôi xem đó như là một quãng nghỉ, để mình tự nhìn lại, tự định vị lại công việc sáng tác của mình”.
Nhưng bí bức hơn cả có lẽ là các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), bởi để có được tác phẩm, họ phải ra hiện trường chứ không thể “chụp” từ ký ức. Không thể tiếp cận các “vùng đỏ” hay các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chọn cách tiếp cận vòng ngoài hoặc tìm đến các khu vực an toàn để sáng tác. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, để đỡ nhớ nghề, chứ hiệu quả sáng tác thì không cao.
Một nghệ sĩ nhiếp ảnh cho biết: “Chúng tôi luôn tuân thủ 5K và thực hiện đầy đủ quy định phòng chống dịch của địa phương, nhưng thật sự thì tâm trạng không thoải mái lắm nên khó tìm ra cảm hứng sáng tác”.
Đây cũng là lý do mà tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 26 diễn ra hồi tháng 8, số lượng tác giả và tác phẩm dự thi của Quảng Nam (cũng như của 9 tỉnh thành khác trong khu vực) giảm đáng kể.
Tìm hướng đi thích ứng
Đang lúc phải cách ly dài ngày trong “vùng đỏ”, NSƯT Đỗ Linh nhận được lời kêu gọi sáng tác về đề tài phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Dù đang mệt mỏi nhưng anh chợt hiểu rằng, những giải pháp phòng chống dịch của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tích cực, những người nghệ sĩ như anh không thể đứng ngoài mà cần phải góp sức bằng chính tác phẩm của mình.
Và anh đã bắt tay vào viết tác phẩm dân ca bài chòi “Xuân trong mùa Covid”, truyền tải niềm tin, tinh thần lạc quan đến với cộng đồng. Tác phẩm này của anh mới đây đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng giải B, đồng thời lọt vào vòng chung khảo Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2021.
Cùng với NSƯT Đỗ Linh, nhiều văn nghệ sĩ khác của Quảng Nam cũng đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi sáng tác về đề tài phòng chống Covid-19, với hàng chục bài thơ, ca khúc, ghi chép, truyện ngắn, tranh, ảnh nghệ thuật... có chất lượng.
Cây bút nữ Phương Dung - người phải “cách ly” với gia đình suốt hơn 3 tháng liền, cho biết dù tâm trạng khá bất ổn nhưng sau đó chị đã quyết tâm dồn sức để sáng tác, như một cách để sẻ chia cùng cộng đồng và giúp mình vượt qua những lo âu. 3 truyện ngắn cùng một số bài thơ chị công bố trong khoảng thời gian này chính là kết quả của nỗ lực ấy.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Giúp, một trong những cây bút sáng tác khá nhiều và đều tay của Quảng Nam, cũng cho biết cảm xúc của anh gần như bị “đóng băng” trong thời gian ở nhà tránh dịch. Hầu như không viết được gì mới, anh chuyển sang đọc sáng tác của bạn bè và dành thời gian chăm sóc, chỉnh sửa bản thảo tập trường ca “Sóng Thu Bồn” - vốn đã được anh viết xong từ cuối năm ngoái.
Với anh, đó chính là cách để nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, để mạch sáng tạo không bị đứt quãng. Sau khi chỉnh sửa xong - kỹ lưỡng và tỉ mỉ chưa từng có, cuối tháng 10 vừa rồi anh đã gửi bản thảo đi xin giấy phép xuất bản.
Trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thi thoảng một số NSNA lại “trang bị 5K” để ra ngoài sáng tác. Không thể trực tiếp đến các vùng dịch để bấm máy, họ hướng ống kính của mình vào những “khoảng trống” của cuộc sống thời Covid.
Trong đó, các NSNA Đặng Kế Đức, Huỳnh Hà, Đặng Kế Cường... là những người chụp được nhiều bức ảnh cận cảnh khá ấn tượng và tạo nhiều cảm xúc đặc biệt về không khí im lìm, vắng vẻ đến kinh ngạc của phố cổ Hội An. Hay như NSNA Phan Vũ Trọng, với lợi thế của một người làm việc trong ngành y, anh đã có được nhiều bức ảnh trực diện về hoạt động phòng chống dịch.
Còn với NSNA Lê Trọng Khang, khi không thể ra ngoài để chụp, anh chọn cách sáng tác trong studio bằng thể loại ảnh ý tưởng, và một trong những tác phẩm ảnh loại này của anh đã giành được huy chương đồng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 26 - năm 2021.