Định vị thương hiệu quốc bảo sâm Ngọc Linh - Bài 2: Nhiều rào cản

DIỄM LỆ - VĂN SỰ 08/07/2022 05:33

Việc gây trồng, chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, như thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thiếu cơ sở sơ chế biến sâu; công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế... Những khó khăn này đã được nhìn nhận nhằm đưa sâm Ngọc Linh phát triển lên tầm cao mới.

Người dân, doanh nghiệp và chính quyền đang cùng nhau chung tay nâng cao giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ảnh: D.L
Người dân, doanh nghiệp và chính quyền đang cùng nhau chung tay nâng cao giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ảnh: D.L

Khó khăn từ thực tế

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, những năm qua chính quyền 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã quy hoạch vùng bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 47.309ha.

Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay tỉnh có 2 vườn ươm sâm Ngọc Linh giống tại huyện miền núi cao Nam Trà My với số lượng khoảng 100.000 cây/năm nhằm chủ động phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của các doanh nghiệp và người dân.

Qua theo dõi của Sở NN&PTNT, những năm gần đây, vùng trồng sâm Ngọc Linh chịu tác động mạnh của hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây sâm.

Đầu năm lượng mưa ít, độ ẩm thấp, nhiệt độ không khí cao so với quy luật bình thường, nguồn nước ngầm cạn kiệt khiến việc sinh trưởng của cây sâm chậm. Tình hình dịch bệnh đốm vòng, sương mai, thối rễ, sâu hại, chuột phá sâm trong 2 năm gần đây gây thiệt hại không nhỏ đến vùng sản xuất sâm.

“Hiện nay cây sâm Ngọc Linh mới chỉ được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một “quốc bảo” mang trong mình sứ mệnh chuyên chở hàm lượng tri thức bản địa, sự hội tụ đa dạng sinh học tinh hoa đất trời...”.

 (Bà Nguyễn Thị Thu Liên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam)

Thực trạng này đã được huyện Nam Trà My cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Sở NN&PTNT theo dõi kỹ. Theo lời ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, những năm gần đây, thời tiết biến đổi thất thường; nắng nóng, mưa đá, sương muối xuất hiện ngày càng nhiều, gây hại đến cây sâm Ngọc Linh.

Như đợt mưa trái mùa vào tháng 3.2022 vừa qua, hầu hết vườn sâm xuất hiện nhiều loại sâu gây hại và bệnh lở cổ rể trên cây sâm gây thiệt hại đáng kể, nhất là đối với các loại sâm từ 1 đến 3 năm tuổi. Hiện nay chưa có biện pháp phòng và trừ triệt để loại dịch bệnh này.

Do vậy, UBND huyện Nam Trà My đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nghiên cứu, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh phù hợp với tình hình thực tế. Về lâu dài, cần có chủ trương xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về các biện pháp phòng trừ tác nhân gây hại sâm Ngọc Linh.

 Một khó khăn khác, trong các quy định của tỉnh hiện vẫn có sự chồng chéo, khiến huyện khó thực hiện các định mức hỗ trợ cho nhân dân trong việc trồng sâm Ngọc Linh.

Cụ thể, theo Quyết định 1174 ngày 22.4.2019 của UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và Quyết định 255 ngày 29.6.2020 của Sở NN&PTNT hướng dẫn quy trình kỹ thuật có định mức về sử dụng lưới bao B40, trụ sắt V4 (mạ kẽm), cho phép dùng ny lon, tôn, lưới để che chắn.

Tuy nhiên, tại Công văn số 129 ngày 28.1.2022 của Sở NN&PTNT yêu cầu không đưa vật liệu khó phân hủy, có nguy cơ ô nhiễm môi trường như tấm nhựa, khay nhựa, rổ nhựa, ny lon vào sử dụng trong vườn sâm. Các quy định này chồng chéo nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý, giám sát về cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh đang được bày bán ở nhiều cửa hàng. Ảnh: D.L
Sản phẩm sâm Ngọc Linh đang được bày bán ở nhiều cửa hàng. Ảnh: D.L

Để bảo vệ cây sâm tốt hơn, UBND huyện Nam Trà My đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra thực tế để đưa ra hướng dẫn quy trình thống nhất, phù hợp.

Huyện cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể về việc thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu, cây sâm dưới tán rừng thống nhất từ trung ương đến địa phương, tạo thuận lợi cho địa phương trong thực hiện thủ tục hồ sơ, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâm.

Thách thức hành trình xây dựng thương hiệu

Tại hội thảo lấy ý kiến nhằm xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045” để các bộ ngành hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, sâm Ngọc Linh là một trong những loài sâm có hàm lượng Saponin khung Dammaran cao nhất (khoảng 12 - 15%) và lượng Saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax trên thế giới. Đây là loại dược liệu quý hiếm với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu nào có được.

Ảnh: D.L
Ảnh: D.L

Theo ông Doanh, thời gian qua, một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm nhưng việc gây trồng, chế biến, tiêu thụ sâm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Ông Doanh nói: “Đáng chú ý là các địa phương đều thiếu quy hoạch bài bản cho việc phát triển vùng nguyên liệu sâm, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở chế biến sâu. Đặc biệt, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sâm còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam vẫn là hành trình dài cần sự vào cuộc, chung tay từ người dân đến chính quyền, doanh nghiệp và các bộ, ngành”.

Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Liên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam, từ khi được gọi là “quốc bảo”, cây sâm Ngọc Linh không còn là đối tượng cây trồng đơn thuần trong danh mục trồng trọt của nông nghiệp Việt Nam, mà đã trở thành đối tượng đặc biệt, được đối xử đặc biệt và được bảo vệ đặc biệt.

“Thế nhưng, theo quan sát, hiện nay cây sâm Ngọc Linh mới chỉ được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một “quốc bảo” mang trong mình sứ mệnh chuyên chở hàm lượng tri thức bản địa, sự hội tụ đa dạng sinh học, tinh hoa đất trời nước Nam và vô vàn câu chuyện văn hóa gắn với sự sinh tồn của giống cây dược liệu vô cùng quý giá này. Khai thác giá trị kinh tế của sâm Ngọc Linh không có gì sai.

Nhưng nếu chỉ có thế, chúng ta sẽ nhanh chóng đánh mất “quốc bảo” mà thiên nhiên ban tặng và cha ông chúng ta đã mất bao công sức gìn giữ, truyền lại cho ngày nay” - bà Liên chia sẻ.

Từ những theo dõi trong thực tế việc cung cấp hạt giống, bán sâm tươi ra thị trường, bà Liên cho rằng đã xuất hiện sự lộn xộn trong khâu cung cấp hạt giống và cây trồng cho vùng trồng sâm Ngọc Linh.

Vấn đề này nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài. Không chỉ vậy, trên thị trường sâm Ngọc Linh, vẫn đang lẫn lộn sản phẩm thật - giả. Những người bán hàng giả quảng cáo sai sự thật nhưng chưa có trường hợp nào bị cơ quan chức năng xử lý.

Bà Liên nói: “Chúng tôi cũng thấy tiềm ẩn sự bất công trong những vùng trồng sâm, khi người nông dân trồng sâm còn chịu nhiều thiệt thòi và không tiếp cận được với công nghệ mới trong việc chăm sóc, nuôi trồng đối tượng cây dược liệu đặc biệt quý hiếm này.

Kinh nghiệm trong dân gian là không đủ để khai thác hết giá trị của “quốc bảo” đúng nghĩa, cũng như ứng phó với diễn biến khó lường của thời tiết, khí hậu. Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, bảo vệ và phát huy những giá trị đặc hữu của loại dược liệu quý hiếm này”.

-------------------------

Bài cuối: Đưa sản phẩm vươn tầm quốc tế

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định vị thương hiệu quốc bảo sâm Ngọc Linh - Bài 2: Nhiều rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO